SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bùng binh Cây Liễu hay còn gọi là Bồn Kèn, nằm ở giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi tại quận 1, được lãnh đạo thành phố lên kế hoạch dựng lại, báo Zing hôm 12 Tháng Năm cho biết.
Sở Giao Thông Vận Tải Sài Gòn được giao trình bày phương án tái lập mặt đường Lê Lợi trước ngày 20 Tháng Năm, sau khi công trình ga ngầm của metro số một hoàn thiện thi công, gỡ bỏ hàng rào trên đường Lê Lợi.
Bùng binh Cây Liễu ở giao lộ Nguyễn Huệ-Lê Lợi tại quận 1 gắn liền với ký ức của người Sài Gòn qua nhiều thế hệ. (Hình: Kỳ Sơn/Zing)
Bùng binh Cây Liễu, đài phun nước Nguyễn Huệ… được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Theo báo Người Đô Thị, sở dĩ bùng binh có tên “Bồn Kèn” là vì nơi đây là điểm duy nhất có quân nhạc biểu diễn như thường thấy ở trung tâm các thành phố Châu Âu. Những bưu ảnh đầu thế kỷ 20 cho thấy, cái “bồn kèn” được đặt giữa giao lộ Charner-Bonard, là một bục cao hình tròn, được xây kiên cố, có hàng rào sắt chạy quanh.
Báo này dẫn lời học giả Vương Hồng Sển rằng nơi đây vào những ngày Chủ Nhật và dịp lễ, lính kèn của Tây thường biểu diễn các bài hành khúc Pháp và nhạc Châu Âu.
Theo báo Zing, hồi năm 2015, bùng binh Cây Liễu bị phá bỏ khi đường Nguyễn Huệ được quy hoạch thành phố đi bộ. Sau đó, tại vị trí này, nhà chức trách cho xây dựng đài phun nước nghệ thuật.
Báo Zing không cho biết lý do vì sao lãnh đạo thành phố muốn khôi phục bùng binh Cây Liễu trong thời điểm này. Tuy vậy, theo giới quan sát, nguyên nhân lớn nhất là yếu tố phong thủy của công trình này.
Nhà báo Phúc Tiến viết trên báo Người Đô Thị hồi Tháng Bảy, 2019: “…Khi phá bỏ các biểu tượng đã có và ngăn không cho xe lưu thông qua ba giao lộ, phải chăng người đề xuất và người duyệt dự án phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã không tính đến các yếu tố lịch sử, kể cả khoa phong thủy của tổ tiên?”
Theo bài báo, bùng binh Cây Liễu được người xưa dùng làm “bình phong” che chắn cho tòa thị chính, nay là trụ sở Ủy Ban Nhân Dân thành phố, khỏi bị con đường phía trước “đâm thẳng” vào cửa.
Bùng binh Cây Liễu và đài phun nước bị nhà chức trách phá bỏ hồi năm 2015 để làm phố đi bộ. (Hình: Phúc Tiến/Người Đô Thị)
Sau khi bùng binh Cây Liễu bị phá bỏ và lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo bị dời đi, ngẫu nhiên hoặc trùng hợp mà hàng loạt giới chức Thành Ủy, Ủy Ban Nhân Dân thành phố lần lượt “ngã ngựa” hoặc đường đột qua đời. Trong số đó phải kể ông Tất Thành Cang, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy, bị phạt 10 năm tù; ông Trần Vĩnh Tuyến, cựu phó chủ tịch thành phố, bị sáu năm tù; người đồng cấp với ông Tuyến là Nguyễn Thành Tài bị tám năm tù…
Ngoài ra, hồi Tháng Hai, 2019, bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch thành phố, qua đời ở tuổi 53. Bà Thu được cho là người ký lệnh dời lư hương dưới chân tượng Trần Hưng Đạo.
Đến Tháng Ba năm nay, ông Lê Hòa Bình, 52 tuổi, phó chủ tịch thường trực thành phố, thiệt mạng trong vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương.
Sau hơn ba năm bị cẩu đi nơi khác, chiếc lư hương đã được giới chức Thành Ủy đem trả lại vị trí cũ vào trung tuần Tháng Ba. (N.H.K) – Báo Người Việt