Tuesday , September 10 2024

Nhân viên Úc được phép từ chối liên lạc sau giờ làm việc

SYDNEY, Úc (NV) – Sếp có nhắn tin cho quý vị vào cuối tuần không? Điện thư công việc vẫn hiện lên sau khi về nhà?

Nhân viên tại Úc nay có thể bỏ qua những phiền toái ngoài giờ làm việc cũng như những chuyện xâm phạm khác xen vào cuộc sống gia đình nhờ luật “quyền được ngắt kết nối” vừa được hoạch định nhằm hạn chế không cho điện thư và các cuộc điện thoại liên quan tới công việc xâm phạm vào cuộc sống cá nhân, theo Reuters.

Từ Thứ Hai, 26 Tháng Tám, quy định mới bắt đầu có hiệu lực, tức là trong phần lớn các trường hợp, nhân viên sẽ không bị phạt vì từ chối đọc hoặc trả lời tin nhắn từ chủ nhân khi hết giờ làm việc.

Những người ủng hộ cho biết luật định này giúp người lao động tự tin chống lại hành động xâm phạm liên tục, ảnh hưởng tới cuộc sống cá nhân của họ bằng điện thư, tin nhắn và cuộc điện thoại liên quan tới công việc, vốn là khuynh hướng xảy ra ngày càng nhiều từ lúc đại dịch Covid-19 làm xáo trộn ranh giới giữa gia đình và công việc.

Trung bình, dân Úc làm thêm 281 giờ không công vào năm 2023, theo một cuộc khảo sát do Viện Úc Quốc thực hiện vào năm ngoái, nếu quy ra giá trị tiền tệ lao động thì chừng 130 tỷ đô la Úc ($88 tỷ).

Quy định mới về hồi âm công việc giúp Úc có mặt trong nhóm khoảng hai chục quốc gia, phần lớn là Âu Châu và Châu Mỹ Latin, áp dụng luật tương tự.

Nước Pháp là nơi đầu tiên ban hành các quy định vào năm 2017 và một năm sau đó phạt công ty diệt côn trùng Rentokil Initial 60,000 euro ($66,700) vì yêu cầu nhân viên luôn luôn bật điện thoại lên để nhận các cuộc gọi liên quan tới công việc.

Rachel Abdelnour, làm việc trong ngành quảng cáo, cho biết các quy định mới sẽ giúp bà bảo vệ cuộc sống riêng tư khi làm việc trong lãnh vực mà khách hàng thường làm việc trái giờ giấc.

Để đáp ứng với các trường hợp khẩn cấp và các công việc có giờ giấc không cố định, quy định này vẫn cho phép chủ nhân liên lạc với nhân viên, và nhân viên chỉ có thể từ chối trả lời khi có lý do hợp lý.

Việc xác định xem hành động từ chối có hợp lý hay không sẽ tùy vào cơ quan trọng tài công nghiệp tại Úc, Ủy Ban Công Bằng Lao Động FWC, khi đó họ cần phải xem xét vai trò, hoàn cảnh cá nhân của người lao động cũng như cách thức và lý do mà chủ nhân liên lạc.

FWC có thẩm quyền ban hành lệnh ngừng và chấm dứt, nếu không, sẽ phạt tới 19,000 đô la Úc một nhân viên hoặc tới 94,000 đô la Úc nếu đó là một công ty.

Nhưng Tổ Chức Công Nghiệp Úc AIG, một tổ chức quy tụ người sử dụng lao động, cho biết những khía cạnh mơ hồ trong việc áp dụng quy định này sẽ gây nhầm lẫn cho cả người quản lý lẫn nhân viên. AIG cho biết thêm rằng công việc sẽ không được trơn tru và từ đó làm nền kinh tế ì ạch.

Chủ tịch Hội Đồng Nghiệp Đoàn Úc Michele O’Neil cho biết điều khoản cảnh cáo được đưa vào luật tức là quy định sẽ không can thiệp vào các yêu cầu làm việc cần thiết. Thay vào đó, quy định này sẽ giúp người lao động tránh khỏi kế hoạch yếu kém do ban quản lý đề ra, O’Neil cho biết.

Bà trích dẫn trường hợp một công nhân không rõ danh tánh, kết thúc ca làm việc lúc nửa đêm, nhưng lại nhận được nhắn tin trong bốn giờ sau đó và được yêu cầu quay lại làm việc trước 6 giờ sáng. (TTHN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *