BẮC KINH, Trung Quốc (NV) .- Việt Nam và Trung Quốc lập lại lời kêu gọi giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông “thông qua hiệp thương hữu nghị”.
Cuối ngày 20 Tháng Tám khi phái đoàn của ông Tổng bí thư chủ tịch nước CSVN Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, hai nước ra một bản tuyên bố chung 12 điểm, trong đó điểm số 10 kêu gọi cùng nhau “duy trì hòa bình, ổn định” tại Biển Đông và khu vực.
Bản tuyên bố chung lập lại những điều thỏa thuận được nói đi nói lại nhiều lần là “kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp.”
Việt Nam ký với Trung Quốc bản hiệp ước Phân định Biên giới trên đất liền cuối năm 1999 rồi cuối năm sau ký hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ. Vấn đề trên đất liền tương đối yên ổn từ đó đến nay nhưng các vấn đề trên biển thì vẫn còn nhiều thứ ngổn ngang, đặc biệt tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Trung Quốc dựa trên 9 vạch tưởng tượng nối lại giống hình “lưỡi bò” rồ tuyên bố chủ quyền đến 90% Biển Đông. Nhiều khu vực lấn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước phía nam trong đó có Việt Nam, bất chấp Công ước vệ Luật biển (UNCLOS) mà họ nói họ vẫn tôn trọng. Đây là lý do nhiều lần Trung Quốc đe dọa đánh chiếm các vị trí Việt Nam đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa nếu nhất định tiếp tục tìm kiếm và khai thác thêm các mỏ dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò”.
Bản tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc đưa ra ngày 20 Tháng Tám kết thúc chuyến thăm viếng của phái đoàn Tô Lâm nói rằng hai bên “không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp” và “tích cực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển” như từng nói nhiều lần trước đây.
Tuy vậy, không thấy có những “hợp tác” trong “lãnh vực ít nhạy cảm” nào thấy loan báo trong khi giới phân tích thời sự quốc tế tiết lộ lực lượng Hải giám của Trung Quốc và Cảnh sát biển với Kiểm ngư của Việt Nam tuy không có các xô xát nào nhưng vẫn bám theo, canh chừng nhau tại các vùng biển tranh chấp.
Mới đây, trang mạng South China Sea Probing Initiative tại Bắc Kinh dựa trên bản báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington gần đây cũng đã hô hoán là Việt Nam lẳng lặng bồi đắp một số đảo và bãi ngầm ở Trường Sa. Dù vậy, không có tin tức gì cho biết ngoài những lời báo động ấy, Bộ Ngoại giao và lực lượng quân sự của Trung Quốc có hành động gì.
Trước khi công bố bản thông cáo chung của hai nước, Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phan Văn Giang và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân cũng đã họp với nhau và đều nói tới chuyện hợp tác giữa hai quân đội theo chủ trương “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.
Tuy nhiên nếu căn cứ trên nhóm từ “kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được”, người ta thấy hai nước vẫn còn những bất đồng về chủ quyền biển đạo tại biển Đông khi Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi Bắc Kinh vin vào cái “lưỡi bò” tưởng tượng, cậy sức mạnh quân sự ăn trùm một trời một vực, phủ nhận tất cả.
Khi ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam lúc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn sống, bản thông cáo chung ngày 13 Tháng Mười Hai 2023 cũng đã thấy viết là hai bên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp, cùng duy trì ổn định trên biển”.
Việt Nam hàng năm đều có các cuộc họp về các vấn đề trên biển và cũng không thấy có tiến triển cụ thể nào được loan báo.(TN)