Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Cựu Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Liên Khóa 63 Không Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vừa kỷ niệm 60 năm ngày nhập ngũ vào trưa Chủ Nhật, 2 Tháng Bảy, tại nhà hàng Seafood World, thành phố Westminster.
Từ một bộ phận nhỏ của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam còn lệ thuộc rất nhiều vào Không Quân của Quân Ðội Viễn Chinh Pháp (1951-1955), Không Quân VNCH là một quân chủng đã phát triển vượt bực trong suốt thời gian chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Đến giữa thập niên 1970, quân chủng này được xem là không lực đứng hàng thứ tư trên thế giới về số lượng phi cơ, chỉ ít hơn Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc.
Sau nghi thức khai mạc, cựu SVSQ Không Quân Liên Khóa 63 đồng ca bài “Không Quân VNCH Hành Khúc.”
Sau đó là nghi thức thắp hương tưởng niệm tử sĩ Không Quân VNCH thuộc Liên Khóa 63.
Đại diện ban tổ chức, Không Quân Lê Văn Bút ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đến dự: “Thời gian qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Mới ngày nào, chúng ta là những chàng trai tuổi vừa đôi mươi, mà giờ đây tóc đã bạc màu, lưng còng, gối mỏi, đa số đã có tuổi cao. Xin cám ơn tất cả quý vị đã đóng góp công sức để tổ chức buổi tiệc hôm nay.”
Tiếp theo là chương trình văn nghệ với những tiếng hát “cây nhà, lá vườn” của Liên Khóa 63 Không Quân và ban nhạc The Moon Flower trình diễn.
Tại chiến trường miền Nam, cả ngàn hoa tiêu tác chiến của Không Quân VNCH đã đền nợ nước trong những chuyến trực thăng vận đổ quân vào vòng chiến và rước quân về sau những trận chiến khốc liệt từ những chiến trường miền Nam, và xuyên qua những trận đánh vượt biên giới Cambodia và Hạ Lào. Trong những trận chiến đó đã có nhiều hoa tiêu khu trục phản lực A-37B Dragonfly đã từng ném bom xuống vùng địch đang đóng quân hay hành quân.
Cuối Tháng Tư, 1975, miền Nam bị thất thủ, một số cựu quân nhân VNCH bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam đưa vào trại tập trung từ Nam chí Bắc. Một số rời xa quê hương bằng đường biển hoặc đường không vận.
Trong số những quân nhân được may mắn đi bằng không vận, có gia đình Không Quân Tôn Thất Khánh, thuộc Phi Đoàn 213 (Song Chùy) Đà Nẵng. Sau đó về làm trưởng Phòng Hành Quân Không Đoàn 51 Đà Nẵng.
Ông Khánh kể: “Gia đình tôi gồm có vợ chồng và năm người con rời khỏi Việt Nam vào sáng 29 Tháng Tư, 1975, bằng vận tải cơ C-130 đến phi trường Utapao (Thái Lan). Sau đó, chúng tôi được đưa sang đảo Guam. Chỉ vài ngày sau, chúng tôi được đưa sang trại tị nạn tại Arkansas, Hoa Kỳ. Chúng tôi ở trại tị nạn được khoảng sáu tháng thì được hội nhà thờ Lutheran ở Arizona bảo lãnh gia đình chúng tôi ra khỏi trại. Khoảng một năm sau, vì khí hậu ở đây quá nóng, nên gia đình chúng tôi di chuyển về California khoảng đầu năm 1977 cho đến bây giờ.”
Không Quân Trung Tá Nguyễn Anh Toàn, nguyên phi đoàn trưởng Phi Đoàn 239 (Hoàng Ưng) thuộc Không Đoàn 51 Đà Nẵng, kể lại: “Ðầu tiên Không Quân Thiếu Tá Trần Duy Kỳ là phi đoàn trưởng Phi Đoàn 239, kế tiếp chức vụ này do tôi đảm trách cho đến cuối Tháng Tư, 1975. Trong ngày cuối cùng của chính phủ miền Nam, chúng tôi bay trực thăng từ Đà Nẵng đến hạm đội của Hoa Kỳ đang đậu ngoài biển khơi. Sau đó, chúng tôi được định cư tại Hoa Kỳ, và được làm việc cho hãng dầu hỏa tại Louisiana cũng trong nghề lái trực thăng, và tôi đã làm công việc này suốt 29 năm. Giờ thì tôi đã được hưởng hưu trí đã trên 10 năm.”
Không Quân Mai Văn Chớ, cựu SVSQ Khóa 63D Không Quân, trong khóa này, ông và một số anh em SVSQ được sang Hoa Kỳ học vào Tháng Ba, 1965. Sau khi ra trường, ông về phục vụ Phi Đoàn 255 (Xà Vương) Cần Thơ. Chức vụ cuối cùng là Không Quân Thiếu Tá, phi đoàn phó Phi Đoàn 255 Cần Thơ.
“Trong những ngày cuối Tháng Tư, 1975, nhiệm vụ của chúng tôi là bay trực thăng để đổ quân cho Trung Đoàn 32, Sư Đoàn 21 Bộ Binh tại Vùng IV Chiến Thuật. Trong những ngày cuối cùng của Tháng Tư, 1975, toán chúng tôi gồm năm trực thăng và hai chiếc trực thăng vũ trang Gunship đổ quân xuống mặt trận. Sau khi đổ quân xong, thì chúng tôi về họp với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 32. Khi về đến hậu cứ của Trung Đoàn 32 thì máy bay của chúng tôi sắp hết xăng, và cần thêm nhiên liệu để hành quân tiếp tục,” ông Chớ kể.
“Nhưng lúc đó, một số trực thăng của Phi Đoàn 255 đã bay ra hạm đội rồi, và cùng lúc chúng tôi nghe tin của Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Tình cảnh lúc đó rất lộn xộn, nên chúng tôi không được tiếp tế thêm nhiên liệu để bay tiếp tục. Đó cũng là kỷ niệm những chuyển đổ quân cuối cùng của Phi Đoàn 255. Sau đó, tôi bị đi tù Cộng Sản hết bảy năm. Đến khi được ra khỏi tù, tôi về nhà tổ chức vượt biên được thành công, chớ không có sang Mỹ bằng chương trình HO,” ông Mai Văn Chớ cho biết thêm.
Cuối năm 1974, Không Quân VNCH đã có quân số là 61,147 người, gồm 65 phi đoàn với tổng số 2,071 phi cơ đủ loại, và được tổ chức thành sáu Sư Đoàn Không Quân bố trí trên khắp lãnh thổ của miền Nam.
Theo đó, Sư Ðoàn 1 Không Quân đóng tại Ðà Nẵng, có nhiệm vụ chính là yểm trợ các cuộc hành quân của Quân Ðoàn I, gồm ba Không Ðoàn Chiến Thuật 41, 51, và 61. Sư đoàn trưởng cuối cùng là Chuẩn Tướng Nguyễn Ðức Khánh.
Sư Ðoàn 2 Không Quân đóng tại Nha Trang, có nhiệm vụ chính là yểm trợ các cuộc hành quân của Quân Ðoàn II, gồm hai Không Ðoàn Chiến Thuật 62 và 92. Sư đoàn trưởng cuối cùng là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Lượng.
Sư Ðoàn 3 Không Quân đóng tại Biên Hòa, có nhiệm vụ chính là yểm trợ các cuộc hành quân của Quân Ðoàn III, gồm ba Không Ðoàn Chiến Thuật 23, 43, và 63. Sư đoàn trưởng cuối cùng là Chuẩn Tướng Huỳnh Bá Tính.
Sư Ðoàn 4 Không Quân đóng tại Cần Thơ, có nhiệm vụ chính là yểm trợ các cuộc hành quân của Quân Ðoàn IV, gồm ba Không Ðoàn Chiến Thuật 64, 74, và 84. Sư đoàn trưởng cuối cùng là Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Tần.
Sư Ðoàn 5 Không Quân là một sư đoàn vận tải, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Không Quân, đóng tại Sài Gòn (căn cứ Tân Sơn Nhứt), gồm hai Không Ðoàn Chiến Thuật 33 và 53. Sư đoàn trưởng cuối cùng là Chuẩn Tướng Phan Phụng Tiên.
Sư Ðoàn 6 Không Quân đóng tại Pleiku, sau ngày 16 Tháng Tư, 1975, dời về Phan Rang, có nhiệm vụ chính là yểm trợ các cuộc hành quân của Quân Ðoàn II, gồm có hai Không Ðoàn Chiến Thuật 72 và 82. Sư đoàn trưởng cuối cùng là Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang. [qd]