HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hà Nội cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao phản đối lực lượng Trung Quốc “hành sử thô bạo” với ngư dân Việt Nam hành nghề khu vực Hoàng Sa.
“Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
Bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN họp báo nói như vậy hôm Thứ Tư 2 Tháng Mười. Bà kêu rằng lính Trung Quốc “gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam” khi các tàu tuần của Trung Quốc tấn công một tàu dánh cá của ngư dân Quảng Ngãi hành nghề câu biển tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa ngày 29 Tháng Chín 2024.
Báo chí tại Việt Nam dẫn lời bà Hằng cáo buộc rằng hành động của lính Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao của hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển”.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thường lập lại những lời cả quyết này mỗi khi cần tuyên bố. Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 sau trận hải chiến với một số chiến hạm VNCH. Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và một số sĩ quan và lính của ông đã nằm lại biển cùng với chiến hạm HQ 10.
Đến năm 1988, Trung Quốc xua lực lượng đánh chiếm một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, trong đó, vụ bắn giết tại đảo chìm Gạc Ma đã làm 64 lính CS Việt Nam thiệt mạng. Gần 30 năm sau, Trung Quốc bồi đắp, xây dựng Gạc Ma và 6 đảo chìm khác thành những đảo nhân tạo khổng lồ, trang bị tối tân, khống chế hải lộ quan trọng của khu vực.
Trong cuộc họp báo kể trên, báo chí tại Việt Nam còn thuật lời bà Hằng cho biết “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.”
Sau mấy năm êm ắng không thấy Việt Nam và Trung Quốc có điều tiếng gì lộ liễu và gay gắt gì trên báo chí tuyên truyền về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, nay lại thấy Hà Nội có lời lẽ giận dữ khi phản đối vụ tấn công tàu ngư dân Quảng Ngãi.
Theo thông tấn xã Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày mùng 1 Tháng Mười khi được hỏi về vụ việc đã nói rằng tàu đánh cá của Việt Nam “đánh bắt bất hợp pháp” ở vùng biển Hoàng Sa của họ mà “chưa được chính phủ Trung Quốc cho phép”. Vì vậy lực lượng của họ ngày 29 Tháng Chín đã “thực hiện các biện pháp ngăn chặn”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói “Các hoạt động tại khu vực mang tính chuyên nghiệp và có kiềm chế, không có ai bị thương,”
Hình ảnh thương tích và lời kể lại của ngư dân nạn nhân của vụ tấn công thấy trên báo chí tại Việt Nam ngược lại với lời nói chống chế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mà Reuters thuật lại. Trong những năm trước đây, các vụ tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam ở Hoàng Sa được thuật lại rộng rãi.
Ông Đặng Sơn Duân, một nhà báo tại Việt Nam và cũng là một nhà nghiên cứu độc lập, theo dõi sát tình hình diễn biến thời sự Biển Đông viết trên trang tin cá nhân và trên X (Twitter) ngày 1 Tháng Mười là “Hai tàu Trung Quốc tấn công các ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 29 Tháng Chín là tàu Tam Sa Chấp Pháp 101 (Sansha Zhifa 101) và Tam Sa Chấp Pháp 301 (Sansha Zhifa 301).”
“… dữ liệu tàu biển cho thấy hai tàu Sansha Zhifa 101 và Sansha Zhifa 301 xuất hiện tại khu vực này vào sáng 29 Tháng Chín. Đây là các tàu thuộc Cục chấp pháp hành chính tổng hợp và quản lý tình trạng khẩn cấp của cái gọi là thành phố Tam Sa. Sự trùng hợp về số hiệu, vị trí hoạt động cũng như cách hành xử bạo lực và vô nhân đạo cho phép kết luận chúng chính là hai tàu đã tấn công dã man các ngư dân Quảng Ngãi.”
Cũng trong ngày 2 Tháng Mười, Hội Thủy Sản Việt Nam, thấy gửi một công văn cho Bộ Ngoại giao Hà Nội thúc giục nhà nước “Tăng cường các biện pháp hỗ trợ ngư dân, thường xuyên có lực lượng chấp pháp hỗ trợ cho ngư dân, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam, để ngư dân yên tâm bám biển sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam…” Không mấy ai tin điều này sẽ được thi hành.
Tuy nhiên, trong bức công văn vừa kể, Hội Thủy Sản thấy tiết lộ “Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng Trung Quốc liên tục nhiều lần xua đuổi, ngăn cản, cướp phá tài sản, trang thiết bị, ngư cụ và sản phẩm hải sản đánh bắt của ngư dân Quảng Ngãi khi đang đánh bắt trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và đe dọa tính mạng của ngư dân ta.”
Công văn liệt kê các vụ việc ngư dân bị cướp, bị đánh đập gãy tay, gãy chân vào các ngày 19 Tháng Tám và 29 Tháng Chín 2024. Vụ mới xảy ra ngày 29 Tháng Chín thì báo chí được đưa tin nhưng lại không nói bị tàu tuần Trung Quốc tấn công. Vụ xảy ra ngày 19 Tháng Tám thì bị dấu nhẹm, nay mới thấy Hội Thủy Sản kể ra.
Vụ tấn công ngư dân Việt Nam ngày 19 Tháng Tám xảy ra khi ông Tổng bí thư Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm đang cùng một phái đoàn cao cấp thăm Trung Quốc, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Báo chí tuyên truyền thuật lời ông Tô Lâm nói với ông Tập Cận Bình là “Việt Nam luôn luôn coi trọng và ưu tiên quan hệ với Trung Quốc”.(NTB)