Saturday , March 25 2023

Hỏa là năng lượng

Bác Sĩ Đặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm Cứu và Đông Dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Đông Dược và muốn góp ý cho kho tàng Đông Dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 714-0564 office và (714) 553-6183 cell.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Nghĩa hẹp của hỏa là lửa. Có lửa là do sự đốt cháy. (Hình minh họa: Scott Olson/Getty Images)

Hỏa rất quan trọng cho muôn loài vạn vật, không có hỏa thì thiếu đi sự sống, lạnh lẽo, ảm đạm, và u buồn. Con người là một sinh vật sinh ra bởi trời và đất, bởi nóng và lạnh. Là gạch nối giữa dương và âm, là một sinh vật sống hài hòa mà nguyên thủy con Rồng cháu Tiên, thủy tổ của chúng ta đã nhận ra. Cho nên chúng ta luôn tôn trọng quyền nhân bản, tôn trọng quyền tự do và phát biểu của con người, chúng ta chỉ có quyền góp ý xây dựng với tình thương, chứ không có quyền can dự và quyết định.

Riêng quan niệm về Y Lý y khoa Đông phương thì hỏa hay năng lượng rất quan trọng. Nghĩa hẹp của hỏa là lửa. Có lửa là do sự đốt cháy. Có hai loại đốt cháy. Cháy bùng và cháy ngầm. Cháy ngầm là hiện tượng oxy hóa vật chất vô cơ hoặc hữu cơ như sắt, thép… Hữu cơ như thức ăn trong cơ thể để bị oxy hóa, tạo năng lượng trong cơ thể để sử dụng. Khi oxy hóa thức ăn trong cơ thể một phần được tạo thành năng lượng dự trữ, một phần được tạo thành khí CO2 và nước, khí CO2 được đưa ra ngoài bởi phổi, thức ăn được đốt cháy để tạo thành khí CO2 và nước đồng thời cho ta nhiệt lượng. Nhiệt lượng được đo bằng đơn vị là calorie (1 calorie làm một gram nước tăng lên 1 độ C). Năng lượng dự trữ trong các tế bào và được sử dụng trong trong mọi hoạt động của từng tế bào nói riêng và toàn thể tế bào nói chung như hô hấp, tuần hoàn, bài tiết… Bất cứ một hoạt động nào của cơ thể cũng cần tới năng lượng, dù là một nụ cười hay một liếc mắt…

Như vậy năng lượng cần cho sự biến dưỡng cơ thể. Ngược lại sự biến dưỡng trong cơ thể cũng tạo thành năng lượng trong lúc đốt cháy thức ăn.

Hiện tượng đốt cháy thức ăn để cung cấp năng lượng tạo nên nhiệt. Nhiệt đó là hỏa. Vừa được đủ cho cơ thể gọi là ấm, quá đi thì gọi là nhiệt, là nóng; không đủ để đủ ấm thì gọi là hàn, là lạnh. Ngoài ra Đông Y còn chia ra nhiều thứ hỏa như hỏa hậu thiên và hỏa tiên thiên, hỏa hữu hình và hỏa vô hình.

Hỏa vô hình được chú trọng một cách triệt để. Đông y gọi là mạng môn hỏa, có nghĩa là hỏa của cửa ngõ lập mệnh. Đông y ví mạng môn hỏa đối với con người giống như ngọn đèn của “đèn kéo quân” vậy. Không mạng môn hỏa con người không hoạt động được cũng như “đèn kéo quân” không có sức nóng của ngọn đèn thì hình bóng không quay tròn được. Đó là một sự so sánh tuyệt diệu. Đông y thấy được, giả thiết được thế mà chưa thực nghiệm được để nhận chân mạng môn hỏa là gì và vị trí đích thực của hỏa, mặc dầu biết ở vùng thận. Cho nên gọi là hỏa vô hình. 

Hỏa rất quan trọng cho muôn loài vạn vật, không có hỏa thì thiếu đi sự sống, lạnh lẽo, ảm đạm, và u buồn. (Hình minh họa: Asaad Niazi/AFP via Getty Images)

Hỏa hậu thiên

Hỏa hậu thiên là thứ hỏa do biến dưỡng các tế bào và các cơ quan tạo ra. Cổ nhân bảo năm tạng đều có hỏa có nghĩa là tâm, gan, tì, phế, thận đều có hỏa. Thực ra không phải chỉ có năm tạng có hỏa mà tất cả các tế bào đều có hỏa. Ở đâu có biến dưỡng là ở đó có hỏa.

Trong điều kiện biến dưỡng căn bản, xếp theo thứ tự khả năng phát nhiệt của từng cơ tạng, chúng ta có:

Gan sản suất 20% nhiệt cơ thể
Não 15%
Tim 12%
Các bắp thịt vận động 25%
Phần còn lại cơ thể sản suất 28%

Với nhiệt lượng được sản xuất trên, trong điều kiện nghỉ ngơi, nhiệt độ cơ thể là 37 độ C, tương đương với 98 độ F. Không kể đến bắp thịt vận động và những bộ phận khác của cơ thể, gan là cơ quan sản xuất nhiệt nhiều nhất đối với ngũ tạng, vì gan là nơi phản ứng hóa học trong cơ thể đều bắt nguồn từ đó. Vì vậy mà gan dễ bị nóng, trong điều kiện bệnh lý nếu gan làm việc nhiều, nhiệt nhiều, nhiệt độ được gọi là nhiệt của hỏa.

Thứ đến là não chiếm 15% nhiệt cho nên dễ bị đau đầu lúc suy nghĩ nhiều. Tim cũng dễ bị nhiệt vì chiếm 15% nhiệt cơ thể. Hỏa có nhiều thứ như vậy, vì cơ thể bất cứ ở đâu và lúc nào cũng có sự đốt cháy thức ăn để tạo năng lượng. Lúc đốt cháy thức ăn cơ thể tạo nhiệt, nhiệt thoát được đi qua ra mồ hôi, hơi thở, nước tiểu… cho nên nhiệt càng nhiều, nước càng giảm. Hỏa càng nhiều, thủy càng giảm. Do vậy, hỏa dễ thừa, thủy dễ thiếu. Vì lẽ đó hàng ngày chúng ta uống nhiều hơn ăn. Dù quá giản dị, chúng ta có thể so sánh cơ thể như môt cái máy phát nhiệt, và nước làm cho hệ thống này nguội.

Ở trên là hỏa hữu hình là hỏa do biến dưỡng tạo nên, là hỏa do hỏa vô hình ,hỏa tiên thiên, gốc của hỏa kích thích sự biến dưỡng, như que diêm đánh vào hộp diêm để có lửa vậy. Mỗi tế bào là một hộp quẹt, que diêm ở đâu là hỏa vô hình ở đó. 

Hỏa tiên thiên

Người xưa cảm nhận được gốc của hỏa là gốc của sự biến dưỡng. Có mệnh danh cho hỏa là quân hỏa (tâm hỏa) và tướng hỏa (thận hỏa), tướng hỏa còn được gọi là mệnh môn hỏa nằm ở quả thận bên phải. Hải Thượng bảo mệnh môn hỏa nằm ở lỗ hổng của đốt xương sống nằm giữa hai thận, không hỏa thì chết. Thế mà cắt thận phải hoặc đục bỏ đốt xương sống giữa hai thận vẫn sống. như vậy hỏa không nằm ở thận phải, không nằm ở đốt xương sống giữa hai thận.

Riêng quân hỏa cũng không nằm ở tạng tâm (tim), tạng tâm không sản xuất hỏa, không phải hỏa vô hình, chỉ sử dụng năng lượng do biến dưỡng cung cấp, tâm không phải là hỏa mà là thuộc về hỏa, vì nhờ tâm, nhờ mạch tạng tâm mà ta biết hỏa thịnh hay suy trong cơ thể. Tâm biểu hiệu đặc tính của hỏa, cho nên người xưa gọi là Quân Hỏa.

Nói chung tâm hỏa, thận hỏa, mạng môn hỏa đều từ gốc của hỏa do sự biến dưỡng cung cấp tuy từng tạng phủ cần nhiều hay ít, tùy vào sự sử dụng năng lượng cần thiết để cơ thể hoạt động được nhịp nhàng và hữu hiệu mà tạng thận được mệnh danh là Tướng Hỏa, tạng tâm là Quân Hỏa. [hp]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *