HENRY, Tennessee (NV) – Alisha Alderson xếp quần áo và mọi thứ cô cần cho tháng cuối của thai kỳ vào nhiều va-li khác nhau. Cô chưa bao giờ nghĩ sẽ rời xa ngôi nhà tiện nghi ở vùng nông thôn miền Đông Oregon chỉ vài tuần trước ngày dự sinh. Nhưng sau khi phòng hộ sinh duy nhất trong phạm vi 40 dặm đóng cửa đột ngột hồi Tháng Tám, cô quyết định nương nhờ nhà anh ruột gần Boise, Idaho—cách hai giờ lái xe qua đèo—để ở gần bệnh viện hơn, phóng sự của AP ghi nhận.
“Chúng tôi thấy không an tâm khi ở quá xa trung tâm sản khoa,” Alderson nói, nhấn mạnh lần sanh nở ở tuổi 45. “Vài ngày trước, tôi đang ngồi trong một tiệm làm tóc, có vài người nói đùa tôi sẽ phải sanh con bên vệ đường. Và trong khoảnh khắc ấy, tôi chợt tưởng tượng khung cảnh đó sẽ xảy ra với con mình rồi khóc tức tưởi trước mặt người lạ.”
Ngày càng nhiều bệnh viện ở vùng nông thôn đóng cửa các nhà bảo sanh và đơn vị phụ khoa, buộc thai phụ phải đi xa hơn để được chăm sóc hoặc phải sinh con trong phòng cấp cứu. Chưa tới một nửa số bệnh viện ở nông thôn có khoa phụ sản, điều này làm các viên chức chính phủ và các gia đình phải khắc khoải. Một giải pháp đang được áp dụng trên khắp Hoa Kỳ, các trung tâm độc lập do các bà đỡ điều hành, nhưng các nơi này cũng thường lệ thuộc vào các bệnh viện gần đó khi có biến chứng nghiêm trọng.
Việc đóng cửa nhà thương làm trầm trọng thêm cái gọi là “sa mạc chăm sóc sản phụ” – các quận không có bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản cung cấp dịch vụ chăm sóc sản khoa và không có nhà cung cấp dịch vụ sản khoa. Hơn hai triệu phụ nữ trong độ tuổi sanh nở sống trong những khu vực kể trên, phần lớn là nông thôn.
Cuối cùng, các bác sĩ và giới nghiên cứu cho biết, có ít đơn vị phụ sản ở bệnh viện khiến cho việc sanh nở không bảo đảm an toàn. Một nghiên cứu cho thấy, người dân nông thôn có nguy cơ đối diện các biến chứng đe dọa tính mạng hoặc thậm chí tử vong do mang thai và sanh nở cao hơn 9% so với những người sống ở thành thị — và thiếu dịch vụ chăm sóc cũng là vấn đề then chốt.
“Các bà mẹ có biến chứng hiện diện tràn lan. Trẻ sơ sinh có biến chứng cũng đồng cảnh ngộ,” Bác Sĩ Eric Scott Palmer, chuyên khoa sơ sinh từng làm việc tại Trung Tâm Y Tế Quận Henry ở vùng nông thôn Tennessee trước khi cơ sở chấm dứt các dịch vụ sản khoa trong tháng này, cho biết. “Sẽ có người phải ngậm đắng nuốt cay. Vấn đề không phải là nếu—chỉ đơn giản là khi nào mà thôi.”
Vấn đề này đã tồn đọng trong nhiều năm: Hiệp Hội Nhà Thương Hoa Kỳ cho biết ít nhất 89 đơn vị sản khoa bị đóng cửa tại các bệnh viện nông thôn từ 2015 tới 2019. Nhiều đơn vị sản khoa khác cũng bị dẹp kể từ đó.
Các nguyên nhân chính dẫn tới việc đóng cửa là do số ca sanh giảm; thiếu nguồn nhân lực; khoản bồi hoàn thấp từ Medicaid, chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho người có lợi tức thấp; khó khăn tài chánh, Peiyin Hung, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Y Tế Dân Tộc Thiểu Số và Nông Thôn thuộc đại học University of South Carolina, đồng tác giả nghiên cứu dựa trên khảo sát các bệnh viện, cho biết.
Khó khăn về tiền bạc là lý do chính làm cho Trung Tâm Y Tế Quận Henry tại Paris, Tennessee phải đóng cửa đơn vị sản khoa. Tổng giám đốc John Tucker nói với hãng tin AP rằng đây là bước ngoặt tài chánh cần thiết để cứu bệnh viện chật vật trong một thập niên qua.
Tỷ lệ sanh ở đó được Medicaid chi trả là 70%, vượt xa mức trung bình toàn Hoa Kỳ là 42%. Tucker cho biết chương trình Medicaid của Tennessee trả cho bệnh viện khoảng $1,700 cho mỗi lần sanh nở của một thai phụ, một khoản cỏn con so với những gì bệnh viện cần.
Bảo hiểm tư nhân trả cho bệnh viện nhiều hơn—mức trung bình lên tới $16,000 cho các ca sanh mổ tại Oregon năm 2021. Dữ kiện tiểu bang cho thấy con số này cao hơn gấp 5 lần số tiền Medicaid phân phát.
Một số tiểu bang và cộng đồng dân cư đang tiến hành các bước gầy dựng nhiều trung tâm sinh sản độc lập hơn. Gần đây, Thống Đốc Connecticut Ned Lamont ký ban hành luật cấp phép cho những trung tâm kể trên, và cho phép hoạt động như giải pháp thay thế những trường hợp mang thai có nguy cơ thấp. (TTHN)