MANILA, Philippines (NV) – Philippines dẫn đầu một cuộc tuần tiễu chung trên Biển Đông với sự tham gia của các lực lượng đến từ Nhật Bản, Úc, Mỹ và New Zealand hôm Thứ Bảy, 28 Tháng Chín, theo Viện Hải Quân Hoa Kỳ.
Chiến dịch tuần tiễu hỗn hợp là hoạt động hợp tác hàng hải đa phương thứ tư từng được tổ chức cho tới thời điểm hiện tại. Các chiến hạm tham gia gồm có BRP Antonio Luna (FF-151), BRP Emilio Jacinto (PS-35), USS Howard (DDG-83), HMAS Sydney (DDG-42), JS Sazanami (DD-113) và HMNZS Aotearoa (A-11). Lực lượng không quân hải quân, gồm có ba trực thăng và một phi cơ tuần tiễu hàng hải P-8A Poseidon thuộc Không Quân Hoàng Gia Úc, cũng tham gia đợt tập trận. Các hoạt động gồm có các cuộc tập trận liên quan tới năng lực cảnh giác hàng hải, tiếp tế trên biển và tường trình liên lạc, được tổ chức gần vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ngoài khơi Luzon.
Hôm Thứ Tư, các hạm đội Úc, Nhật Bản và New Zealand tham gia cuộc tập trận trước đó, men theo Eo Biển Đài Loan để tới Biển Đông. Đây là lần đầu tiên một chiến hạm Nhật Bản được thông báo đi qua eo biển rộng 90 dặm (144.8 kilometer) ngăn cách Đài Loan và Trung Quốc.
Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Vũ Trang Philippines AFP, Tướng Romeo Brawner cho biết chiến dịch tuần tiễu tuân thủ luật pháp quốc tế và khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không.
“Việc khởi động [chiến dịch tuần tiễu] cho thấy AFP tận lực tăng cường bang giao đồng minh và nâng cao năng lực tác chiến hỗn hợp với các quốc gia có cùng chí hướng nhằm giải quyết các thách thức an ninh hàng hải ngày càng rõ rệt,” thông cáo báo chí của quân đội Philippines nêu rõ.
Trong cùng ngày Philippines phát động chiến dịch tuần tiễu hỗn hợp, Trung Quốc cũng công bố các cuộc tập trận của riêng họ xung quanh Bãi Cạn Scarborough, nơi trên thực tế Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát sau trận đối đầu với Manila năm 2012.
Chiến dịch tuần tiễu hỗn hợp diễn ra sau khi chấm dứt cuộc đụng độ tại Bãi Cạn Sabina, trong đó chiến hạm chủ lực thuộc Lực Lượng Tuần Duyên Philippines BRP Teresa Magbanua (MRRV-9701) rút quân khỏi thực thể hàng hải đang tranh chấp vào đầu Tháng Chín. Theo Philippines, tàu tuần tiễu phải rời Sabina do không đủ nguồn cung ứng, hư hại sau khi va chạm với tàu Trung Quốc cũng như thời tiết xấu. Mặc dù quân đội và Tuần Duyên Philippines tuyên bố rằng Bãi Cạn Sabina vẫn chưa rơi vào tay Trung Quốc, nhưng vẫn chưa rõ liệu Manila có điều động thêm hạm đội nào khác tới khu vực nhằm tiếp tục hiện diện tại bãi cạn hay không. Dữ liệu AIS cho thấy lực lượng Trung Quốc gần như liên tục hiện diện xung quanh và bên trong Sabina.
Hôm Thứ Năm, Philippines tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn bắt đầu trong tuần này khi Manila tiết lộ rằng một hạm đội thực hiện nhiệm vụ tiếp tế có mặt tại tiền đồn của Thủy Quân Lục Chiến trên tàu BRP Sierra Madre (LT-57) tại Bãi Cạn Second Thomas. Trong nhiệm vụ lần này tại Bãi Cạn Second Thomas, quân lực Philippines khai triển MV Lapu-Lapu, một con tàu dân sự được điều động nhằm yểm trợ chống lại các cuộc tấn công bằng vòi rồng, được Hải Quân Philippines ký hợp đồng cho các mục đích tiếp tế. Đây là nhiệm vụ tiếp tế thứ hai được ghi nhận công khai từ lúc Manila và Bắc Kinh đưa ra một thỏa thuận tạm thời liên quan tới việc tiếp tế và đưa nguồn nhân lực thuộc lực lượng Philippines ra khỏi thực thể hàng hải đang tranh chấp sau khi ẩu đả với Tuần Duyên Trung Quốc vào ngày 17 Tháng Sáu. (TTHN)