Saturday , September 23 2023

Hàng xuất cảng từ Việt Nam bị hàng loạt vụ kiện bán phá giá

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam bị các nước nhập cảng kiện hàng loạt, phần lớn bị cáo buộc bán phá giá, thiệt hại cho kỹ nghệ địa phương.

Bộ Công Thương đưa ra con số thống kê nói rằng nếu kể tới cuối Tháng Sáu, các loại hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam đã bị các nước khởi kiện tới 231 vụ, gọi chung là các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước nhập cảng nhằm bảo vệ các nhà sản xuất hàng hóa tương tự tại nước họ.

Các thùng hàng chuẩn bị được chuyển xuống tàu để xuất cảng tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

Nguồn tin nói trên liệt kê ra 128 vụ bị kiện với cáo buộc bán phá giá, 23 vụ việc chống trợ giá, 47 vụ tự vệ và 33 vụ việc chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước sở tại. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm nay, các loại hàng xuất cảng từ Việt Nam đã bị bốn vụ kiện, trong đó có ba vụ kiện bán phá giá và một vụ kiện “tự vệ.”

Vẫn theo nguồn tin trên, trong bốn vụ thì ba vụ do chính phủ Mỹ khởi kiện. Thị trường Mỹ là thị trường xuất cảng lớn nhất của các loại hàng hóa Việt Nam từ nông ngư sản phẩm, quần áo, giày dép đến sắt thép xây dựng, hàng điện tử. Riêng sáu tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất cảng số hàng hóa trị giá hơn $164 tỷ, trong đó xuất sang thị trường Mỹ được hơn $44 tỷ dù tình hình xuất cảng không được khả quan bằng năm ngoái.

Mỹ là thị trường xuất cảng nhiều hàng hóa nhất của Việt Nam nên cũng đối diện nhiều nhất với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong số các nước đã kiện, tính đến hết năm 2022, Mỹ đã kiện Việt Nam tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại, chiếm 23% tất cả các vụ kiện điều tra với hàng hóa từ Việt Nam.

Vì Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương với nhiều nước và khu vực nên ngày càng đối diện với các vụ kiện tụng sau khi các hàng rào thuế quan được dần dần dỡ bỏ, hàng xuất cảng gia tăng.

Không những hàng hóa từ Việt Nam bị kiện bán phá giá, một số loại hàng còn bị cáo buộc không phải là sản phẩm nội địa Việt Nam mà là hàng của nước khác “núp bóng” để tránh né thuế quan trừng phạt của Mỹ như đồ gỗ, sắt thép, quần áo… gọi chung là “lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.”

Tháng Tư vừa qua, trong một báo cáo gửi Quốc Hội, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư thú nhận xuất cảng hàng hóa của Việt Nam những năm qua đều phụ thuộc phần lớn vào các cơ sở sản xuất của giới tư bản nước ngoài. Còn các sản phẩm nội địa của Việt Nam thì “chậm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.” Trước đó, Bộ Công Thương cũng báo cáo tương tự với Quốc Hội.

Cả năm 2022 Việt Nam xuất cảng các loại hàng hóa trị giá hơn $371 tỷ thì 74% là từ khối sản xuất công nghệ của các hãng xưởng ngoại quốc sản xuất tại Việt Nam để xuất cảng, lợi dụng giá nhân công rẻ mạt. Các con số thống kê ấn tượng giúp Hà Nội tuyên truyền mị dân nhưng lợi nhuận lại chui vào túi tư bản ngoại quốc.

Các loại thép xuất cảng từ Việt Nam bị Mỹ điều tra bán phá giá. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Để giảm phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, nhiều cuộc họp, hội thảo đã từng được tổ chức với sự cố vấn của các định chế tài trợ quốc tế nhưng năm nào cũng vẫn thấy kêu ca và đề nghị. Rồi những cuộc họp “tháo gỡ khó khăn” và “đẩy mạnh sản xuất” vẫn chỉ là những lời hô hò và không thấy nền kinh tế gỡ được cái “vòng kim cô” phụ thuộc tư bản ngoại quốc.

Ba năm trước, ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế giảng dạy tại Đại Học Fulbright Việt Nam, phát biểu trong một cuộc hội thảo do Viện Chiến Lược Phát Triển của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư phối hợp với Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Ông thấy khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam “rất nhiều về số lượng” nhưng lại “yếu về chất lượng.” Nếu không cải thiện được vấn đề này thì “triển vọng kinh tế của Việt Nam 10 năm tới sẽ không thể sáng sủa.”

Cuối Tháng Hai, báo tài chính Nhật Nikkei dẫn nguồn từ Liên Đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay có đến 59% các doanh nghiệp được khảo sát nói thủ tục xuất cảng phiền hà và nạn vòi vĩnh hối lộ gây nhức đầu và thêm tốn kém cho doanh nghiệp, từ trước đến nay vẫn vậy. (TN) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *