Lâm Hoài Thạch/Người Việt
SANTA ANA, California (NV) – Nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) và đồng hương đến dự Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An lần thứ 168, do Ban Trị Sự PGHH Miền Nam California tổ chức tại Hội Quán PGHH, Santa Ana, sáng Chủ Nhật, 15 Tháng Chín.
Đồng đạo Ngô Văn Ẩn, trưởng ban Phổ Thông Giáo Lý, kiêm trưởng ban tổ chức, đọc diễn văn khai mạc: “Đức Phật Thầy Tây An, ngài đã sáng lập Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương vào năm 1949, và đây cũng là nguồn gốc của nền đạo PGHH hiện nay.”
“Khoảng năm 1851, sau khi lập làng Hưng Thới và Hưng Xuân, Đức Phật Thầy có truyền bảo một trong 12 đệ tử của ngài là Đức Cố Quản Trần Văn Thành, đi cắm những cây thẻ chung quanh vùng núi Thất Sơn. Vì theo Đức Phật Thầy tiên đoán, dãy Thất Sơn hùng vĩ này sẽ là hoa địa, trong đó có tích tụ nhiều địa hạt hiển linh. Nên ngài mới cho cắm các thẻ để trấn áp, ngăn ngừa sự phá hoại, và cũng để giải trừ sự linh nghiệm những loại bùa ếm của nhiều nhà địa lý người Tàu. Với mục đích bảo vệ cho vùng địa linh nhân kiệt thuộc dãy Thất Sơn và Cửu Long Giang,” ông Ẩn cho biết thêm.
Trong nghi thức tôn giáo, đồng đạo Lê Hữu Ky mời Hội Trưởng Trần Văn Tài cùng các vị cao niên cùng niệm hương trước ngôi Tam Bảo và tại bàn thờ thông thiên ngoài trời.
Sau đó, đồng đạo Hồ Thanh Ngân tuyên đọc “Lời Khuyên Bổn Đạo” của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Đồng đạo Thái Mỹ Nĩ đọc bài “Chư Phật Có Bốn Đại Đức” của Đức Thầy.
Tiếp theo, đồng đạo Trang Văn Mến, thủ bổn Ban Trị Sự PGHH, nói về Ý Nghĩa Vía Đức Phật Thầy Tây An.
Theo ông Mến kể: “Đức Phật Thầy Tây An chính danh là Đoàn Minh Huyên, sinh vào giờ Ngọ, Rằm Tháng Mười năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh (Cái Tàu Thượng), huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang, nay thuộc xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Sau khi chu du nhiều nơi để tìm hiểu đời sống dân tình và tầm sư học đạo, đầu Xuân Kỷ Dậu 1849, ông trở về nguyên quán Tòng Sơn, cư trú tại Tây An Cổ Tự, nay thuộc xã Long Kiến. Năm đó dịch tả hoành hành, dân chúng hết sức nguy khốn, thấy cảnh đau khổ của dân làng, ông ra công trị bệnh cứu sống được nhiều người.”
“Vốn biết được huyền cơ vũ trụ, ông luôn khuyên răn mọi người ý thức về thời mạt pháp hạ ngươn, hãy sớm quay về tu tỉnh bản thân, bỏ bớt những hủ tục mê tín dị đoan đang tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy lấy đạo Phật làm gốc, nhưng không thờ tượng Phật, chỉ thờ tấm trần điều trên ngôi Tam Bảo. Và cũng không ly gia cắt ái, không ăn trường chay cạo râu xuống tóc, gõ mõ tụng kinh, không cần dâng lễ vật tốn kém, và thực hành Tứ Đại Trọng Ân. Chính vì nhờ phương pháp vô vi đó, suốt bảy năm hoằng hóa đạo pháp (1849-1856), đã có hàng vạn người khắp vùng Hậu Giang miền Nam nước Việt tu theo phương pháp của ông. Ông sáng lập ra tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương và bốn trại ruộng để dạy môn đồ khẩn hoang mở đất, trấn yểm các vị trí địa linh,” ông Mến kể thêm.
Cũng theo đồng đạo Trang Văn Mến, chính quyền đương thời cùng bọn pháp sư thầy cúng mời Đức Phật Thầy về phủ Châu Đốc thử thách tra hỏi. Cuối cùng chúng dâng sớ về triều để đưa ông về chùa Tây An dưới chân núi Sam để tu hành. Người trong vùng rất kính trọng và thương mến nên xưng tụng ông là Đức Phật Thầy Tây An. Ngài có bốn vị kế truyền là Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, Ông Sư Vãi Bán Khoai, và Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Đức Phật Thầy Tây An viên tịch vào giờ Ngọ, ngày 12 Tháng Tám năm Bính Thìn (10 Tháng Chín, 1856) nên tín đồ lấy ngày đó làm ngày vía hằng năm. Hiện nay, mộ phần Đức Phật Thầy Tây An vẫn còn tại Tây An Tự, núi Sam, Châu Đốc. Ông chính là sơ tổ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương (nay là Phật Giáo Hòa Hảo).
Sau đó, hai đồng đạo Nguyễn Sum và Nguyễn Kim diễn ngâm bài “Mười Điều Khuyến Tu” của Đức Phật Thầy Tây An. Kế đến là lời phát biểu cảm tưởng của cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải.
Cuối cùng là phần diễn ngâm của hai đồng đạo Mai Thị Huyền và Bích Thuận, với bài “Kệ Dân của Người Khùng” của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Trong số quan khách đến dự có Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Giáo Hội PGHH Miền Nam California. Ông cũng có lời phát biểu về trận bão Yagi tại miền Bắc Việt Nam vừa qua, làm cho hàng trăm đồng bào bị chết và hàng ngàn người không có nhà ở. Và ông đã cầu nguyện cho hương linh của các nạn nhân được sớm siêu thoát về nơi tịnh độ.
Dân Biểu Trí Tạ (Địa Hạt 70) phát biểu: “Nói đến bài thơ ‘Tứ Bửu Linh Tự’ của Đức Phật Thầy Tây An, đó là một tuyệt tác có một không hai, qua những vần thơ mà chúng ta có thế đọc theo hàng ngang và hàng dọc đều có ý nghĩa. Bài thơ chỉ có bốn câu: ‘Bửu ngọc quân minh thiên việt nguyên/Sơn trung sư mạng địa nam tiền/Kỳ niên trạng tái tân phục quốc/Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên.’ Hàm ý trong bài thơ này là sẽ có một vị tái sanh để cứu độ chúng sanh, nên khi Đức Phật Thầy Tây An viên tịch vào năm 1949, thì khoảng một thời gian sau, Đức Huỳnh Giáo Chủ xuất hiện và cũng đi theo cách ‘Học Phật tu nhân’ của Đức Phật Thầy Tân An. Vì thế, có thể Đức Phật Thầy Tây An của Bửu Sơn Kỳ Hương là tiền thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ của PGHH.”
Ông Trần Văn Tài, hội trưởng Ban Trị Sự PGHH Miền Nam California, ngỏ lời cám ơn mọi người đến dự, và ông cũng cho biết: “Hiện nay, Bửu Sơn Kỳ Hương vẫn còn tồn tại bốn di tích của Đức Phật Thầy Tây An ở miền Tây Nam Việt Nam. Đó là Tây An Cổ Tự ở làng Long Kiến, Trại Ruộng Thới Sơn ở Nhà Bàn, Trại Ruộng Láng Linh ở Châu Đốc, và chùa Tây An ở Núi Sam.”
Bấy nhiêu di tích cũng đủ ghi lại công đức của Đức Phật Thầy Tây An. Vì dầu trải qua bao nhiêu cuộc biến thiên, những nơi này đã không phai mờ theo thời gian, mà mỗi ngày còn được tu chỉnh thêm uy nghiêm, nêu cao tinh thần sùng ngưỡng đạo đức. [đ.d.]