Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều phụ huynh và đồng hương đến dự chương trình ca nhạc của lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang trong buổi hát cuối khóa mùa Hè 2024, qua chủ đề “Lắng Nghe Thu Về,” diễn ra vào chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Tám, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.
Những tiếng hát trong chương trình baobáo Người Việthiếu nhi Lê Bách, Lê Tiến, Mai David, Julienne Lee Lâm, Nathan Lâm, Sebastien Lee Lâm, cùng những tiếng hát của ban văn nghệ Lê Hồng Quang và thân hữu, gồm Thu Băng, Ngân Hà, Muôn Hoa, Huệ Lê, Phương Loan, Uyển Nghi, Thanh Thủy, Tâm Thường, Long Cơ, Bích Nhung, Long Mai, Phượng Hoàng, Chân Nguyên, Ngọc Thúy, Hồng Phượng, Tín Lâm, Mai An, Nguyễn Đăng Phúc, Lan Phương, và Thu Hà.
Nhạc sĩ Lê Hồng Quang tâm tình: “Bây giờ, tại Little Saigon là cuối Hè, sắp vào Thu nên chúng tôi mới có chủ đề ‘Lắng Nghe Thu Về,’ và bây giờ cũng là lúc mùa Lễ Hội Vu Lan. Những ca khúc về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ có rất nhiều bài nhạc dành cho thiếu nhi, và cũng có nhiều tác phẩm dành cho người lớn hát. Vì thế, trong chương trình ca nhạc hôm nay cũng có bài nói về tình mẹ. Nhưng phần nhiều là những tác phẩm hát cho tình yêu quê hương Việt Nam và tình yêu đôi lứa.”
Julienne Lee Lâm mở đầu chương trình rất dễ thương qua bài nhạc “Mẹ Là Cô Giáo Dễ Thương” của Lê Đặng. Tiếp theo, Sebastien Lee Lâm hát bài “Làm Mây Che Nắng,” nhạc Nguyễn Trọng Tạo, lời Ngô Thị Bích Hiền, và Tiến Lê hát bài “Năm Ngón Tay Vui” của Trần Văn Thụ.
Học viên David Mai năm nay trông cũng đã lớn nhiều, em trang trọng trong chiếc áo sơ mi trắng dài tay và bỏ áo trong quần trông khá lịch sự như người lớn. Hơn thế nữa, lần này David Mai nói tiếng Việt rất giỏi và hát tiếng Việt lại càng giỏi hơn qua bài “Em Yêu Trường Em” của Hoàng Vân.
Rất kháu khỉnh, bé Bách Lê trong y phục áo bà ba trong vai Chú Cuội, hát bài “Ông Trăng Xuống Chơi” của Phạm Duy. Độc đáo hơn nữa là Bách Lê vừa hát, tay vừa nhịp song lang nghe lốp cốp làm khán giả rất thích thú trong màn trình diễn này.
Sau đó, Bảo Nguyễn hát bài “Lý Tiểu Khúc,” dân ca Trung Bộ. Bài dân ca này rất khó hát đúng theo bài bản của thể điệu Hò Mái Nhì của Dân Ca Huế. Thầy Lê Hồng Quang rất công phu tập cho Bảo Nguyễn hát được bài này.
Kế tiếp, Nathan Lâm cho mọi người ngạc nhiên khi em hát bài “Hùng Vương” của Thẩm Oánh. Đây là bài hùng ca của con dân đất Việt với 18 đời Vua Hùng dựng nước và giữ nước. Nathan Lâm làm khán giả rất xúc động khi hát bằng tiếng Việt rất hùng mạnh qua những ca từ: “Bốn nghìn năm văn hiến nước non khang cường là nhờ công đức Hùng Vương/Hoa gấm giang sơn này cùng chung đắp xây bao thời hùng uy vẻ vang/Đời đời nhớ Hùng Vương đã vì quốc dân lập non nước này/Cho cháu con quây quần vẽ nên cơ đồ bền vững tới nay …”
Ngoài tập luyện cho các thiếu nhi hát được tiếng Việt qua những ca khúc ngắn, lớp nhạc Lê Hồng Quang đã tập cho thiếu nhi hát được bài hùng ca của dân tộc Việt dành cho người lớn, như bài “Hùng Vương.”
Chấm dứt chương trình phần một là bài “Hổng Dám Đâu” của Nguyễn Văn Hiên, với ban tam ca qua ba tiếng hát Tiến Lê, David Mai, và Bách Lê.
Phần hai của chương trình gồm những ca khúc dành cho những tiếng hát của người lớn đã theo học lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang nhiều năm qua. Có những tiếng hát thường xuyên trong những chương trình ca nhạc này, và cũng có những người đã lâu rồi vắng bóng, nay họ trở lại hát trong chương trình này, và cũng có những tiếng hát mới tham dự lớp thanh nhạc.
Phần nhiều các ca viên này hát rất tốt. Có người hát gần như chuyên nghiệp, nhưng đối với họ, hát là niềm vui trong cuộc sống chứ không muốn trở thành ca sĩ.
Những bài nhạc và những tiếng hát trong phần hai gồm: “Gánh Lúa” của Phạm Duy (Lê Hồng Quang và nhóm bè nữ), “Đường Xưa Lối Cũ” của Hoàng Phi Thơ (Hồng Phượng), “Tôn Nữ Còn Buồn” của Trầm Tử Thiêng (Huê Lệ), “Thương Về Miền Trung” của Châu Kỳ (Nguyễn Quang Hoàng), “Thuyền Hoa” của Phạm Thế Mỹ (Bảo Châu), “Em Đi Trên Cỏ Non” của Bắc Sơn (Chân Nguyên), “Từ Giọng Hát Em” của Ngô Thụy Miên (Ái Loan), và “Thu Vàng” của Cung Tiến (Phượng Hoàng).
Những bài nhạc và những tiếng hát trong phần ba gồm “Bông Hồng Cài Áo,” thơ Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ (Lê Hồng Quang và nhóm bè nữ), “Vọng Ngày Xanh” của Khánh Băng (Thụy Cúc), “Biết Bao Giờ Trở Lại” của Ngô Thụy Miên (Long Cơ), “Nắng Paris, Nắng Sài Gòn” của Ngô Thụy Miên (Bích Nhung), “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” của Ngô Thụy Miên (Tín Lâm), “Bài Không Tên Số 7” của Vũ Thành An (Mai An), “Dạ Khúc- Serenade ” lời Việt Phạm Duy (Nguyễn Đăng Phúc), “Tiếng Hát Học Trò” của Nguyễn Hiền (Lan Phương), và “Bài Không Tên Số 8” của Vũ Thành An (Thu Hà).
Tiếp tục phần ba là các nhạc phẩm “Đừng Nói Xa Nhau” của Châu Kỳ & Hồ Đình Phương (Thanh Thủy), “Ở Trọ” của Trịnh Công Sơn (Long Mai). “Tóc Gió Thôi Bay” của Trần Tiến (Thu Băng), “Ru Tình” của Trịnh Công Sơn (Muôn Hoa), “Suối Mơ” của Văn Cao (Thanh Thủy), “Thoi Tơ” thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh (Phương Loan), “Lời Thiên Thu Gọi” của Trịnh Công Sơn (Ngân Hà), “Tình Ca” của Phạm Duy (Uyển Nghi), “Từ Giọng Hát Em” của Ngô Thụy Miên (Ái Loan), và “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh (Huê Lệ).
Cô Ngân Hà, là một trong những tiếng hát của ban văn nghệ Lê Hồng Quang, nói: “Tôi đã theo học lớp thanh nhạc của Thầy Lê Hồng Quang được bốn năm. Sau hai năm đầu tôi thấy lớp thanh nhạc rất cần thiết cho những ai muốn tập hát đúng bài bản, và ca hát cũng là phương pháp giúp cho mình được thư giãn hơn sau những giờ giấc làm việc mệt nhọc. Vì thế, tôi cũng cho con trai của mình đến tập hát tiếng Việt với thầy.”
Khán giả Tô Hảo, cư dân Santa Ana, nói: “Tôi rất thích nghe các thiếu nhi Việt Nam hát tiếng Việt. Tuy rằng chúng ta đang sống trên xứ người, dĩ nhiên là những người lớn không thể quên tiếng Việt được, nhưng muốn cho những đứa nhỏ nói được tiếng Việt thì đó là không phải dễ. Vì thế, khi đồng hương được nghe các thiếu nhi Việt Nam nói và hát tiếng Việt, đó là việc đầu tiên trong sự bảo tồn ngôn ngữ Việt trên xứ người, mà lớp nhạc Lê Hồng Quang đã thực hiện điều này trong nhiều năm qua.” [đ.d.]