Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Đông đảo ca nghệ sĩ và đồng hương đến dự Lễ Giỗ Tổ Ngành Sân Khấu 2024 vào tối Thứ Năm, 19 Tháng Chín, tại đài truyền hình Asian World Media (AWM), Westminster.
Giỗ Tổ Ngành Sân Khấu thường được tổ chức vào ba ngày 11, 12 và 13 Tháng Tám Âm Lịch, nhằm tưởng nhớ đến những vị Thánh Tổ của ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại. Đây là một nghi lễ văn hóa gắn liền với tín ngưỡng truyền thống nghệ thuật Việt Nam.
Những ngày tổ chức Lễ Giỗ Tổ Ngành Sân Khấu cũng được gọi là Tết Nghệ Sĩ, vì đây là dịp để các nghệ nhân Việt Nam từ khắp nơi tề tựu tại những địa điểm tổ chức mừng Giỗ Tổ, để thắp lên nén hương kính tổ và xin Tổ Nghiệp phù hộ nhiều điều may mắn cũng như việc ca diễn mỗi ngày được thăng hoa hơn.
Các vị tổ nghề sân khấu gồm nhiều người có công lớn sáng lập và truyền bá nghệ thuật ca diễn, vì họ đã có công tạo ra ngành nghề này. Và họ được dân gian xưng tụng là Tổ Nghề. Rồi từ đó cho đến bây giờ, các thế hệ nghệ sĩ hậu sinh đã tôn trọng, duy trì ngành nghề này và cuộc sống của họ lúc nào cũng gắn liền với Tổ Nghiệp.
Trên sân khấu lộng lẫy của đài truyền hình AWM, ban tổ chức trang trọng đặt bài vị của Tam Vị Thánh Tổ cùng 12 vị tổ “Thập Nhị Công Nghệ” gồm kỹ, nông, công, thương, ngư, tiều, canh, mục, y, sư, bốc, lý là 12 ngành nghề quan trọng trong xã hội. Cũng nhờ các vị này, hằng năm đều có Lễ Giỗ Tổ Ngành Sân Khấu.
Lễ Cung Nghinh Tam Vị Thánh Tổ rất trang trọng, với ban Hầu Lễ Dâng Hương Cúng Tổ.
Trong phần nhập lễ đầu tiên, hàng đầu là chánh tế Nguyễn Hùng và nghệ sĩ Đỗ Thanh, trưởng ban tổ chức, và các nghệ sĩ hầu lễ từ từ tiến lên sân khấu trong những hồi chiêng trống vang rền.
Sau đó, nghệ sĩ Nguyễn Hùng và Đỗ Thanh trang trọng thắp hương khấn vái trước bàn thờ Tổ Nghiệp.
Trước bàn thờ, nghệ sĩ Đỗ Thanh nói: “Ca nghệ sĩ chúng tôi tề tựu về đây để dâng lên Tổ Nghiệp hương hoa, trà quả cùng lễ vật và lòng thành kính. Chúng tôi nghiêng mình trước các bậc tiền nhân đã có công gây dựng nên các ngành nghề trên sân khấu, và thể hiện lòng thành kính trong tinh thần ‘Uống nước nhớ nguồn.’ Kính thỉnh xin các bậc Tổ Nghiệp tiến bối hộ trì cho các anh chị em ca nghệ sĩ tại Little Saigon và nhiều nơi khác được nhiều phúc lộc may mắn khi hành nghiệp, và được nhiều thăng hoa trên hành trình ca diễn.”
Sau đó, các nghệ sĩ và đồng hương đến thắp hương, khấn vái trước bàn thờ Tổ Nghiệp.
Sau nghi thức dâng hương cúng Tổ là kịch bản “Nối Nghiệp Cội Nguồn” do ban Cổ Nhạc Phương Nam trình diễn. Nội dung của kịch bản này là từ tấm lòng thành kính của các nghệ sĩ dâng lên Tổ Nghiệp những lời ca, tiếng nhạc để cám ơn Tổ Nghiệp đã đãi ngộ các ca nghệ sĩ được thăng tiến trên bước đường phục vụ nghệ thuật.
Buổi giỗ tổ có sự hiện diện của các nghệ nhân lão thành và những nghệ sĩ nhiều tuổi nghề sân khấu.
Diễn viên điện ảnh Trần Quang nói: “Những người nghệ sĩ được sinh ra đời, đó là do Tổ Nghiệp cho họ có khả năng và chí hướng phục vụ quần chúng trên bước đường nghệ thuật. Và chính Tổ Nghiệp đã tạo cái duyên gặp gỡ giữa nghệ sĩ và khán giả, đó là cơ hội để cho nghệ sĩ được vươn lên trong quần chúng.”
Nghệ sĩ Bảo Quốc tâm tình: “Tôi có bàn thờ Tổ Nghiệp tại nhà mình, và ngày nào chúng tôi cũng đều thắp hương tri ân Tổ Nghiệp. Nhưng đến ngày Giỗ Tổ thì nghệ sĩ chúng tôi tụ họp lại với nhau để hàn huyên tâm sự, nhằm trao đổi những kinh nghiệm trong nghề nghiệp của mình, là làm sao cho được tốt hơn để không phụ lòng Tổ Nghiệp và khán giả.”
Bà bầu Thúy Uyển cũng có mặt, và bà đã cầu xin Tổ Nghiệp phù hộ cho các ca nghệ sĩ được vạn sự tốt lành trên đường dấn thân vào nghề ca hát.
Ông Lê Bá Chư, giám đốc Trung Tâm Giáng Ngọc, nói: “Nhân ngày Giỗ Tổ Nghiệp, cầu xin Tổ giúp cho các ca nghệ sĩ được dồi dào sức khỏe để phục vụ khán giả, và nghề nghiệp của mình ngày càng thăng hoa. Đồng thời, cũng xin Tổ Nghiệp giúp cho các anh chị em ca nghệ sĩ luôn thương mến và giúp đỡ cho nhau trên bước đường phục vụ nghệ thuật.”
Sau khi ngỏ lời cám ơn khán giả, ca sĩ Hương Lan khấn với Tổ Nghiệp: “Cám ơn Tổ đã cho chúng con nghiệp vĩ, và đã phù hộ cho chúng con lúc nào cũng có giọng hát hay và diễn xuất duyên dáng để được khán giả yêu thích. Cầu xin Tổ thương yêu và ban cho chúng con sức khỏe dồi dào, thành công trên mọi lãnh vực và cho chúng con lúc nào cũng hát hay hơn nữa.”
Trải qua hơn thế kỷ của ngành ca diễn trong dân gian cũng như dưới ánh đèn sân khấu, nghệ thuật ca diễn đã được các ngành nghề khác có liên quan đến nghề ca diễn, như hóa trang, họa sĩ, nhạc sĩ, soạn kịch bản, nhiếp ảnh, thợ mộc, thợ may… Họ đều tôn trọng Tổ Nghiệp Sân Khấu cũng là vị Tổ Nghiệp của mình.
Lễ Giỗ Tổ Nghiệp Sân Khấu được bắt đầu từ năm 1948, cho đến những năm trong thập niên 1960, thì nền tân nhạc Việt Nam bắt đầu được khởi sắc tại miền Nam Việt Nam. Rồi cũng kể từ đó, các ca sĩ, các diễn viên điện ảnh, kịch và nhiều ngành nghề có liên quan đến sân khấu, họ đều kính trọng và biết ơn Tổ Nghiệp Ngành Sân Khấu là vị Tổ Nghiệp của họ.
Không gian có lúc trầm lặng trang nghiêm trong khi ban tổ chức thực hành nghi thức cúng Tổ Nghiệp. Trong chương trình văn nghệ, qua ánh đèn màu rực rỡ của sân khấu AWM, các ca nghệ sĩ đã bừng dậy sôi động qua những trích đoạn cải lương, múa, hát… rất nhiệt tình trong live show thu hình của đài truyền hình Asian World Media, Westminster.
Trong cuộc sống trên xứ người, mỗi nghệ nhân sân khấu đều có những sự việc phải lo toan trong nhiều ngành nghề. Vì lòng kính yêu và cảm ơn Tổ Nghiệp, họ đã hội tụ về Little Saigon để cúng Tổ Ngành Sân Khấu 2024. Đây là một truyền thống văn hóa bất khuất của các ngành ca diễn, trong tinh thần uống nước nhớ nguồn, và phục vụ khán giả. [đ.d.]