Thursday , March 28 2024

Xăng lại khó tìm mua ở Việt Nam khi hàng loạt cây xăng đóng cửa

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khoảng gần 100 cây xăng tại nhiều địa phương đóng cửa làm người chạy xe khó tìm ra nơi mua xăng từ mấy ngày Tết đến nay.

Theo tin tờ Tiền Phong ngày Thứ Hai, 30 Tháng Giêng, ở khu vực các tỉnh phía Nam, có khoảng 80 cây xăng treo bảng “hết xăng, dầu hoặc thiếu xăng, thiếu dầu trong vài tiếng đồng hồ và một số ít cửa hàng bán lẻ đóng cửa nghỉ bán Tết do nhân viên về quê.”

Một trong những cây xăng treo bảng “hết xăng” ở Hà Nội ngày 29 Tháng Giêng, 2023. (Hình: Lao Động

Khi kể chung cả nước, báo trên nói khoảng “gần 100 cây xăng bán lẻ trên toàn quốc đóng cửa.” Tuy con số vừa kể rất nhỏ so với hơn 8,600 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước, chúng lại tập trong ở các khu vực đông dân cư nên người ta đã phải chạy lòng vòng từ khu phố này sang khu phố khác tìm chỗ đổ xăng.

Chuyện thị trường xăng dầu ở cái xứ “dân chủ đến thế là cùng” của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, có cái đuôi “theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” nên nó làm quần chúng lao đao. Giá dầu trên thế giới trồi sụt từng ngày theo các diễn biến thời sự quốc tế. Nhưng tại Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN ấn định giá bản lẻ ra thị trường, không uyển chuyển theo kịp giá nhập cảng hay sản xuất trong nước.

Theo tờ Tiền Phong thuật lời một nhân vật thuộc “doanh nghiệp đầu mối” kinh doanh xăng dầu thì, tuy xăng dầu không thiếu nhưng các cửa hàng bán lẻ “không được điều chỉnh” giá bán ra (cao hơn) làm họ bị lỗ. Kinh doanh thì phải có lời nhưng bị buộc phải bán lỗ vốn nên chủ cây xăng bán lẻ đã tìm cách, từ hạn chế số lượng mua vào đến đóng cửa.

Từ mấy ngày qua, người ta đã thấy một số báo tại Việt Nam cho hay nhiều cây xăng đóng cửa nghỉ bán vì họ bị nhà cung cấp bán sỉ cung cấp xăng dầu với “chiết khấu bằng 0” làm họ lỗ nặng, có thế tới 1,300 đồng một lít, theo tin tờ Lao Động ngày 29 Tháng Giêng. “Chiết khấu” là cách nói tại Việt Nam mà “công ty đầu mối,” nhà đại lý nhập cảng hay phân phối xăng dầu sản xuất trong nước, cho chủ các cây xăng bán lẻ được hưởng lãi bao nhiêu vì giá bán lẻ trên thị trường do nhà nước ấn định.

Khi cho người ta mua hàng để bán với cái tỉ lệ “chiết khấu bằng 0,” nó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp “tự ăn thịt mình,” theo báo Lao Động. Bởi vì, nhiều thứ tốn kém liên quan đến điều hành kinh doanh gồm lương tiền nhân viên, phí tổn điện nước, tiền thuê cơ sở, tỉ lệ hao hụt… không thứ nào giảm bớt hay miễn trừ.

Cái oái oăm là nhà cầm quyền không cho phép cây xăng nào được đóng cửa. Nếu đóng cửa mà còn xăng, bị cáo buộc là “găm hàng” liền bị phạt hàng chục triệu đồng cùng với nguy cơ có thể bị rút lại giấy phép kinh doanh.

Người dân tìm được chỗ đổ xăng nhưng nhiều khi bị giới hạn, không được mua đầy bình. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

Tờ Lao Động dẫn ý kiến của một số người kinh doanh xăng dầu cho rằng một cuộc khủng hoảng thị trường xăng dầu tại Việt Nam như đã xảy ra trong năm ngoái có thể trở lại nếu nhà cầm quyền trung ương không có một chính sách điều phối thị trường hợp lý.

Hiện nay, hệ thống kinh doanh và phân phối xăng dầu từ nhập cảng đến sản xuất và bán lẻ trên thị trường tại Việt Nam gồm năm tầng nấc là “thương nhân đầu mối kinh doanh và thương nhân đầu mối sản xuất” với hơn 30 công ty lớn nhỏ, trong đó các hãng quốc doanh làm trùm quá phân nửa thị trường. Kế đến là “thương nhân phân phối,” tầng thứ ba là “tổng đại lý.” Tầng thứ tư là “đại lý.” Nằm dưới cùng là “cửa hàng bán lẻ.” Các “cửa hàng bán lẻ” lại không được mua từ hai nhà đại lý khác nhau.

Dân chúng kêu than rất nhiều khi xảy ra cuộc khủng hoảng xăng dầu năm ngoái, Bộ Công Thương CSVN tổ chức một cuộc họp nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng khác trong tương lai. Nay đang có dấu hiệu tái diễn. (TN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *