Thursday , March 28 2024

Những đứa trẻ đáng thương

LTS: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Mục “Viết Cho Nhau” là nơi để bạn giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm của mình. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Bích Ngọc

Các bác sĩ hội thiện nguyện Project Vietnam Foundation (PVNF). (Hình: Facebook Project Vietnam Foundation)

Sẽ là hợm hĩnh khi khoe mẽ rằng tôi quen bác sĩ này, nha sĩ nọ. Điều này đối với tôi chẳng có gì đặc biệt bởi vì mối quan hệ đó chẳng thể tô hồng thêm danh dự của mình. Vì không một ai có thể sống giùm cuộc đời của tôi, gánh vác hay lo toan những trách nhiệm mà tôi cưu mang.

Tôi nhận thấy khi tuổi đời càng nhiều người ta có khuynh hướng sống thiên về nội tâm, yêu vẻ đẹp tâm hồn nhiều hơn là vẻ bề ngoài xa hoa, phù phiếm.

Trải qua những hỷ-nộ-ái-ố của đời sống một kiếp người, chúng ta học được cách buông bỏ những phiền toái, đua chen, ganh ghét, lợi danh. Ta sống vị tha hơn, mở lòng bao dung, chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời khốn khó, bất hạnh, nghèo khổ chung quanh mình hoặc ở Việt Nam.

Nghèo không phải là cái tội nhưng nghèo mà còn bệnh hoạn thì rõ ràng là khổ cùng cực.

Những người nghèo này không có sự giúp đỡ nào từ chính quyền địa phương. Ở miền quê xa xôi, họ thiếu thốn mọi thứ nên rất tội nghiệp. Sống trong một xã hội mà ngành y tế chưa phát triển đồng bộ, còn nhiều điều bất cập nên những người nghèo chỉ còn biết trông chờ vào một phép lạ hoặc cố gắng chịu đựng đau đớn, sống chung với bệnh tật. Quần áo không đủ lành lặn, cơm chạy vạy từng bữa chưa đủ no, thì nói chi, mơ chi đến có tiền mua thuốc uống hoặc đi bác sĩ khám bệnh. Vì vậy những người nghèo này chỉ còn trông chờ vào sự giúp đỡ của các hội thiện nguyện, của các vị bác sĩ với tấm lòng bác ái sẵn lòng đem kiến thức, tài năng về giúp người trong hoàn cảnh khốn cùng.

Trong nhóm bạn thời sinh viên UCLA của cô em Ngọc Vân mà tôi biết đến là vợ chồng Bác Sĩ Luận Nguyễn và Phương Linh. Anh Luận Nguyễn là bác sĩ về giải phẫu, trước đây là chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam Miền Nam California (VPASC), và cô Phương Linh là nha sĩ. Sở dĩ nhắc đến sự quen biết sơ giao này vì chúng tôi có đôi lần gặp nhau qua các buổi văn nghệ UCLA Cafe Ấm hoặc văn nghệ tư gia.

Qua Facebook của Nha Sĩ Phương Linh tôi được biết vợ chồng cô cùng hội thiện nguyện Project Vietnam Foundation (PVNF) sau ba năm bị gián đoạn vì COVID-19, đã chuẩn bị kỹ lưỡng thiết bị y tế, thuốc men và hành trang hăng hái lên đường về Việt Nam vào trung tuần Tháng Mười Một.

Theo tiếng gọi của con tim với tình yêu tha nhân bao la và lý tưởng phụng sự giúp đỡ người nghèo, đoàn đã không quản ngại khó khăn, gian nan, cùng nhau làm việc bất kể ngày đêm khám bệnh, giải phẫu cho các em bị khuyết tật trên khuôn mặt.

Tôi đã xúc động thật sự khi ngồi xem những tấm hình các trẻ em bị dị tật, trót sinh ra với hình hài không được lành lặn. Các em bị sứt môi, hở hàm ếch. Cha mẹ lại nghèo, sống ở thôn quê nghèo hay miền thượng du xa xôi. Gia đình các em không có đủ tiền để đưa con đến bệnh viện với chi phí quá kinh khủng cho một ca giải phẫu chỉnh hình đem lại khuôn mặt lành lặn cho đứa con bé bỏng.

Nếu không có phái đoàn bác sĩ thiện nguyện về Việt Nam giúp đỡ khám bệnh thì chắc rằng con cái của họ lớn lên thật khổ sở vì không thể ăn uống như người bình thường hoặc phát âm ngọng nghịu không tròn vành rõ chữ. Đó là chưa kể còn bị bạn bè hàng xóm trêu chọc vì dị tật.

Viết đến đây tôi nhớ lúc bé khu tôi sống ở Tân Định, quận 1, Sài Gòn, có một thằng bé không rõ nó từ đâu tới, chỉ biết mỗi ngày nó phải phụ bưng cà phê cho quán hàng bên đường. Nó bị sứt môi, mỗi lần cười nó thường lấy đôi bàn tay che khuôn mặt. Lũ trẻ hàng xóm trêu trọc và đặt cho nó cái tên “thằng sứt môi.” Nó buồn lắm nhưng cũng cam phận với cái tên xấu xí đó. Tôi thường lân la hỏi nó vài câu. Lần nào cũng vậy nó cố trả lời rất ngọng nghịu và tôi không thể nào hiểu hết nó muốn diễn tả điều gì. Thật thương!

Một vị bác sĩ da màu ôm đứa bé vào lòng sau ca mổ tốt đẹp. (Hình: Facebook Project Vietnam Foundation)

Thế mới thấy công sức và tấm lòng bác ái của các bác sĩ, y tá và tất cả nhân viên hội PVNF làm việc không quản ngại gian khổ, tham gia cuộc giải phẫu mong giúp các em có một khuôn mặt mới để bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới với nụ cười lành lặn trên môi.

Còn có từ ngữ nào diễn đạt đầy đủ và chân thật nhất khi nhìn vào sự tái sinh mà mầm sống được ươm cấy lại. Cha mẹ cho hình hài nhưng các bác sĩ mới là người giúp các em có quyền sống thực thụ của một con người.

Đôi mắt to tròn, đen láy các em ngẩng mặt cười với người thân chung quanh. Ánh mắt rạng ngời!

Cha mẹ các em đang cố đè nén niềm xúc động trào dâng. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khuôn mặt, bởi vì họ không thể tưởng tượng nổi sẽ có một ngày đứa con bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch được các bác sĩ với đôi bàn tay thiên tài kia đã chữa lành vết thương. Hoàn toàn miễn phí cho cuộc giải phẫu. Phái đoàn thiện nguyện còn thầm lặng lo từng bữa ăn, phát từng viên thuốc và trao từng hộp sữa giúp các em sớm bình phục.

Khuya, ngồi coi clip của PVNF về chuyến đi trung tuần Tháng Mười Một, xem những tấm ảnh làm tôi thầm cảm phục các bác sĩ đã giải phẫu thành công cho các cháu bị sứt môi, hở hàm ếch. Gần cuối clip có tấm hình một vị bác sĩ da màu ôm đứa bé vào lòng sau ca mổ tốt đẹp.

Chưa bao giờ tôi thấy bức hình nào đẹp đến thế và mang xúc động mạnh cho người xem. Nước mắt tôi rơi vì cảm động trước lòng bác ái, nhân từ đáng kính của các vị bác sĩ, y tá và đoàn thiện nguyện. Họ là những thiên thần áo trắng đang xoa dịu, chữa lành bệnh tật và đem lại hạnh phúc thật sự cho các em.  Họ đã giúp giấc mơ của các em, của cha mẹ các em thành sự thật. Đó là mong muốn đứa con có được khuôn mặt lành lặn, tự tin bước vào đời với nụ cười không bị khuyết tật trên môi.

Tôi phải ghi lại cảm xúc của mình dù đêm đã rất khuya gần 2 giờ sáng.

Hãy chung một bàn tay cùng với hội thiện nguyện PVNF bằng cách đóng góp vào quỹ y tế giúp các trẻ em nghèo Việt Nam.

Thật đáng quý và trân trọng sự hy sinh cao cả, tấm lòng nhân từ, bác ái của các bác sĩ và tình nguyện viên PVNF cũng như những nhà hảo tâm đã cứu giúp cho biết bao mảnh đời khốn khổ thoát khỏi bệnh tật. Hãy trao cho trẻ thơ một cơ hội được sống khỏe mạnh, lành lặn.

Lễ Tạ Ơn đang đến gần. (Bích Ngọc) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *