WASHINGTON, DC (NV) – Phần tử Nga lập đài truyền hình giả mạo ở San Francisco bịa chuyện Tổng Thống Kamala Harris từng tông người khác rồi bỏ chạy, giới chức tình báo Mỹ cho hay hôm Thứ Hai, 23 Tháng Chín, theo Tribune News Service.
Đó là ví dụ mới nhất về việc Nga âm mưu bôi xấu bà Harris, ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng Dân Chủ, giữa lúc bà tranh cử với cựu Tổng Thống Donald Trump, ứng cử viên Cộng Hòa, giới chức tình báo Mỹ cho biết.
Hôm 2 Tháng Chín, trang web của KBSF-TV, đài truyền hình không có thật ở San Francisco, đưa tin bà Harris từng tông người khác rồi bỏ chạy ở thành phố này năm 2011, lúc bà làm bộ trưởng Tư Pháp California. Bản tin đăng kèm video, trong đó, một phụ nữ tố cáo bị bà Harris tông liệt người.
Bản tin đó hoàn toàn bịa đặt và trang web đó hoàn toàn giả mạo. Tuy nhiên, câu chuyện đó nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội cánh hữu. Trang web đó được đăng bộ ở Iceland và được thành lập trước khi đăng bản tin đó vài tuần.
Trong buổi họp báo hôm Thứ Hai, giới chức Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (ODNI) và Cơ Quan Điều Tra Liên Bang (FBI) cho hay cộng đồng tình báo Mỹ “đánh giá rằng phần tử Nga là thủ phạm tung đoạn video được lan truyền rộng rãi, trong đó, một phụ nữ tự nhận là nạn nhân trong vụ phó tổng thống [Harris] tông rồi bỏ chạy.”
“Bản tin đó cũng phù hợp với âm mưu lớn hơn của Nga về việc hỗ trợ chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống [Trump] và bôi xấu phó tổng thống [Harris] và đảng Dân Chủ, bao gồm đưa tin bịa đặt,” giới chức ODNI cho hay.
Trang web kbsf-tv.com được đăng bộ thông qua Namecheap hôm 20 Tháng Tám, và người đăng bộ dùng địa chỉ ở Reykjavik, Iceland, từng được dùng trong những vụ giả mạo khác trên mạng.
Đó không phải lần đầu tiên, mà cũng sẽ không phải lần cuối cùng công nghệ được sử dụng để tung tin đồn về ứng cử viên. Tuần trước, Microsoft cũng loan báo họ thấy Nga chuyển hướng sang tấn công chiến dịch tranh cử của bà Harris.
“Thời gian qua, Nga dùng AI (trí tuệ nhân tạo) tạo nhiều nội dung liên hệ với cuộc bầu cử này nhất, và họ làm như vậy bằng cả bốn phương tiện – chữ, hình ảnh, âm thanh, và video,” giới chức ODNI cho biết.
Mặc dù giới chức tình báo Mỹ chưa đánh giá về tác động của việc ngoại quốc âm mưu gây ảnh hưởng hoặc can thiệp bầu cử Mỹ, nhưng giới chức ODNI cho hay, tới nay, cộng đồng tình báo tin rằng nội dung do AI tạo ra nhằm “cải thiện và gia tăng chiến dịch gây ảnh hưởng của ngoại quốc.” AI hiện chưa trở thành “công cụ gây ảnh hưởng mang tính cách mạng,” theo giới chức ODNI. (Th.Long)