HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tổng bí thư Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm sẽ đi dự phiên họp Đại Hội Đồng LHQ ở New York, Mỹ, Tháng Chín tới đây.
Hai nguồn tin ngoại quốc cho hay như vậy và nói thêm rằng ông Tô Lâm sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề khóa họp của LHQ, một dấu hiệu tiếp tục chính sách đối ngoại đu dây của chế độ Hà Nội giữa hai trung tâm quyền lực dẫn đầu thế giới.
Mỹ là nước nhập cảng hàng hóa nhiều nhất từ Việt Nam trong khi Trung Quốc vừa là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu để sản xuất cũng như mua nông sản của Việt Nam. Đối tác nào đầu nào giận dỗi cũng đều dẫn tới hệ quả xấu trên nhiều mặt, đặc biệt kinh tế, cho một đất nước đang loay hoay vượt qua cái bẫy thu nhập trung bình.
Theo trang mạng của LHQ, tổ chức toàn cầu này sẽ họp cấp cao từ 23 đến 27 Tháng Chín với các đề tài “cần nhấn mạnh đến nhu cầu khẩn cấp phải gia tăng hợp tác quốc tế vì đang có những thách thức khẩn thiết như biến đổi khí hậu, nạn nghèo đói và mất quân bằng giàu nghèo”. Bên cạnh các vấn đề vừa kể, các cuộc xung đột võ trang đang diễn ra và cuộc khủng hoảng y tế, bệnh dịch đang làm bối rối không ít.
Cho tới giờ này, người ta vẫn không thấy guồng mày tuyên truyền tại Việt Nam hé lộ gì như thông lệ. Nhưng báo Ecoonomist ở Anh Quốc đã bật mí ngày 21 Tháng Tám rằng, người cầm đầu chế độ Hà Nội mới thu tóm được quyền lực, sẽ đến Mỹ để phàn nàn chuyện kèo nài mãi vẫn không được công nhận là “nền kinh tế thị trường” với người đứng đầu Tòa Bạch Ốc.
Một công đôi việc, nói chuyện kinh tế nhưng lại có ý nghĩa chính trị khi nó đồng nghĩa với hành động “ngoại giao cây tre”, tránh để người Mỹ diễn dịch các lời đối thoại ở Bắc Kinh hay bản tuyên bố chung 14 điểm kết thúc chuyến thăm viếng, chỉ là nửa phần của phương trình đối ngoại của Việt Nam hiện nay.
Tờ South China Morning Post (SCMP) ở Hongkong ngày Thứ Bảy 24 Tháng Tám cũng nói rằng chủ đích của ông Tô Lâm khi gặp Tổng thống Biden là một nỗ lực củng cố quan hệ với cả Washington và Bắc Kinh mà nhờ vậy, nền kinh tế của Việt Nam vẫn tăng trưởng dù có các căng thẳng địa chính trị ở khu vực.
SCMP dẫn ý kiến của ông Zachary Abuza, chuyên viên về Đông Nam Á tại Học viện Quốc phòng ở Washington (National War College) nói chính sách trung lập kiểu “ngoại giao cây tre” của Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục dù có thay đổi người cầm đầu.
CSVN vẫn thấy cam kết đưa mối quan hệ với Trung Quốc “lên tầm cao mới” mỗi khi lãnh tụ hai nước gặp nhau dù cái gai góc trong mối quan hệ là tranh chấp chủ quyền biển đảo tại Biển Đông ngáng chân.Theo giới phân tích chính trị, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều muốn tách vấn đề Biển Đông ra khỏi những quan hệ khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được truyền thông CSVN nói đã “vui vẻ nhận lời” khi được Tô Lâm mời sang thăm Việt Nam dù mấy ngày ông Tô Lâm được “tin nhiệm” lên ghế Tổng bí thư, đã cho chiếc UAV Wing Loong W-10 bay dọc biển Việt Nam, ám hiệu cảnh cáo. CSVN âm thầm đối phó với tuyên bố chủ quyền biển đảo ngang ngược của Bắc Kinh chứ không “vỗ mặt” kiểu Philippines.
Báo Economist nói rằng Tô Lâm khi làm Bộ trưởng Công an là cánh tay phải của ông Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng. Lối 200,000 cán bộ, đảng viên đã bị “kỷ luật” từ khi ông Trọng lên ghế Tổng bí thư cho tới khi ông ta chết cuối Tháng Bảy vừa qua. Riêng từ 2021 đến 2023 đã có đến 60,000 cán bộ đảng viên từ cao đến thấp mất chức.
Vì quen thói ăn bẩn, các quan sợ tù tội nên đã ỳ ra khiến hàng loạt dự án đầu tư công vẫn nằm trên giấy. Bên cạnh đó, Economist dẫn báo cáo của tổ chức nhân quyền Project 88 nói khi Tô Lâm làm bộ trưởng Công an, hơn 330 người bất đồng chính kiến hoặc sử dụng mạng xã hội “trái chiều” đã bị bỏ tù tại Việt Nam.(NTB)