Monday , September 9 2024

Tiệm bánh lớn nhất ở Đắk Lắk gian lận ngày sản xuất ghi trên sản phẩm

ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) – Khách hàng kinh ngạc khi phát hiện bịch bánh mì sandwich mới mua đang cầm trên tay…“ngày mai mới sản xuất.”

Theo báo Người Lao Động hôm 12 Tháng Bảy, một khách hàng không được nêu tên, phản ánh cho biết hôm 11 Tháng Bảy, anh vào tiệm bánh Hà Nội “lớn nhất ở Đắk Lắk” trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Buôn Ma Thuột, mua một số loại bánh.

Tiệm bánh Hà Nội ở đường Lê Hồng Phong, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nơi bị tố in ngày sản xuất trên bao bì sau ngày bán. (Hình: Người Lao Động)

Về tới nhà mở ra ăn, cả gia đình tá hỏa khi phát hiện bịch sandwich ghi ngày sản xuất (date) là 12 Tháng Bảy, trước thời điểm mua một ngày. Do đây là loại bánh tươi có hạng sử dụng ít ngày, nên anh này lo lắng không biết bánh được sản xuất từ khi nào?

“Giả sử nếu bánh này sản xuất nhiều ngày trước và cửa hàng lại lấy sản phẩm cũ đóng gói, in ấn, thay đổi ngày sản xuất thì phẩm chất có thể không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tôi nghĩ đây là cửa hàng đánh lừa người tiêu dùng,” vị khách bất bình nói.

Tối 11 Tháng Bảy, một phụ nữ giới thiệu là quản lý tiệm bánh Hà Nội, xác nhận loại bánh mì sandwich nêu trên do tiệm bán ra.

Tuy nhiên, trả lời báo Người Lao Động về việc in trước ngày sản xuất như vậy có đúng quy định hay không, thì người này khẳng định “không sai” vì “đã hỏi ý kiến từ Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk và một đơn vị khác.”

Trong khi đó, một lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh lại khẳng định đơn vị “không bao giờ” cho phép doanh nghiệp thực hiện việc in ngày sản xuất sản phẩm như vậy để bán cho khách hàng.

“Điều này là trái quy định và không được phép làm. Sản phẩm khi bán ra cho người tiêu dùng, đặc biệt là thức ăn phải in ấn đúng theo quy định, thời gian sản xuất, hạn sử dụng để người tiêu dùng nắm rõ,” vị lãnh đạo này khẳng định.

Điều đáng nói là trước đó, vào hồi Tháng Hai vừa qua, Thanh Tra Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Đắk Lắk đã xử phạt tiệm bánh Hà Nội này 35 triệu đồng ($1,478) do vi phạm “vệ sinh an toàn thực phẩm” và đình chỉ sản xuất bánh sandwich trong thời gian hai tháng kể từ ngày ban hành quyết định, do cơ quan hữu trách xác định sản phẩm “có định lượng nấm men, mốc vượt quá hàm lượng so với bản tự công bố.”

Liên quan đến sự việc, sáng 12 Tháng Bảy, báo Người Lao Động đã tới văn phòng Hội Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng tỉnh Đắk Lắk để phản ánh, song nơi này không có bất kỳ ai ở trụ sở cơ quan.

Hóa đơn bán hàng hôm 11 Tháng Bảy của khách hàng mua bánh. (Hình: Người Lao Động)

Chờ khoảng 20 phút, có một người ở ngoài vào và phóng viên Người Lao Động đề nghị được gặp lãnh đạo để làm việc thì người này nói: “Lãnh đạo không có mặt ở cơ quan. Anh muốn phản ánh với cơ quan nhà nước hay ở đâu thì đi mà phản ánh.”

Để xoa dịu công luận về sự việc, lãnh đạo Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng “không thể chấp nhận được” và đã giao giám đốc Sở Công Thương “kiểm tra, xử lý việc Hội Bảo Vệ Quyền Lợi Người Tiêu Dùng tỉnh bỏ nhiệm sở.” (Tr.N)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *