Wednesday , December 6 2023

Hồ Ngọc Minh Đức trở thành chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Cũng như bao người dân miền Nam Việt Nam không thể sống chung với Cộng Sản, ngay khi biến cố 30 Tháng Tư, 1975, ập đến Sài Gòn, Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức nấn ná ở lại Cục An Ninh Quân Đội theo lệnh cấp trên, nhưng rồi Bộ Tư Lệnh Hải Quân không còn bóng dáng đồng đội, trong khi Cộng Sản thì đang tràn vào. Không còn cách nào khác, ông xuống bến Bạch Đằng, nơi gia đình và thân nhân đang chờ đợi.

Vượt biên trên chiếc tàu Đông Hải 1 với số lượng người tăng dần rồi lên đến trên 2,000 người và chờ tàu Mỹ đến cứu. Tuy nhiên, tàu Mỹ không thể bốc hết người sang tàu của họ được và bỏ lại tàu Đông Hải 1 chơ vơ trên biển.

Lúc đó dưới tàu ai cũng hoang mang không biết phải làm gì nữa. Vì chiếc Đông Hải quá cũ nên chạy rất chậm và máy móc chưa chắc an toàn để chở số lượng người quá đông để sang đến Singapore. Hơn nữa, trên tàu chỉ có một nhà vệ sinh, nên vấn đề đi vệ sinh rất phức tạp và sự đi lại cũng rất khó khăn, bắt đầu gây nhiều ô uế trên tàu. Lúc đó thì Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức mới lấy cờ hiệu hàng hải kéo lên với tín hiệu cờ SOS (tín hiệu cần cứu giúp).

Cứu thuyền nhân

Kể tiếp với phóng viên nhật báo Người Việt tại Westminster, ông chánh văn phòng An Ninh Hải Quân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở Sài Gòn nói: “Mọi người đều ở tầng trên con tàu. Lúc đó, tôi mới xuống phần dưới con tàu thì thấy rất trống trải. Vì lúc trước tôi có học về trọng lượng và sức chứa nặng cũng như sự cân bằng của một chiếc tàu, nên tôi biết lối kiến trúc của chiếc tàu này là phần dưới đáy tbáo Người Việtơn phần trên thì chiếc tàu mới được cân bằng khi chạy. Nhưng lúc đó thì phần trên con tàu quá nặng vì chứa quá nhiều người, còn thêm hành lý nữa, nên khi tàu chạy có thể bị lật khi gặp sóng lớn. Tuy tôi hiểu vậy, nhưng tôi cũng chưa được góp ý kiến với mọi người vì trên tàu đang có những người chỉ huy chiếc tàu này.”

“Hơn thế nữa, dưới tàu có một số cựu quân nhân VNCH cũng có súng đạn và cấp chỉ huy của họ bắt buộc chiếc tàu này phải đi về Thái Lan, bởi vì gia đình của ông đã đi đến Thái Lan rồi. Nhưng lúc đó tất cả mọi người có ý kiến là thành lập ra ban cố vấn để tìm cách đưa chiếc tàu Đông Hải 1 đi đến bến bờ tự do an toàn. Trong nhóm này có một vị sĩ quan VNCH cấp bậc đại tá. Lúc đó tôi đang ngồi im lặng, chỉ mặc đồ của Hải Quân và tôi đã lột lon của tôi xuống. Bỗng có người trong ban cố vấn chỉ tôi và nói: ‘Xin mời ông Trung Tá Hải Quân vào ban cố vấn để tìm cách đưa con tàu đi được an toàn.’ Tôi mới xác nhận với họ, tôi không phải cấp bậc trung tá, nhưng biết nhiều về cách sử dụng tàu đi trên biển. Và tôi nghĩ, khi tôi biết kéo cờ SOS nên họ mới cần đến tôi,” ông Đức kể thêm.

Lúc đó ông Đức mới nói với mọi người là phải lo sự an toàn của chiếc tàu Đông Hải 1 trước tiên, rồi mới tính đến chuyện phải đi về hướng nào. Ông Đức đề nghị phải cho một số người và hành lý xuống phần dưới của chiếc tàu để cho trọng lượng được cân bằng trước khi cho tàu chạy tiếp. Mọi người nghe theo và có số đông đã xuống phần dưới của chiếc tàu. Sau đó, ban cố vấn tàu đồng ý cho Hải Quân Hồ Ngọc Minh Đức quyền thuyền trưởng để đưa chiếc tàu Đông Hải 1 đến nơi an toàn.

Vì nếu đi về hướng Thái Lan thì rất nguy hiểm, có thể gặp nhóm Khmer Đỏ lúc nào cũng có hận thù với dân tộc Việt Nam, và đoàn thủy thủ tàu đã quen thuộc hành trình đi từ Việt Nam đến Singapore một cách an toàn, nên ông Đức đã đề nghị với mọi người là đi về hướng Singapore, và mọi người đã đồng ý.

Trước khi tàu chạy tiếp, ông Đức nói với mọi người nên rửa sạch vấn đề ô uế, và dùng cây ván để đóng thêm những nơi vệ sinh dã chiến, rồi mới tiếp tục cho tàu chạy về hướng Singapore.

Lúc đó trên tàu vẫn còn gạo và nước, nhưng không đủ cung cấp đầy đủ cho lượng người qua đông. Vì thế, trong hai ngày, mỗi người chỉ được một nửa chén cơm và một ít nước để chia sẻ với nhau trong sự sống còn, trước khi đến bến bờ tự do.

Ông Đức kể tiếp: “Tàu đi khoảng ba ngày trên biển thì có người đến báo cáo cho tôi biết là có người bị xỉu, vì họ quá mệt và đói khát, nhưng cũng may là đoàn người trên tàu có nhiều bác sĩ và dược sĩ cũng đi chung tàu, và họ đã có chuẩn bị mang theo một số thuốc, nên cứu được những người bị cảm bệnh và bị xỉu. Vì thế, chuyến vượt biên này gần như mạng sống của trên 2,000 người được thoát chết.”

Cập bến cảng Singapore

Ông Đức nói tiếp: “Sau hơn một tuần trên biển thì tàu đã gần đến Singapore. Khi cách cảng Singapore chừng 20 cây số thì những thủy thủ của tàu đã gọi cho người chủ tàu Đông Hải đang ở Singapore để chủ nhân của chiếc tàu này chỉ điểm cho chiếc Đông Hải 1 vào cửa của cảng Singapore nào. Khi bắt đầu vào cửa của cảng Singapore thì chúng tôi cho tàu chạy thẳng vào. Từ trong bờ hai chiếc tàu nhỏ của Cảnh Sát Singapore ra chận đường chiếc tàu của chúng tôi đang tiến vào.”

“Lúc đó tôi liền nghĩ nhanh là trên 2,000 người vừa mệt, vừa đói khát vì đã hơn một tuần lênh đênh trên biển, nếu chính phủ Singapore không cho cập bến thì đồng hương trên tàu rồi cũng sẽ chết rất nhiều, mà nếu mình cứ ủi tàu vào thì chắc chắn họ sẽ không giết dân của mình được, mà họ phải cứu sống. Nên lúc đó tôi đã quyết định cho chiếc Đông Hải 1 cứ chạy thẳng vào bến cảng, mặc dù họ vẫn cứ ngăn đường vào bằng hai chiếc tàu nhỏ. Thấy tàu của chúng tôi cứ lỳ tiến tới, nên hai chiếc tàu chận đường cũng dạt ra để cho chiếc Đông Hải 1 tiến vào,” ông kể tiếp.

“Cuối cùng thì chúng tôi cũng được cập bến Singapore, và đã có 27 chiếc tàu Đông Hải cũng đang ở đó. Không bao lâu thì có một chiếc tàu Hải Quân của Singapore chạy đến gần chiếc Đông Hải 1, thì bỗng trên tàu vượt biên có bà cụ già khoảng 80 tuổi đã nhảy xuống biển tự tử. Nhưng bà này được cảnh sát và lính của Singapore đến cứu bà kịp thời. Cùng lúc đó chiếc Hải Quân của họ cũng đến tàu của chúng tôi, và họ hỏi ai là thuyền trưởng, ai biết nói tiếng Anh, thì mọi người chỉ tôi là thuyền trưởng và cũng có ba giáo sư Anh Ngữ được họ mời đi cùng với tôi sang tàu Hải Quân Singapore để họp,” ông Đức kể thêm.

Trong cuộc họp, Hải Quân Singapore buộc ông Đức phải đưa người rời khỏi Singapore, nhưng ông Đức không đồng ý, và ông đề nghị với họ là phân tán những người tị nạn vào 27 chiếc tàu Đông Hải đang cập bến. Nhưng khi đưa người đến những chiếc tàu này thì những người trên những chiếc Đông Hải cũng không chịu nhận. Lúc đó, Hải Quân Singapore mới đưa nhóm bốn người của ông Đức gặp vị hồng y của Singapore và phái đoàn của chính phủ. Sau cùng, chính phủ quyết định cho khoảng 1,500 người tị nạn trên chiếc Đông Hải 1 đến tạm trú tại đảo Saint John, đảo này trước kia là trại tù chứa những tù nhân nghiện ma túy ở Singapore. Còn 500 người còn lại thì cứ ở trên tàu Đông Hải 1.

Chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ

Cuối cùng gia đình ông Đức được đưa sang tàu Blue Eagles của Singapore, chủ của chiếc tàu này cũng là chủ của những chiếc Đông Hải, và chuẩn bị sang Hồng Kông. Chính phủ Singapore nhờ chiếc Blue Eagles trước khi sang Hồng Kông đưa một số người tị nạn Việt Nam sang căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ Subic Bay (U.S. Naval Base Subic Bay) tại Philippines. Đoàn người tị nạn được đưa đi có gia đình của ông Hồ Ngọc Minh Đức.

Đầu Tháng Bảy, 1975, gia đình ông Đức được đưa sang đảo Guam. Đến cuối tháng thì được đưa về San Diego, California. Đầu năm 1977, gia đình ông Đức định cư tại Fullerton, California.

Năm 1999, sau khi hạ xong vụ Trần Trường treo cờ Cộng Sản Việt Nam tại Westminster, vài tháng sau, ông Frank G. Fry, thị trưởng Westminster, thông tin trên báo kêu gọi mời cộng đồng Việt Nam tại Orange County tiếp tay ông để lập một Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại Westminster. Lúc đó, ông thị trưởng đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch xây dựng tượng đài.

Thị Trưởng Frank G. Fry đã liên lạc với điêu khắc gia Nguyễn Tuấn, một số cựu sĩ quan Quân Lực VNCH và nhiều người khác. Họ đã chuẩn bị đồ án cấu trúc của tượng đài này, và chỉ còn cần tiền để xây dựng nên ông thị trưởng cần thành lập một ủy ban gây quỹ để thực hiện.

Ông Hồ Ngọc Minh Đức kể lại: “Tháng Bảy, 1999, một số đồng hương đã đến dự phiên họp để thành lập Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, tôi là một trong số những người đến dự phiên họp này. Đây cũng là niềm mơ ước của những người Việt tị nạn Cộng Sản để có nơi tưởng niệm những chiến sĩ VNCH và Hoa Kỳ đã hy sinh tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Sau phiên họp, tôi nhận được chức vụ Trưởng Ban Gây Quỹ để xây dựng tượng đài.”

“Đầu Tháng Mười, 1999, tôi đã tổ chức buổi gây quỹ đầu tiên tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster. Đêm đó rất thành công với số lượng đông đảo đồng hương đến dự. Sau đó, chúng tôi cũng tiếp tục những cuộc vận động gây quỹ khác. Nhưng chúng tôi không nhận tiền mặt mà chỉ nhận check mà thôi. Tuy nhiên, có một lần chúng tôi nhận tiền mặt trong đêm Giao Thừa 30 Tháng Mười Hai, 1999. Ca nhạc sĩ Nhật Trường và vợ là ca sĩ Mỹ Lan đã hợp tác với Ủy Ban Gây Quỹ thực hiện buổi ca nhạc tại khu phố Bolsa, thì đồng hương đã nhiệt tình đóng góp tiền mặt tùy theo lòng hảo tâm mỗi người cho công cuộc xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. Tối hôm đó, chúng tôi tụ lại trước khu chợ ABC Westminster để đếm tiền trước mặt đồng hương để sung vào quỹ Xây Dựng Tượng Đài,” ông Đức kể thêm.

Cũng theo ông Đức, sau đó Ủy Ban Gây Quỹ vẫn tiếp tục vận động những cuộc gây quỹ, và cũng có lên Bắc California để tổ chức đại nhạc hội để gây quỹ xây dựng tượng đài. Buổi đại nhạc hội gây quỹ này có sự hợp tác của nhạc sĩ Nam Lộc, ca sĩ Ngọc Minh và còn nhiều người khác.

Lúc 11 giờ sáng 27 Tháng Tư, 2003, đông đảo người Việt yêu chuộng tự do các nơi đã đổ về thành phố Westminster, California, để tham dự Lễ Khánh Thành Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ tại công viên Sid Goldstein Freedom Park, cạnh Tòa Thị Chính Westminster. Sau bảy năm vất vả làm việc của rất nhiều thiện nguyện viên cùng công sức và tài chánh quyên góp của đồng hương hải ngoại. Đây là Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ đầu tiên tại Hoa Kỳ, với hai lá cờ VNCH và Hoa Kỳ cùng tung bay bất cứ giờ phút nào.

Tượng đài này do điêu khắc gia Nguyễn Tuấn thực hiện, với chi phí của cộng đồng người Việt nhiều nơi quyên góp. Thị Trưởng Frank G. Fry cũng là chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, và ông cũng là một cựu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến trong Đệ Nhị Thế Chiến tại Âu Châu.

Thị Trưởng Frank G. Fry qua đời ngày 4 Tháng Mười Một, 2012. Sau đó, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Craig Mandeville lên nhậm chức chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, ông Hồ Ngọc Minh Đức được nhậm chức đệ nhất phó chủ tịch Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ.

Ngày 10 Tháng Tư, 2015, ông Craig Mandeville vì tình trạng sức khỏe đã từ chức chủ tịch và rời California để chuyển về Las Vegas, Nevada. Sau đó, Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài bỏ thăm để bầu chọn chủ tịch.

Đến ngày 16 Tháng Năm, 2015, Hải Quân Trung Úy Hồ Ngọc Minh Đức được Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài bầu chọn ông làm chủ tịch đời thứ ba của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ cho đến bây giờ. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

—–
Bài liên quan: 
Kỳ 1: Hồ Ngọc Minh Đức vào Hải Quân VNCH và cơ duyên học khóa đầu tiên OCS
Kỳ 2: Hồ Ngọc Minh Đức nhớ về Duyên Đoàn 33, An Ninh Hải Quân, và ngày cuối Tháng Tư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *