SHIZUOKA, Nhật Bản (NV) – Một người đàn ông 88 tuổi, tử tù thọ án lâu nhất thế giới, được tòa án Nhật Bản tuyên trắng án sau khi phát giác ra rằng bằng chứng buộc tội ông là thêu dệt.
Iwao Hakamada, từng ngồi tù gần nửa thế kỷ, bị kết tội sát hại ông chủ, vợ của ông chủ và hai người con thiếu niên của họ vào năm 1968.
Gần đây, Hakamada được xét xử lại vì dấy lên mối nghi ngờ rằng có thể các nhà điều tra đã dàn dựng bằng chứng làm cho ông bị kết tội giết bốn người.
Tuy nhiên, 46 năm tù tội ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tâm thần của Hakamada, tức là ông không đủ sức khỏe để hầu tòa, cuối cùng ông được tuyên trắng án.
Vụ án liên quan tới Hakamada là một trong những vụ án dài nhất và tốn nhiều giấy mực nhất tại Nhật Bản, đồng thời cũng làm công chúng đặc biệt chú ý, với khoảng 500 người xếp hàng để dự khán tại phòng xử án ở Shizuoka hôm Thứ Năm, 26 Tháng Chín.
Khi tòa án đưa ra phán quyết, những người ủng hộ Hakamada bên ngoài tòa án la lên “banzai” – một câu cảm thán trong Nhật ngữ có nghĩa là “hoan hô.”
Hakamada từng được miễn trình diện trong tất cả phiên điều trần do tâm thần sa sút, được người chị ruột 91 tuổi Hideko săn sóc từ 2014, thời điểm ông được phóng thích và được xét xử lại.
Hideko từng đấu tranh suốt nhiều thập niên để giúp Hakamada được xóa tội và nói thật mãn nguyện khi nghe hai chữ “vô tội” tại tòa.
Hakamada từng nói rằng cuộc chiến đấu tranh cho công lý của ông là “không mệt mỏi.” “Một khi người ta nghĩ rằng họ không tài nào thắng nổi, thì chẳng cách nào họ có thể chiến thắng được,” Hakamada nói với hãng thông tấn AFP vào năm 2018.
Từng là võ sĩ Quyền Anh chuyên nghiệp, Hakamada đang làm việc tại một nhà máy chế biến miso (một loại gia vị Nhật Bản) vào năm 1966 thì người ta phát giác ra thi thể của ông chủ, vợ và hai người con trong một trận hỏa hoạn tại tư gia của họ ở Shizuoka, tọa lạc ở phía Tây Tokyo. Cả bốn người đều bị đâm chết.
Giới chức cáo buộc Hakamada sát hại gia đình ông chủ, phóng hỏa và ăn cắp 200,000 yen tiền mặt.
Ban đầu, Hakamada phủ nhận hành vi cướp bóc và sát hại các nạn nhân, nhưng sau đó vì bị bức hại trong những lần tra tấn và thẩm vấn kéo dài tới 12 giờ một ngày nên đành thú tội.
Năm 1968, Hakamada bị kết tội sát nhân và phóng hỏa, lãnh án tử hình.
Vụ án kéo dài hàng thập niên sau đó chuyển qua một tình tiết mới trong đó nhà chức trách tìm được vài bộ phục trang trong một thùng miso khi Hakamada bị tống giam được một năm. Những bộ phục trang đó được cho là vấy máu và được dùng làm bằng cớ để buộc tội Hakamada.
Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, các luật sư đại diện cho Hakamada lập luận rằng DNA thu được từ số phục trang không khớp với ông, làm người ta suy đoán rằng có thể các tang chứng thuộc về người khác. Các luật sư còn cho rằng có thể cảnh sát đã dàn dựng tang chứng.
Lập luận của các luật sư bào chữa đủ sức thuyết phục Thẩm Phán Hiroaki Murayama, từng nhấn mạnh vào năm 2014 rằng “phục trang vấy máu không phải của bị cáo.”
“Thật bất công khi tiếp tục giam giữ bị cáo, vì việc ông ấy vô tội trở nên ngày càng rõ rệt hơn bao giờ hết,” Murayama tuyên bố vào thời điểm đó.
Sau đó, Hakamada được phóng thích và được xét xử lại.
Mãi cho tới tận năm ngoái, vì các thủ tục tố tụng rườm rà nên phiên tòa xét xử lại mới khởi sự – và cho tới sáng Thứ Năm, tòa án mới đưa ra phán quyết.
Dựa vào bản chất của các vệt màu đỏ trên phục trang mà các công tố viên tuyên bố thuộc về Hakamada, tòa án khởi sự phiên tòa xét xử lại và cuối cùng tuyên Hakamada trắng án. Phía luật sư bào chữa chất vấn rằng các vệt màu đỏ trên phục trang bị phai mờ ra sao. Họ nói rằng trên thực tế các vết tích đó vẫn giữ nguyên màu đỏ và không sẫm màu sau một thời gian dài ngâm trong bột đậu nành, cho nên đó là chứng cớ ngụy tạo.
Phán quyết hôm Thứ Năm phát giác ra rằng “các nhà điều tra ngụy tạo chứng cớ trên phục trang bằng cách tạo vết máu” sau đó nhét vô thùng miso, theo AFP.
Hakamada được tuyên vô tội.
Nhiều thập niên tù đày, phần lớn là biệt giam và luôn luôn bị dọa dẫm hành quyết, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tâm thần của Hakamada, theo luật sư và gia đình.
Việc xét xử lại tử tù rất hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản – Hakamada là trường hợp thứ năm trong lịch sử thời kỳ hậu chiến ở Nhật Bản.
Bên cạnh Hoa Kỳ, Nhật Bản là cường quốc duy nhất thuộc khối G7 còn áp dụng án tử hình, trong đó các tử tù chỉ được thông báo rằng họ sẽ bị treo cổ trước khi hành quyết vài giờ đồng hồ. (TTHN)