BIỂN ĐÔNG, Việt Nam (NV) .- Các tàu Hải cảnh của Trung Quốc gia tăng tuần tra ở các vùng biển tranh chấp với các nước láng diềng trong năm 2022.
Bộ phận Sáng kiến minh bạch hàng hải Á châu (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington ngày 30 Tháng Giêng công bố bản phúc trình nói rằng càng ngày Trung Quốc càng đưa lực lượng Hải cảnh tuần tra gần như thường trực ở các khu vực tranh chấp trong năm 2022.
Bênh cạnh các tàu Hải cảnh cỡ lớn của họ còn có một lực lượng đông đảo tàu dân quân biển, tuy là tàu đánh cá vỏ sắt nhưng không đánh cá mà làm nhiệm vụ tai mắt cho Hải cảnh và tàu quân sự Trung Quốc. Theo AMTI, điều đó chứng tỏ quyết tâm của họ kiểm soát vùng biển rộng lớn trong phạm vi “Lưỡi bò” mà họ tuyên bố chủ quyền dù không được nước nào công nhận.
Tổ chức AMTI phân tích dữ liệu định vị tự động quốc tế (AIS) của tàu biển các nước suốt cả năm 2022 thấy rằng 5 vùng biển trên Biển Đông thuộc đặc quyền kinh tế của các nước khác, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), nhưng Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố chủ quyền, có tàu Hải cảnh tuần tiễu thường trực.
Năm khu vực đó là Second Thomas Shoal (Việt Nam gọi là bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, cách Palawan của Phi gần 200km); Luconia Shoals (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia); Scarborough Shoal (bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa cách khu vực Luzon của Phi lối 220km ); Vanguard Bank (bãi Tư Chính, cách Vũng Tàu khoảng 160km), and Thitu Island (đảo Thị Tứ ở Trường Sa đang do Phi Luật Tân trấn giữ).
Theo AMTI, so sánh dữ liệu năm 2022 với dữ liệu ghi nhận năm 2021, sự hiện diện của lực lượng Trung Quốc ở các khu vực kể trên đã gia tăng gấp bội.
Tại khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam có một số nhà dàn DK và một hải đăng duy trì sự hiện diện thường trực. Đồng thời cũng có các hoạt động khai thác dầu khí tại các mỏ Lan Tây (Lô 06.1) và mỏ Hải Thạch (Lô 05.2). Năm 2018, Hà Nội đã phải bồi thường khoảng 1 tỉ đô la cho công ty dò tìm dầu khí Rapsol khi buộc họ dừng ngang hoạt động tại lô 07.03 (dự án Cá Rồng Đỏ) trước sự đe dọa của Bắc Kinh.
AMTI nói rằng số ngày mà Hải cảnh Trung Quốc tuần tiễu ở bãi Tư Chính từ 142 ngày hồi năm 2020 lên đến 310 ngày trong năm 2022. Hải cảnh Trung Quốc tuần tiễu khu vực bãi Cỏ Mây gia tăng từ 232 ngày năm 2020 lên tới 279 ngày năm 2022. Tại đây, Phi có một đơn vị trấn giữ trên chiếc tàu vận tải biển BRP Sierra Madre. Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần cản trở tàu tiếp liệu của Phi tiếp cận.
Hải cảnh Trung Quốc gia tăng tuần tiễu tại khu vực Luconia Shoals, nơi có các hoạt động dầu khí quan trọng của Malaysia, từ 279 hồi năm 2020 lên tới 316 ngày trong năm 2022. Còn tại khu vực Scarborough Shoal, nơi ngư dân Phi đánh cá thường xuyên thì sự hiện diện cả Hải cảnh Trung Quốc cũng tăng từ 287 ngày lên tới 344 ngày trong năm 2022. Nơi đây, không phải chỉ có một tàu Hải cảnh mà nhiều tàu cùng tới đây một lúc.
Thật sự, các dữ liệu của tổ chức AIS có thể không đầy đủ vì nhiều khi tàu Trung Quốc tắt máy định vị để che giấu tung tích. Sự có mặt của các tàu Hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp với các nước khu vực còn nhiều hơn nhiều khi các tín hiệu hiện diện không được vệ tinh của AIS ghi nhận.
Nhiều khi tàu Hải Cảnh Trung Quốc còn đánh lừa cả AIS khi phát tính hiệu của tàu đánh cá trong khi thật sự đó là tàu Hải cảnh Lớp Zhaojun dài 101 mét, AMTI cho hay. Tin tức mấy năm vừa qua trên một số mạng tại Việt Nam nói rằng nhiều khi tàu Hải cảnh Trung Quốc tiến rất gần đến các giàn khai thác dầu khí của Việt Nam như để đe dọa.
Theo AMTI, khi các nước khu vực hiện diện và hoạt động của họ ở khu vực Trường Sa trong năm 2023 và sự hiện diện của lực lượng Hải cảnh cùng dân quân biển Trung Quốc ngày một nhiều hơn, các cuộc đối đầu khó tránh xảy ra.(TN)