HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong khi những nhà máy thép hàng đầu khu vực của Việt Nam “khóc ròng” phải cắt giảm sản lượng, nhân sự, thì thép Trung Quốc vẫn nhập cảng tràn lan khiến ngành thép trong nước càng thêm lao đao.
Tờ Tuổi Trẻ hôm 10 Tháng Bảy dẫn tin từ Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA), cho hay năm tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm của các doanh nghiệp trong nước đạt 11 triệu tấn, giảm 21.8% so với cùng kỳ năm trước, dù từ đầu năm đến nay đã có 13 phiên giảm giá.
Trong khi đó, thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam vẫn tăng rất mạnh, đạt tới hơn 2.65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập cảng, mặc dù tại Việt Nam, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á… công suất sản xuất ở mức 29-30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước, với đa dạng sản phẩm từ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ… đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất cảng sang Mỹ, Châu Âu, Canada, Nhật, Nam Hàn.
Ông Nghiêm Xuân Đa, chủ tịch VSA, cho rằng thép là ngành công nghiệp xương sống, phẩm chất thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau. Tiêu thụ trong nước lao dốc, xuất cảng khó trong khi sản phẩm nhập cảng ùn ùn khiến các doanh nghiệp thép của Việt Nam lao đao.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp thép lớn đã phải dừng nhiều lò, hoạt động chỉ khoảng 50% công suất, thậm chí thấp hơn.
Khi phát biểu tại đại hội cổ đông gần đây, ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, cho rằng khi Trung Quốc tăng cường xuất cảng là áp lực lớn với ngành thép trong nước. Thực tế này đã khiến không ít doanh nghiệp ngành thép lâm vào cảnh loay hoay, công nhân “bí” việc.
Vấn đề là theo quy định của Việt Nam, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Thép được nhập cảng đa phần được hưởng mức thuế 0%, trong khi thép Việt Nam xuất khẩu sang nhiều nước phải chịu thuế rất cao.
Chẳng hạn, thép HRC của các nhà sản xuất Việt Nam bán vào thị trường Thái Lan chịu thuế hơn 42%. Hay thép cán nguội từ Việt Nam (sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập cảng từ Đài Loan và Nam Hàn) xuất cảng vào Mỹ bị áp thuế hơn 450%, nhưng cũng sản phẩm này từ Trung Quốc vào Việt Nam chỉ phải chịu thuế chống bán phá giá dao động trong khoảng 4.4%-25.2%…
Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thép nhấn mạnh, thép Việt xuất cảng sang các nước phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn của riêng từng nước khá khắt khe. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chấp nhận tiêu chuẩn do doanh nghiệp tự soạn và công bố.
Ông Trần Tuấn Đại, tổng giám đốc công ty Cổ Phần Công Nghiệp Á Mỹ, thừa nhận hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản, khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. Vì vậy, giới hữu trách cần lập hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập cảng kém phẩm chất. (Tr.N)