WEST POINT, New York (NV) – Nhóm chống chính sách “affirmative action,” tuyển sinh đại học cứu xét dựa trên chủng tộc, từng giành chiến thắng tại Tối Cao Pháp Viện Mỹ (TCPV), hôm Thứ Ba, 19 Tháng Chín, đệ đơn kiện Học Viện Quân Sự West Point, cáo buộc đã phân biệt đối xử đối với những thí sinh người da trắng, theo Reuters.
Tổ chức Students for Fair Admissions (SFA) có trụ sở tại Virginia qua vụ kiện này tìm cách xóa bỏ một quyền miễn trừ nằm trong phán quyết đưa ra hồi Tháng Sáu của TCPV cho phép các học viện quân sự danh tiếng của Hoa Kỳ tiếp tục dùng yếu tố chủng tộc như một trong những yếu tố được cân nhắc trong tuyển sinh.
Phán quyết huỷ bỏ affimative action được ủng hộ bởi đa số thẩm phán bảo thủ của TCPV, đã bác bỏ các chính sách được các trường cao đẳng và đại học Mỹ sử dụng từ lâu để tăng số lượng sinh viên da đen, gốc Tây Ban Nha và các nhóm thiểu số khác.
Tuy nhiên TCPV không đề cập đến việc xem xét chủng tộc trong tuyển sinh tại West Point ở New York, cũng như Học Viện Hải Quân ở Maryland và Học Viện Không Quân ở Colorado. Thẩm Phán John Roberts, chủ tịch TCPV, người đưa ra phán quyết, viết trong phần chú thích cuối trang rằng các học viện quân sự có “những lợi ích tiềm tàng khác biệt.”
Chính quyền Biden đã lập luận ngắn gọn trong trường hợp đó rằng “hiệu quả của quân đội chúng ta phụ thuộc vào một quân đoàn sĩ quan đa dạng sẵn sàng lãnh đạo một lực lượng chiến đấu ngày càng đa dạng”.
Nhiều tổ chức giáo dục đại học, các tập đoàn và lãnh đạo quân sự từ lâu đã ủng hộ chính sách “affimative action” trong khuôn viên trường để đảm bảo nguồn nhân tài có thể mang lại nhiều quan điểm khác nhau cho nơi làm việc và lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
Nhóm SFA đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở White Plains, New York, cáo buộc West Point vi phạm nguyên tắc bảo vệ bình đẳng được quy định trong Tu Chính Án Thứ Năm và đòi một phán quyết cấm học viện quân sự này duyệt xét yếu tố chủng tộc của người nộp đơn trong quá trình tuyển sinh.
SFA tố cáo rằng hai thành viên – có một nam sinh trung học da trắng, dấu danh tính, đã sẵn sàng và có thể nộp đơn vào West Point nhưng vì chủng tộc của hai người này ngăn cản họ “ được nhận vào học một cách bình đẳng”.
Đơn kiện lên án West Point đã tham gia vào việc “cân bằng chủng tộc” khi quyết định thí sinh nào sẽ là học viên tương lai và đặt ra các tiêu chuẩn dựa trên tỷ lệ phần trăm của mỗi lớp nên có bao nhiêu “người Mỹ gốc Phi”, “người gốc Nam Mỹ” và “người châu Á”.
Theo trang web của trường, người thiểu số chiếm 39% trong số 1,255 học viên được nhận vào West Point cho khoá 2027. (MPL)