HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nếu Tổng bí thư Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm có dịp gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở New York, người ta nhìn thấy rõ hơn đường lối đối ngoại của Hà Nội.
Giới chuyên gia phân tích chính trị nhận định như vậy trên báo SCMP khi được tin ông Tô Lâm lên đường đến New York, Hoa Kỳ, tham dự phiên họp khoáng đại của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần tới. Guồng máy tuyên truyền của chế độ chỉ đưa tin ông đến phát biểu ở LHQ rồi sang thăm Cuba.
Họ che giấu tất cả những chuyện khác tại Mỹ có sự có mặt của ông ta trong khi các hãng thông tấn và các nguồn tin quốc tế đều đưa tin. Cung cách thông tin như vậy vừa nhằm “định hướng” dư luận trong nước, vừa nhằm tránh sự tò mò săm soi, đặt dấu hỏi của “đồng chí anh em” ở Bắc Kinh. Đám này theo dõi chặt chẽ mọi chuyện tại Việt Nam, không sót một chi tiết.
Thông tấn Reuters cho hay, bên cạnh phát biểu tại LHQ để tuyên truyền, ông Tô Lâm sẽ gặp một số doanh nghiệp Mỹ, gồm cả Google và Meta (Facebook). Trường đại học Columbia cũng đã loan báo một sự kiện vào ngày Thứ Hai 23 Tháng Chín, có sự tham dự của ông Tô Lâm.
Trước đây mấy ngày, hãng tin Reuters cũng dẫn nguồn tin riêng của họ nói rằng, ông Tô Lâm có thể gặp Tổng thống Biden bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ. Hà Nội hoàn toàn nín lặng về khả năng này trong khi Tòa Bạch Ốc chỉ nhìn nhận vị Tổng thống Mỹ, khi đến dự họp LHQ, sẽ gặp một số lãnh tụ ngoại quốc và không xác nhận sẽ có gặp Tổng bí thư Chủ tịch nước CSVN hay không.
Người ta đã bình luận nhiều về chính sách đối ngoại đu dây giữa các đại cường mà Hà Nội gọi là ngoại giao “cây tre” từ thời Nguyễn Phú Trọng còn sống, hiện vẫn thấy đang tiếp tục khi Tô Lâm leo lên ghế Chủ tịch nước hồi Tháng Năm rồi ôm luôn ghế Tổng bí thư đầu Tháng Tám. Chỉ ít ngày sau, ông ta dẫn bộ sậu chóp bu tới Bắc Kinh thề thốt “coi trọng mối quan hệ” “hàng đầu” của chính sách đối ngoại.
Khi Tô Lâm tới Mỹ mà không gặp được Tổng thống Biden là Hà Nội “mất một cơ hội” làm sâu sắc hơn cho thỏa hiệp “Đối tác chiến lược toàn diện” hai nước đạt được hồi Tháng Chín năm ngoái, theo phân tích gia Zachary Abuza, một chuyên viên về Việt Nam và khu vực Đông Nam Á của Học viện Quốc Phòng tại thủ đô Washington. Có vẻ Hà Nội thận trọng khi đang có cuộc chạy đua tới hồi gay cấn vào Tòa Bạch Ốc giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, Tờ South China Morning Post (SCMP) thuật ý kiến của ông Abuza.
Còn ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại đại học New South Wales và cũng là một người rất am hiểu về Việt Nam, cũng cho rằng khi ông Tô Lâm đến New York, đây là cơ hội quá tốt để Tổng thống Biden gặp ông ta. Bởi vì dịp này sẽ giúp củng cố hơn nữa những cam kết của Mỹ đối với Việt Nam khi ông Biden đến Hà Nội năm ngoái lúc Nguyễn Phú Trọng còn sống.
“Vào Tháng Giêng 2025, tân tổng thống Mỹ mới tuyên thệ nhậm chức thì còn lâu lắm mới có cơ hội cho hai lãnh tụ Việt Nam và Mỹ có thể gặp nhau”, ông Thayer nói. Ông thêm rằng “Cuộc gặp mặt Biden-Lâm sẽ là một dấu chỉ lâu bền cho mối quan hệ hai nước”.
Còn ông Alexander Vuving, người gốc Hà Nội, giảng dạy tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á châu – Thái Bình dương tại Hawaii, cho rằng nếu ông Tô Lâm có thể gặp những người giả thiết sẽ là người của chính phủ Kamala Harris, nếu bà đắc cử, và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ thì tốt hơn. Theo ông Vuving, từ khi còn nắm Bộ Công an đến giờ, ông Tô Lâm đã tham gia định hướng chính sách đối ngoại với Mỹ cũng như đã có nhiều dịp gặp gỡ các giới chức hành pháp và lập pháp Mỹ.
Đây là dịp để ông Tô Lâm bồi đắp “quyền lực mềm” tại quê nhà như một lãnh tụ có khả năng khi đến Mỹ, ông Vuving nói. Thêm nữa, đây cũng là dịp quan trọng để Hà Nội chứng tỏ họ cẩn thận đu dây giữa các đại cường, đặc biệt với Mỹ, Nga và Trung Cộng.
“Chuyến thăm viếng cho cơ hội đặc biệt gây ấn tượng lâu dài về cung cách (Tô Lâm) đối phó với các siêu cường trên mặt quan hệ quốc tế rất khó khăn. Nói tóm lại, ông ta chèo chống thế nào trong cương vị lãnh tụ của Việt Nam.” Lời nhận định của ông Vuving.(NTB)