Thursday , October 10 2024

VietJet Air phải đem phi cơ sang Lào bảo dưỡng, Nguyễn Thị Phương Thảo than ‘tốn kém’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ hãng hàng không VietJet Air, được ghi nhận vừa lên tiếng than phiền về chuyện phải đem phi cơ sang Lào bảo dưỡng, với “chi phí khá tốn kém.”

Theo trang tin CafeF.vn hôm 22 Tháng Chín, bà Thảo nói điều này trong cuộc họp của ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Việt Nam, với chủ các doanh nghiệp hàng đầu, bàn về giải pháp phát triển kinh tế.

“VietJet vận hành hơn 100 phi cơ nhưng không có được ‘hangar’ [xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phi cơ] ở Việt Nam. Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của VietJet đang thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật phi cơ ở phi trường Wattay, Viêng Chăn, Lào, trong liên doanh với Lao Airlines, chi phí khá tốn kém,” bà Thảo được dẫn lời.

Nữ tỷ phú không nêu con số chi phí cụ thể mà hãng VietJet đang phải trả cho dịch vụ này tại Lào.

Bà Thảo cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam “có điều kiện và năng lực để xây dựng hệ thống ‘hangar’ là hạ tầng cho trung tâm dịch vụ kỹ thuật tại các phi trường ở Việt Nam.”

Liên quan vụ việc, tờ Thanh Niên hồi Tháng Năm năm ngoái cho hay, hiện nay tại Việt Nam có hơn 200 phi cơ dân dụng nhưng cả nước chỉ có hai đơn vị bảo dưỡng có “hangar” là VAECO thuộc hãng Vietnam Airlines và một “hangar” thuộc hãng Vietstar Airlines (VSA).

Thời điểm đó, để chuẩn bị mặt bằng xây dựng nhà ga T3 ở phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, VSA được Bộ Quốc Phòng Việt Nam và Ban Bồi Thường Giải Phóng Mặt Bằng quận Tân Bình yêu cầu di dời “hangar” trên khu đất rộng 10 hécta của hãng này nhưng “chưa biết sẽ dời về đâu” và “theo cách nào.”

Trước khi bị buộc dời đi nơi khác, “hangar” của VSA được ghi nhận “hoạt động ổn định,” có gần 200 kỹ sư, thợ kỹ thuật và cán bộ, nhân viên, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay cho các hãng hàng không Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines…

Việc di dời “hangar” của VSA khiến Việt Nam chỉ còn mỗi “hangar” VAECO của Vietnam Airlines hoạt động, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch bảo dưỡng phi cơ của các hãng khác.

Tình trạng này dẫn đến hệ lụy là các hãng hàng không thiếu công suất bay, tăng giá máy bay do độc quyền bảo dưỡng phi cơ, tờ Thanh Niên viết thêm. (N.H.K)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *