Sunday , April 28 2024

Doanh nghiệp Mỹ, EU tìm nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp Mỹ, Châu Âu (EU) muốn tìm nguồn cung giá rẻ tại Việt Nam và các thị trường mới nổi.

Đó là nhận định của ông Hu Wei, tổng giám đốc Global Sources, đơn vị chuyên về nền tảng tìm nguồn cung ứng đa kênh tại Hồng Kông, tại buổi họp báo về “Triển lãm nguồn cung quốc tế” lần đầu tiên tại Sài Gòn chiều 6 Tháng Mười Hai.

Ngành gỗ Việt Nam kỳ vọng vào việc xuất cảng sang Mỹ. (Hình: Dương Hưng/Tiền Phong)

Báo VNExpress dẫn lời ông Hu Wei cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, hàng loạt các nhà mua hàng B2B (Business To Business – một hình thức giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) từ Mỹ, EU, Châu Á đề nghị Global Sources kết nối nguồn hàng giá rẻ từ Việt Nam và các nước lân cận.

Trong đó, các nhà nhập cảng Mỹ, EU muốn chuyển dịch nhập cảng hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống như Hồng Kông, Nhật sang Việt Nam, Thái Lan, Cambodia. Ngoài ra, phẩm chất hàng hóa Việt Nam ngày càng cải thiện, giá cạnh tranh nên được nhiều người tiêu dùng tại các quốc gia trên ưa chuộng.

Theo Hu Wei, các đối tác của họ muốn tìm được nguồn cung đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ, thời trang phụ kiện tại Việt Nam.

Trong tình trạng năng lực xuất cảng của ngành gỗ ở tỉnh Bình Dương trong năm giảm 50%, đại diện Hiệp Hội Chế Biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) kỳ vọng có thể tìm được người mua mới để tăng năng lực xuất cảng.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, 11 tháng đầu năm 2022, xuất cảng hàng hóa trong nước ước đạt $342.2 tỷ, tăng 13.4%. Trong các thị trường xuất cảng, Mỹ và Châu Âu có mức tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp ở hai thị trường này “ngày càng ưu tiên nguồn cung hàng hóa từ Việt Nam.”

Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 11 tháng ước đạt $101.5 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021, và chiếm 29.7% tổng kim ngạch xuất cảng cả nước.

Tuy nhiên hiện tại, một số mặt hàng chủ lực xuất cảng của Việt Nam sang thị trường Mỹ, EU đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, trong khi thị trường Châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường khiến doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi. Thêm vào đó, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại. (Tr.N) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *