Tuesday , September 10 2024

Nhớ Alain Delon, nhớ một thời xi-nê

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Alain Delon, một khuôn mặt ngoại hạng của điện ảnh thế giới, qua đời vào ngày 18 Tháng Tám tại Douchy, Pháp, thọ 88 tuổi. Cái chết của ông nhắc nhở tôi về một thời xi-nê (ciné) của tuổi trẻ miền Nam, hơn 60 năm trước.

Ông sinh năm 1935 tại thành phố Sceaux, ngoại ô Paris. Dù sinh trưởng trong một gia đình khá giả nhưng sau khi cha mẹ ly dị, Alain được giao cho một gia đình khác nuôi dưỡng từ năm lên 4 tuổi.

Năm 17 tuổi, Alain gia nhập Hải Quân, được điều đến phục vụ ở Việt Nam, đã từng được phân công canh kho vũ khí ở Sài Gòn.

Giải ngũ, trở lại Paris, nhờ gương mặt đẹp trai, ông được mời đi đóng phim. Sau một vài vai phụ, vào năm 1958, Alain được chọn đóng vai chính cho phim “Christine” cùng với Romy Schneider, nữ tài tử trẻ đẹp đã thành danh của Đức. Từ đó, ông đi hết thành công này đến thành công khác, mà cao điểm là đoạt giải Golden Globe vào năm 1963 với phim “Mélodie en sous-sol” (Giai Điệu Dưới Tầng Hầm).

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đóng tất cả trên 90 cuốn phim, đủ các thể loại từ tình cảm lãng mạn hay tâm lý cho đến hành động hay kinh dị, trong nhiều loại vai khác nhau, từ chàng công tử cho đến tay du đãng, từ kẻ anh hùng cho đến người gián điệp, vân vân. Dù ở thể loại nào và ở vai nào, ông cũng để lại những ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.

Nhưng hơn hết thảy, Alain Delon còn được nhớ đến vì khuôn mặt vô cùng đẹp trai của mình. Ông đẹp trong từng nét, đẹp hoang dại, đẹp quyến rũ, nhất là đôi mắt chẳng khác gì nam châm, theo cách diễn tả của cô đào Véronique Jannot.

Cái chết của Alain Delon nhắc nhở tôi về một thời xi-nê (ciné) của tuổi trẻ miền Nam, hơn 60 năm trước.

Từ đầu thập niên 1960, lúc thế hệ thanh niên chúng tôi – lớp người sinh trưởng từ những năm (đầu và giữa) thập niên 1940 – chập chững bước vào tuổi trưởng thành, thì đi xem xi-nê đã trở thành một cái thú thời thượng. Lúc đó, xi-nê là một hình thức giải trí phổ thông, văn minh, kích thích cảm xúc, phát triển trí tưởng tượng và cung cấp kiến thức về con người và thế giới.

Xem xi-nê (cũng như đi ăn tiệm) là một trong những sinh hoạt có tính gia đình (mua vé đi xem cả gia đình) hay tính bằng hữu (rủ một nhóm bạn đi xem) và đặc biệt nhất, là một cơ hội quý hiếm để trai gái hẹn hò vào thời điểm tình cảm của hai người vừa đủ độ chín. Chấp nhận cùng ngồi trong rạp xi-nê với nhau cũng là một cách chấp nhận tình yêu. Không có chỗ hẹn hò nào vừa sang lại vừa có đủ điều kiện – nhất là bóng tối – để bày tỏ tình yêu vì được kề vai, được nắm tay nhau hay thậm chí, được hôn nhau mà không sợ… dị! Chẳng có gì lạ, bọn trẻ chúng tôi, khi dẫn bồ đi xem xi-nê, tuy ngồi nhìn lên màn ảnh nhưng chẳng hề xem phim, vì cả hai đều đang bận… đóng phim vào lúc “cụp lạc” (1) nhất.

Dù chiến tranh đã lan rộng, nhưng ở các thành phố lớn, hầu như nơi nào cũng có rạp xi-nê. Không kể Sài Gòn với trên 60 rạp lớn, nhỏ, mà danh xưng của chúng gần như gắn liền với không khí hào hoa hết mực của thành phố thủ đô này, như Rex, Casino, Đại Nam, Eden, Kim Châu, Kinh Đô, Đakao, Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Majestic, Khải Hoàn, Quốc Thanh…, hầu hết các thành phố chính khác của miền Nam đều có rạp chiếu bóng. Xin ghi lại (có thể chưa được chính xác) (2):

-Biên Hòa, bốn rạp: Khánh Hưng, Lido, Thanh Bình và  Biên Hùng.

-Quảng Ngãi, hai rạp: Kiến Thành, Mỹ Vân.

-Cần Thơ, năm rạp: Casino, Tây Đô, Minh Châu, Lido và Huỳnh Lạc.

-Quy Nhơn, hai rạp: Kim Khánh, Lê Lợi.

-Nha Trang, bảy rạp: Tân Tân, Tân Tiến, Tân Thanh, Tân Quang, Minh Châu, Nha Trang và Hưng Đạo.

-Đà Lạt, bốn rạp: Hòa Bình, Ngọc Lan, Ngọc Hiệp và một rạp nhỏ trên đường Trương Công Định.

-Đà Nẵng, sáu rạp: Kim, Kinh Đô, Chợ Cồn, Lido, Hòa Vang và Kim Châu.

-Hội An, hai rạp: Phi Anh, Hòa Bình.

Riêng Huế, nơi tôi sinh trưởng, có bốn rạp chính: Hoàn Mỹ (rạp này thay tên nhiều lần: Gia Hội, Li Đô, Khải Hoàn), Châu Tinh, Tân Tân và Hưng Đạo. Ba rạp khác, Nguyễn Văn Yến (tên cũ là Morin), Lửa Hồng và Việt Nam Phim (tên cũ là Richard), đều lần lượt đóng cửa hay bị dẹp bỏ. Ngoài ra, theo anh Lê Tất Đạt, còn có một rạp nhỏ nữa ở Vỹ Dạ, không mấy ai biết đến, vì nằm khá xa thành phố và chỉ tồn tại có nửa năm.

Dù con nhà nghèo và ở xa phố, nhưng tôi may mắn được đi xem xi-nê lần đầu tiên khi đang còn là cậu học sinh tiểu học. Cũng là cái duyên. Một hôm, đang chạy chơi trong xóm thì anh con trai (lớn hơn tôi cả chục tuổi), con của bà láng giềng giàu có, túm tay tôi hỏi, mi có muốn đi coi xi-nê không? Xi-nê là chi rứa anh, tôi thắc mắc hỏi. Đi rồi biết, anh nói.

Thế là chẳng cần tôi đồng ý hay không, cũng không báo gì cho mẹ tôi biết, bỏ tôi lên xe đạp, chở ra phố, đến rạp, dẫn tôi lên lầu, ngồi cùng với anh ở trong một căn phòng nhỏ suốt cả buổi chiều, xem phim “Khủng Long Rồng Biển.” Thì ra, anh là thợ chiếu phim cho Tân Tân, rạp chiếu bóng lớn và sang nhất thành phố hồi đó.

Lần đầu tiên được xem những cảnh vật hoàn toàn xa lạ, nhất là con khủng long to tướng trên màn ảnh, tôi ngồi sững như bị hóa đá. Xem xong, nghỉ một hồi rồi được xem lại, vì chiếu cho xuất sau. Về nhà rồi, người tôi chơi vơi như bơi trong giấc mơ. Quả thực, xem phim có khác gì nằm mơ đâu. Được chu du vào một thế giới khác, sống động hơn nhiều so với đọc truyện. Đọc đòi hỏi tưởng tượng. Xem xi-nê, chẳng cần tưởng tượng, chỉ biết trố mắt ra mà nhìn, mê đắm.

Vào những năm đầu thập niên 1960, khi lứa học sinh chúng tôi lên học cấp ba, thì đi xem xi-nê đã trở thành một thú vui phổ thông không thể thiếu của thanh thiếu niên thành phố. Xem xong (đôi khi chẳng có tiền mua vé, nên chỉ đến rạp xin tờ “programme” [chương trình] (3) để đọc), bọn chúng tôi đứa nào cũng ráng học cho thuộc cái tựa đề (tiếng Pháp hay tiếng Anh) của các cuốn phim hay và tên tuổi của các minh tinh và tài tử, để mang ra bàn luận hay khoe khoang với bạn bè khi đi học hay đi uống cà phê.

Những tên phim như “Et Dieu… créa la femme,” “Cleopatra,” “Ben Hur,” “Le jour le plus long,” “La valse dans l’ombre,” “Meurtres au soleil,” “Les dimanches de Ville-d’Avray,” “Vacances romaines”… hay tên những diễn viên như Charlton Heston, Anthony Quinn, Anthony Perkins, Clark Gable, Robert Taylor, Elizabeth Taylor, Sophia Loren, Audrey Hepburn, Jean-Paul Belmondo, Vivien Leigh, Claudia Cardinale, Catherine Deneuve, Nathalie Delon, Brigitte Bardot… rồi những Lý Tiểu Long, Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Trần Tinh, Phùng Bửu Bửu, Trịnh Phối Phối, Miêu Khả Tú… vân vân và vân vân, luôn luôn là những đề tài hấp dẫn cho đám thanh thiếu niên mới lớn chúng tôi, đang háo hức bước vào đời.

Tội nhất là mấy ông đạo diễn, đọc đâu quên đó. Năm khi mười họa, chúng tôi mới nhắc đến tên các đạo diễn, chẳng hạn Roger Vadim, chồng của Brigitte Bardot, cô đào đóng vai chính trong phim “Et Dieu créa la femme” hay Alfred Hitchcock, tác giả của loại phim tâm lý giựt gân mà tôi rất thích, như “Psycho” chẳng hạn. Hai diễn viên “hót” nhất thời đó của chúng tôi, một là Brigitte Bardot và hai là Alain Delon. Trên màn ảnh, cả hai là biểu trưng cho thế hệ trẻ của thời đại mới: đẹp, trẻ, sôi động, tình tứ, hấp dẫn và nhất là, rất ngầu và rất… mặn!

Ngoài chuyện xem phim, một trong những “sản phẩm” phụ nhưng rất quan trọng và cần thiết là tờ “programme,” thường được in màu trên khổ giấy học trò, khi thì theo chiều dọc khi thì theo chiều ngang. Tờ “programme” này không những được rạp phát không cho người mua vé, mà cũng phát không cho mọi người (có khi phát cả tuần trước khi chiếu), vì ngoài việc tóm tắt nội dung và giới thiệu các diễn viên chính của phim, nó còn quảng cáo cho các phim sắp chiếu, hoặc đôi khi, cho một món hàng nào đó của thị trường bên ngoài.

Thời gian đầu, lúc tập tễnh đi xem xi-nê, tôi phải đọc đi đọc lại tờ “programme” để nắm vững cốt truyện, nhưng về sau, khi đã quen, tôi không “thèm” đọc, vì, một là, để xem thử mình có hiểu được hết nội dung phim hay không và hai là, để đuợc… hồi hộp, vì biết trước câu chuyện sẽ đánh mất cái hứng thú chờ đợi các pha gay cấn của nó.

Mời xem và đọc lại một tờ programme của rạp Châu Tinh Huế, giới thiệu một trong những phim rất hay với Alain Delon và Romy Schneider đóng vai chính, “La piscine,” được chiếu tại Huế vào năm 1970, nếu tôi nhớ không lầm. Các tình tiết quan trọng hầu như đều được nêu lên trong tờ “programme” rồi, người xem chỉ còn đợi xem chúng diễn biến như thế nào mà thôi. Đó là ưu điểm mà cũng là khuyết điểm của tờ “programme” vậy!

Xin được chép lại nguyên văn nội dung tờ “programme” để nhớ lại một thời-không-thể-nào-quên thuở trước:

“Làm trai cho đáng nên trai – Thi hành quân dịch kẻo hoài tuổi xuân

Màn ảnh Châu Tinh Huế

Hãng Cosunam Films hân hạnh trình bày cùng quý vị khán giả thân mến

‘LA PISCINE’ (Mùa Hè Tái Ngộ)

Với các diễn viên “thần tượng” của dân sành điệu điện ảnh:

Alain Delon

Romy Schneider

Jane Birkin

Maurice Ronet

-Cuốn phim đã gây xúc động khắp thế giới vì cặp uyên ương cũ Alain Delon, Romy Schneider sau khi đã “anh đường anh, tôi đường tôi” nay lại đóng chung với nhau trong một cuốn phim với những xen ái ân nồng nhiệt.

-Một cuộc tái ngộ vừa gây cấn vừa bi thảm, vì trong khi đang yêu Alain Delon, Romy Schneider lại tái ngộ người yêu cũ Maurice Ronet rồi Alain Delon lại si mê Jane Birkin con gái của bạn.

-Romy vì ghen đã đẩy Alain vào vòng tay của Jane Maurice dù đang chinh phục vợ bạn nhưng không muốn cho con gái mình bị sa ngã.

-Tất cả những tình tiết éo le đã đưa đến một cái chết thảm khốc mà những người còn sống vì lý do riêng không ai chịu nói ra và đành sống khổ sở trong câm lặng.

-Đam mê! Cuồng nhiệt!

Thù hận! Ghen tuông!

-Một tấn thảm kịch xã hội mà không một ai đã, đang hoặc sẽ yêu có thể bỏ qua.

Màu Eastmancolor

Nói tiếng Pháp, Phụ đề Việt, Anh, Hoa Ngữ.”

Chỉ nhìn tờ “programme” này thôi là cả một thời xi-nê sống dậy, ngọt ngào và kỳ thú! (Trần Doãn Nho) [qd]

Chú thích:

(1) Thích thú, khoái cảm.

(2) Các thông tin dựa trên những bài báo xuất hiện ở Internet, do nhiều người viết.

(3) Programme, tiếng Pháp; program, tiếng Anh. Hồi đó, tiếng Pháp được xem như ngoại ngữ chính, thường được sử dụng nhiều hơn tiếng Anh.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *