BẾN TRE, Việt Nam (NV) – Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh, một tù nhân lương tâm, ra khỏi trại giam CSVN vào ngày 30 Tháng Tám sau sáu năm tù vì biểu tình và những bài viết “ngoài luồng” trên mạng.
Bà Nguyễn Thị Châu, vợ ông Nguyễn Ngọc Ánh phổ biến một số hình ảnh ông chụp với vợ con tại nhà của họ thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, và viết rằng từ nay nay gia đình họ có thêm người lột vỏ tôm khô, bán kiếm lời để sống.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, năm nay 44 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN kết án sáu năm tù và năm năm quản chế sau khi tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình của hàng ngàn người rầm rộ ở Sài Gòn hồi Tháng Sáu 2018, chống Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu Kinh Tế.
Hàng trăm người đã bị bắt, bị đánh đập dã man và kết án tù với những bản án khác nhau trong đó có ông Ánh.
Ông Ánh là kỹ sư thủy sản, không đi làm cho các cơ quan nhà nước mà mở một cơ sở nuôi tôm. Khác với những người khác chỉ lo kiếm sống, ông là một trong những người còn bận tâm về các vấn đề của đất nước từ kinh tế chính trị, chủ quyền quốc gia, đến môi trường. Điển hình là biển miền Trung từ Nghệ An Hà Tĩnh xuống đến Quảng Trị, Thừa Thiên bị hóa chất độc hại thải ra từ nhà máy thép Formosa đầu độc Tháng Tư 2016.
Tôm cá và tất cả các loài thủy sản khác bị chết sạch, môi trường biển bị hủy hoại, ngư dân thất nghiệp, kỹ nghệ du lịch chết theo, nói chung nền kinh tế dọc nhiều tỉnh miền Trung bị tê liệt. Dân chúng bị ảnh hưởng biểu tình đòi bồi thường nhưng sự đền bù không được bao nhiêu.
Khi vụ Formosa đầu độc biển miền Trung Việt Nam chưa êm thì CSVN lại đồng thời đưa ra hai luật mới là Luật An Ninh Mạng và Luật Đặc Khu Kinh Tế, cho thuê ba khu vực trọng yếu của quốc gia về an ninh quốc phòng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa và Phú Quốc. Dân chúng có cảm tưởng dự luật đặc khu cho phép nhà nước cho thuê đất tới 99 năm gần như “bán nước” cho ngoại bang với hoài nghi người Trung Quốc sẽ dần dần thôn tính.
Những diễn biến liên tiếp kể trên làm người dân Việt khắp nơi biểu tình chống đối. Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị bắt ngày 30 Tháng Tám, 2018 vì bị vu cho tội “làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu” nhằm chống chế độ độc tài đảng trị tại Việt Nam. Rất nhiều bài viết cùng với 74 video clips của ông liên quan đến thời sự đất nước đã bị đem ra làm chứng cớ buộc tội tại phiên xử.
Ông phủ nhận mọi cáo buộc mà cho rằng ông chỉ “cất lên tiếng nói của người dân yêu nước về các vấn đề môi trường, chủ quyền của quốc gia ở Hoàng Sa và Trường Sa, về học đường, và bảo vệ dân oan…” Dù vậy, ông không thoát khỏi án tù. Tất cả những ai bị lôi ra tòa với những cáo buộc như “tuyên truyền chống nhà nước,” “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” không ai thoát án tù.
Hiến pháp CSVN công nhận người dân có đủ mọi quyên tự do dân chủ từ tự do biểu tình, tự do báo chí, tự do lập hội… nhưng lại bị các điều luật hình sự trói lại. Hiến pháp cho tay này thì tay kia giật lại.
Không riêng gì chính phủ các nước Tây phương, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiều lần tố cáo CSVN làm ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền.
“Tôi rất hạnh phúc là có vợ và con rất ủng hộ tôi, luôn luôn sát bên tôi trong những lúc bị áp bức những lúc bị họ chà đạp, vợ tôi luôn ở bên tôi, thúc đẩy tôi. Đó là điều làm tôi hạnh phúc. Điều thứ hai là tôi tự hào mình có đủ dũng khí để dám làm và làm được những điều mà mình cho là đúng.” Ông Nguyễn Ngọc Ánh trả lời như vậy khi được đài RFA phỏng vấn vào ngày ông ra tù.
Ngoài án tù, ông còn bị án quản chế thêm năm năm nên sẽ bị nhà cầm quyền địa phương giám sát chặt chẽ. (NTB) [kn]