Thursday , October 3 2024

‘Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới’ của Ngọc Hà – Du Miên ‘giải mã’ Little Saigon

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Bấy lâu nay không thiếu người tìm hiểu gốc gác của Little Saigon ở miền Nam California hình thành như thế nào, tự bao giờ… Và nhiều nữa những câu hỏi thuộc về buổi bình minh của Little Saigon đều được giải đáp trong “Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới.”

Sách “Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới” của ký giả Ngọc Hà – Du Miên ra mắt bạn đọc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới” là tác phẩm của hai nhà báo Ngọc Hà và Du Miên, vừa có buổi ra mắt sách tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove hôm Chủ Nhật, 14 Tháng Tám, với đông đảo đồng hương, và các thân hào nhân sĩ, những chứng nhân lịch sử cùng tham dự trong sự gần gũi thân quen. Tất cả đều là thành viên trong cộng đồng, mỗi người đều góp phần trong việc hình thành nên Little Saigon, một khu phố mà mọi người đã hãnh diện mang theo khi ra đi sau 1975.

“Có phải Little Saigon tự nhiên mà có? Vậy thì ai đã thành lập Little Saigon? Ai đặt tên Little Saigon? Ai thực sự tranh đấu để chính quyền công nhận tên Little Saigon?…” đó là nội dung cuốn sách cùng nhiều thắc mắc và giải đáp.

Quyển sách “Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới” đã cống hiến đến độc giả và giải tỏa nhiều câu hỏi thú vị về Little Saigon, cái tên thân thương đã đi vào lòng người bấy lâu nay từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về chiêm ngưỡng, từ nét văn hóa truyền thống qua các cuộc thi đầu tiên với Giải Học Sinh Việt Nam Xuất Sắc, tiếp nối với Diễn Hành Tết hằng năm trên đại lộ Bolsa-Trần Hưng Đạo hiện nay, cho đến những địa danh như tượng đài Đức Thánh Trần, cùng những nhân vật lịch sử, cho đến những khu chợ, tiệm ăn đầu tiên của người Việt…

Với sự phối hợp điều khiển chương trình của nhà báo Du Miên và ký giả Nguyễn Ngọc Chấn, không khí càng sôi nổi hẳn lên như đang trở về quá khứ khi vùng đất thiêng này còn trong không khí rộn ràng mở mang, đến những sự kỳ thị phản đối của người Mỹ, để rồi cuối cùng đón nhận được sự đồng tình của người Mỹ bằng chính những thành quả đóng góp tích cực trên nhiều khía cạnh văn hóa, kinh tế, chính trị… của cộng đồng Việt Nam.

Từ trái, ký giả Du Miên và phu nhân Ngọc Hà, kế bên cô Ngọc Mai, một thân hữu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Quyển sách gồm 330 trang với ba chương, các văn bản cùng nhiều hình ảnh, nhất là những tài liệu gốc về Little Saigon, đã xác định nguồn gốc của Little Saigon qua những bước thăng trầm, để giờ đây, “thủ phủ của người Việt tị nạn” là một minh chứng cho sự thành công vượt bực của cộng đồng người Việt tị nạn, xứng đáng với tên gọi Little Saigon.

Mỗi trường hợp, mỗi cá nhân được nêu trong cuốn sách đều thấm đẫm tính nhân văn, tình đồng bào, nghĩa tình quân dân, như trường hợp của Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, đã quỳ gối trước hai người đứng đầu cộng đồng chia rẽ tại Little Saigon để “Xin các vị hãy cùng nhau đoàn kết, xóa bỏ hiềm khích, để phục vụ cộng đồng.”

Từ năm 1976, Orange County ước tính có chừng vài ba trăm người Việt định cư, tới năm 1977 người Việt tại Little Saigon tăng lên khoảng 2,000. Từ đó bùng phát xung khắc giữa người bản xứ và người Việt tại Orange County (sách đã dẫn).

Mục Sư Nguyễn Xuân Đức kể rằng nhóm KKK (Ku Klux Klan) từng gởi thư kèm hình cái súng lục để vào đầu và nói rằng: “Ông đừng đem người tị nạn đến nữa, nếu không thì số mệnh của ông như thế này” (trang 94, sách đã dẫn).

Lúc bấy giờ có sự kỳ thị người Việt tại Little Saigon, và giới chức Hoa Kỳ đã phản đối hoặc cản trở sự phát triển của người Việt, nhưng sau đó họ đã đề xướng và cùng vận động với cộng đồng Việt Nam trong nhiều công trình, cho thấy người Mỹ đã cảm thông với người Việt bằng nụ cười cởi mở.

Giáo Sư Nguyễn Lộc Thọ, một chứng nhân được nêu trong sách, tại buổi ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hoặc câu chuyện cô ký giả Rosa Kwong (Hồng Kông) khi nhìn thấy bản đồ phố Sài Gòn đăng trên báo Saigon, cô hỏi: “Tại sao ông gọi là Phố Mới, Phố Sài Gòn?” Chủ bút báo Saigon, Du Miên, đã rớm nước mắt khi trả lời rằng “Ở quê nhà Việt Nam, Cộng Sản đổi tên thủ đô Sài Gòn của chúng tôi rồi. Chúng tôi lập khu phố nhỏ, phố mới gọi là phố Sài Gòn. Sài Gòn thủ đô nước tôi lớn và hoa lệ, là ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’… Còn ở đây, bất quá chúng tôi gom nhau lại thành khu phố nhỏ, một góc chút xíu của Sài Gòn hoa lệ ngày xưa,…’ Và khi bài tường thuật ra trên báo, cô đã gọi phố Sài Gòn trên tuần báo Saigon nói trên là “Little bit of Saigon.” Sau này người ta lược bỏ bớt hai chữ “bit of,” còn lại “Little Saigon.” Và danh xưng Little Saigon đã có từ ngày 1 Tháng Hai, 1981 (trang 72, 73, 74, sách đã dẫn).

Kết quả sau nhiều cuộc tiếp xúc vận động, đến ngày 9 Tháng Hai, 1988, Hội Đồng Thành Phố Westminster đã biểu quyết với đa số phiếu tuyệt đối, thông qua nghị quyết số 58, công nhận khu phố người Việt trên đại lộ Bolsa là “Little Saigon.”

Hoặc hình ảnh về vụ 54 ngày đêm biểu tình chống Trần Trường, và những nhân vật và câu chuyện ít người biết đến, như Kỹ Sư Hồ Thành Việt là người đầu tiên phát minh hệ VNI trong cách bỏ dấu tiếng Việt trong cách đánh máy văn bản trên máy điện toán, giúp rất nhiều trong việc làm báo và in ấn. Hoặc Bolsa Mini Mall là cái nôi phát khởi Little Saigon, hoặc Hồn Việt là tờ báo đầu tiên xuất bản tại hải ngoại, đến tay độc giả vào dịp lễ Tạ Ơn năm 1975, hoặc Trúc Lâm Yên Tử là ngôi chùa Việt đầu tiên của Little Saigon, hoặc lễ phát thưởng Học Sinh Việt Nam Xuất Sắc lần đầu tiên, để cám ơn, vinh danh thầy cô và viên chức Hoa Kỳ, đã góp phần hóa giải xung khắc, tạo cảm thông giữa giới chức công quyền và dân tị nạn. Và tin tức hàng chục ngàn người Việt biểu tình trên đại lộ Bolsa để yểm trợ cuộc nổi dậy ở Việt Nam, từ Thái Bình đến Xuân Lộc năm 1997 để chống nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam tham nhũng, chà đạp nhân dân.., và rất nhiều hình ảnh và tài liệu thông tin quý hiếm được bảo tồn tại Thư Viện Việt Nam ngày nay.

Từ trái, Mục Sư Nguyễn Xuân Hồng, cựu chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam Hoa Kỳ; phóng viên UPI Lim Thanh Vân; bà Phan Hoàng Yến, tức Tí Cô Nương, chủ nhân nhà sách Tú Quỳnh lâu đời nhất ở Little Saigon, từ 1979; Kỹ Sư Lương Hữu Dũng đã góp công đưa Đốc Sự Phùng Minh Tiến đến góp công sức rất nhiều để hình thành Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong buổi ra mắt sách, ký giả Du Miên cũng bồi hồi xúc động nhắc đến những người từng gắn bó với giai đoạn đầu của Little Saigon nay đã ra đi, như Mục Sư Nguyễn Xuân Đức, Đốc Sự Phùng Minh Tiến, cùng “ba con cọp” trong nhóm Bolsa Ngũ Hổ là Đặng Văn Thạnh, Nguyễn Xuân Phước và Nguyễn Văn Thành. Ông cũng ngỏ lời cám ơn những tác giả trong giới báo chí, các nhân vật sinh hoạt cộng đồng đã tặng hình ảnh cho Thư Viện Việt Nam, có trích dụng để in trong sách.

Có mặt tại buổi ra mắt sách, ông Nguyễn Lộc Thọ – giáo sư trường Quốc Gia Nghĩa Tử trước 1975, người đại diện phụ huynh học sinh phát biểu tại lễ phát Giải Học Sinh Việt Nam Xuất Sắc, từ lớp Một đến lớp Mười Hai, niên khóa 1983-1984, tổ chức trọng thể tại Tòa Thị Chính Westminster lúc 10 giờ sáng ngày 27 Tháng Bảy, 1984 – cho hay: “Quyển sách ra mắt hôm nay không phải là một tác phẩm văn chương, mà là một tài liệu lịch sử. Nếu trước kia 300 năm mới có một Sài Gòn lớn ở quê nhà, thì đến nay gần nửa thế kỷ mới có một ‘Sài Gòn Nhỏ’ ở hải ngoại, sẽ là một cái tên lưu truyền lịch sử cho nhiều năm sau nữa, khi cộng đồng Việt Nam lớn mạnh sẽ tìm hiểu nguồn gốc của ‘Tiểu Sài Gòn’ trong lòng người Việt tị nạn, sẽ hiểu được nó được hình thành khó khăn như thế nào. Ông Du Miên là người đầu tiên lập nên giải thưởng Học Sinh Việt Nam Xuất Sắc, nói lên được sự thành công của lớp trẻ tị nạn ở Hoa Kỳ trên con đường học vấn, và họ nay đã có tên tuổi trong cộng đồng.”

Ông Khiết Võ, cư dân Westminster, cho rằng: “Cuốn sách ra mắt hôm nay, nếu tại các trường đại học và trung học Mỹ có dạy lịch sử về người Việt, hoặc các sinh viên làm các luận án chuyên đề về sự phát triển của các cộng đồng, có thể dùng cuốn sách này như một tài liệu lịch sử tham khảo đáng tin cậy.”

Những câu chuyện kể và hình ảnh trong cuốn sách liên quan đến Little Saigon cho chúng ta thấy hằng hà sa số tâm thành, chí tốt của người bản địa và của tất cả mọi người đã đóng góp cho nơi này thành “Địa đàng hạ giới.”

Ký giả Nguyễn Ngọc Chấn (trái) và nhà báo Du Miên giới thiệu và trả lời câu hỏi về cuốn sách “Việt Eden Địa Đàng Hạ Giới.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong 48 năm qua, người Việt xa xứ đã tạo dựng được một khu phố mà bất cứ người Việt nào cũng hãnh diện vì có đóng góp công sức dù nhỏ nhoi. Một trong những người đã ghi nhận sự hiện diện đầu tiên của người Việt tại Little Saigon ở hải ngoại, đó là ký giả Du Miên và phu nhân Ngọc Hà cũng là một ký giả, dù bà âm thầm nhưng đóng góp rất nhiều.

Nhà báo Du Miên cũng cho rằng là nhà báo, với lương tâm chức nghiệp, chỉ ghi sự thật cái nào cần thiết. Ông cũng nói rõ là đừng nghe những gì trên Internet, bởi vì có những điều nói sai sự thật.

Cuốn sách là sự ghi nhận diễn biến của 48 năm trước, từ buổi bình minh Little Saigon 1975 để giờ đây cộng đồng Việt tị nạn hãnh diện được sống trên quê hương thứ hai, mà mỗi người phải có bổn phận tô đắp để ngày càng vững mạnh cho thế hệ mai sau.

Trong phần Kết của cuốn sách, tác giả mong rằng: “Những sự kiện, nhân vật trong sách chỉ liên quan đến lịch sử lúc Little Saigon khởi lập. Bên cạnh lịch sử khởi đầu ấy, Little Saigon luôn sinh động, còn chờ thêm nhiều ghi chép trong tương lai.” [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *