Tuesday , September 10 2024

Khí là năng lượng

Bác Sĩ Đặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm Cứu và Đông Dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Đông Dược và muốn góp ý cho kho tàng Đông Dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 714-0564 office và (714) 553-6183 cell.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Khí dùng trong Y Khoa Đông Phương để chỉ khí lực, sức sống của con người, liên quan tới năng lượng trong Tây phương, lẫn Đông phương thường dùng ngày nay. Từ đây chúng ta giải thích khí theo ý nghĩ và thực thể của năng lượng trong y khoa.

Năng lượng là gì?

Lúc ta đốt cháy nhiên liệu để làm động cơ chuyển động là nhờ sự đốt cháy nhiên liệu tạo nên năng lượng. Nhờ năng lượng mà tàu chạy trên mặt nước, máy bay bay trên không và xe hơi chạy trên mặt đất.

Sinh hoạt của chúng sinh nói chung, của con người nói riêng cũng cần tới năng lượng.

Tuy nhiên năng lượng của sự sống không do nhiên liệu tác động như động cơ nổ mà do thức ăn được oxy hóa. Thức ăn là nhiên liệu của sinh vật, oxy hóa thức ăn để tạo năng lượng trong sinh vật tương đương với sự đốt cháy nhiên liệu để tạo năng lượng trong các động cơ.

Năng lượng cần thiết cho mọi sinh hoạt của cơ thể, từ thể xác đến tinh thần, từ các tế bào đến các mô, các cơ quan đều cần đến năng lượng.

Thí dụ, sự chuyển khí hay năng lượng từ sự chuyển hóa các vi tinh bào nó di động trong giữa các tế bào và giữa các tạng phủ. Những năng lượng này có khuynh hướng di động trong mô hình tương đối thường xuyên với một năng lượng bình thường. Bệnh sẽ xảy ra nếu hướng di chuyển bất thường và khi năng lượng quá yếu hoặc quá mạnh.

Nguồn gốc năng lượng sinh vật 

Nguồn gốc năng lượng sinh vật là thức ăn. Có ba loại thức ăn chính là tinh bột, chất đạm và chất mỡ. Mỗi thức ăn đều có nhiệm vụ riêng đối với sự biến dưỡng của cơ thể. Tuy nhiên, mọi thức ăn đều có thể biến thành năng lượng để được sử dụng trong sự biến dưỡng.

Khi ăn tinh bột như gạo, bột mì, đường, thịt, cá, mỡ… vào dạ dày, những đồ ăn đó nằm ở dạng thô. Trải qua nhiều giai đoạn tiêu hóa, nhờ các loại phân hóa tố, tinh bột biến thành đường, mỡ biến thành chất béo, thịt trở thành chất đạm, là những chất ở dạng phân tử nhỏ, được hấp thụ qua ruột đi vào máu dẫn tới nơi sử dụng, hoặc dự trữ ở trong các tế bào gan.

Với vấn đề tạo năng lượng, 99% chất đường được hấp thụ vào cơ thể đều được sử dụng vào việc tạo năng lượng, ngoài nhiệm vụ khác, một phần được sử dụng vào việc sản xuất năng lượng khi cần thiết.

Các loại khí 

Y Khoa Đông Phương gọi chung năng lượng là khí và chia ra làm nhiều loại khí như:

-Tạng phủ khí. Nhiệm vụ chính của từng tạng phủ cũng được tạng phủ khí phân phối và săn sóc. Mỗi tạng phủ đều nhận những loại khí riêng, có những hoạt động và tính chất riêng của từng tạng phủ đó. Khi Y Khoa Đông Phương nói tới tâm khí hay phế khí, phần căn bản của khí giống nhau, nhưng sự hoạt động và liên hệ với tâm thì khác biệt trong sự hoạt động khi liên hệ với phế khí. Tâm và phế điều động khác nhau phụ thuộc vào tính chất của khí.

Thí dụ, phế khí liên quan với khí chính trong cơ thể con người. Tỳ khí liên quan tới khí ở trung tiêu và liên quan tới bao tử khí do sự tiêu hóa thức ăn mà có, thận khí được xác định là cấu tạo do tiên thiên khí, sản xuất tinh.

Y Khoa Đông Phương nhìn các tạng phủ trong cơ thể con người như một bức tranh, thường lấy biểu tượng là bức tranh thủy mạc, có núi, có sông lượn quanh, có cây cối xanh tươi, hài hòa và sống động. Nhìn vào bức tranh này, chúng ta thấy có một đời sống êm đềm, trật tự và an vui không bệnh hoạn. Đối chiếu với con người, thì y lý cũng đặt trên nền tạng đó và nhận biết những tạng phủ làm việc hợp nhất với nhau và cùng một nền tảng căn bản. Công việc chính của những tạng phủ này là duy trì sự hoạt động như tồn trữ, chuyển hóa, tiêu thụ, lên xuống và vào ra trong sự hài hòa, và nhờ đó cơ thể mạnh khỏe và quân bình.

Khái niệm về mạnh khỏe rất giản dị. Y Khoa Đông Phương không coi mạnh khỏe như sự đo lường thông thường trong các phương pháp chữa trị khác. Sức khỏe không phải số lượng mang vào như hóa chất trong máu và nước tiểu…

Đối với y khoa hiện tại, sức khỏe được phân tích tùy thuộc vào bệnh tật, điều này rất phức tạp, cũng như xây một lâu đài cần phải đầy đủ những vật liệu.

Sức khỏe đối với Y Khoa Đông Phương là sự quân bình và không có dấu hiệu nào bất thường. Ý niệm về tạo hóa (hay đạo là con đường quân bình và hài hòa). Cái điều này có thể nói tới nhưng không phải là tạo hóa, mà là dược liệu. Sự hài hòa rất đơn giản và bình thường, điều này nói lên sự đầy đủ.

-Dinh dưỡng khí. Khí này không ở một chỗ, mà di chuyển theo huyết. Di chuyển theo hai loại chính: dinh dưỡng khí di chuyển trong kinh lạc và huyết quản, vệ khí di chuyển giữa da và thịt trong mô dưới da.

Con người nhận khí từ thức ăn, khí vào bao tử, chuyển lên phế và vào ngũ tạng và lục phủ, và nhờ vậy chúng có thể nhận được khí. Thanh khí của đổ ăn gọi là dinh dưỡng khí, phần ít thanh khí gọi là vệ khí. Dinh dưỡng khí ở giữa kinh lạc và huyết quản, và vệ khí thì ở ngoài chúng.

Dinh dưỡng khí di động trong huyết quản, nó hoạt động giúp chuyển hóa những thức ăn thành những thanh khí đi nuôi dưỡng cơ thể.

-Vệ khí (hệ miễn nhiễm). Đây là một loại khí có trách nhiệm bảo vệ và chống lại tà khí hay những vi trùng, vi khuẩn từ ngoài tấn công vào cơ thể, phần lớn là dương khí trong cơ thể con người. Nó di chuyển từ ngực, trung tiêu và di động giữa da và bắp thịt. Khí này điều hòa hạch mồ hôi, các lỗ chân lông, giữ cho da tươi nhuận, bảo vệ da và tóc.

Vệ khí còn hỗ trợ cho hậu thiên khí, và cũng giống như hậu thiên khí, vệ khí được thành lập do tiêu hóa thức ăn và uống trong dạ dày (vị), lá lách (tỳ) và phân phối chúng tới những phần tận cùng của cơ thể. Trong khí hậu thiên, khí được thanh lọc từ những phần tử thanh nhất, còn vệ khí là những phần tử còn thô kệch do tiêu hóa sản xuất, bởi vì những phần tử này chưa được mịn màng, và do đó nó không thể thẩm thấu vào kinh lạc, nhưng nó có thể lưu động dưới da.

Vệ khí là một loại khí rất mạnh mẽ của đồ ăn và thức uống, nó trơn trượt, sắc bén, trôi nổi, cấp thiết. Nó không thể vào kinh lạc và mạch lạc nhưng có thể di động giữa da và thịt, bốc thành hơi nước trong hoành cách mô và tỏa ra khắp ngực và bụng.

Vệ khí làm ấm và tươi nhuận phần dưới da, điều động lỗ chân lông đóng mở, nuôi vùng giữa da và thịt. Nhưng trách nhiệm quan trọng nhất của nó là bảo vệ cơ thể khi tà khí tấn công từ bên ngoài vào. Thí dụ, phong hàn xâm nhập cơ thể, nó sẽ gặp sự chống đối bằng cách vệ khí tạo ra sự ấm áp và đưa tới hiện tượng bị nóng đầu, mồ hôi sẽ ra và sốt sẽ giảm, sự xâm nhập bị đẩy lui. Còn nếu sự xâm nhập thành công, bệnh nhân sẽ là nạn nhân của bệnh tật.

Khi vệ khí yếu thấm vào dưới da, kinh lạc sẽ trở nên trống rỗng, di chuyển của đồ ăn bị trở ngại, bất thường, da và thịt không còn được nuôi dưỡng, bệnh nhân có thể trở nên đau khổ về đau nhức.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, có nhiều thành phần góp vào sự hoạt động hệ thống miễn nhiễm của con người. Những thành phần chính là da, màng nhầy, tủy xương, bạch huyết và tuyến giáp trạng. Những phần tử này là hệ thống màng lưới bảo vệ cơ thể chống những tà khí từ ngoài xâm nhập vào.

Thành trì đầu tiên chống lại bệnh tật và nhiễm độc là da, màng nhầy của hệ thống hô hấp, nó là cái bẫy những phần tử độc hại trước khi chúng có thể xâm nhập cơ thể. Sự bảo vệ này như một bức tường bảo vệ và quân bình bên trong hệ thống miễn nhiễm.

Thành trì thứ hai là quản lý những phần tử vi ti trong cơ thể, nơi đây hệ miễn nhiễm sẽ tìm ra và tiêu diệt những phần tử xâm nhập.

Thành trì thứ ba bảo vệ là hệ thống bạch huyết, có nhiệm vụ quét sạch máu và hạch để nó có thể di chuyển trong cơ thể và loại bỏ những độc hại trước khi chúng có cơ hội gia tăng hoạt động.

Xem vậy, y khoa Đông phương đã có hơn ba ngàn năm qua, lúc khoa học còn thô sơ mà đã biết được những loại khí và hoạt động của từng loại khí trong từng tạng phủ và những loại khí này mạnh yếu tùy thuộc vào những tạng phủ của từng cá nhân là một điểm son.

Một khi định dược tạng phủ nào suy yếu, người thầy thuốc có thể cho thuốc bổ hay tả để giúp cho tạng phủ trở lại bình thường. Khi chúng trở lại hoạt động bình thường, thì cơ thể là một người thầy thuốc hay nhất để cân bằng và duy trì sức khỏe, mà không cần phải dùng thuốc bổ, đôi khi không cần thiết mà bắt thận phải làm viêc quá tải, đưa tới sự suy thận và cơ thể.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *