Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại họp mặt thường niên vào sáng Thứ Bảy, 21 Tháng Chín, tại nhà hàng White Palace, Westminster, trong không khí thân tình, ấm cúng tình thầy trò của nhiều thế hệ.
Sư Phạm Sài Gòn ngày xưa được các chính phủ Đệ I và Đệ II Cộng Hòa rất quan tâm. Ngay từ khi mới về nước thành lập chính phủ, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm đã nghĩ ngay đến một nền giáo dục sao cho thích hợp với hoàn cảnh đất nước bị phân chia (1954), một nửa nước mới được Pháp trao trả toàn quyền, nên việc tổ chức lại nền giáo dục quốc gia Việt Nam rất là quan trọng.
Một trong những mục tiêu của chính phủ khi ấy là phải gấp rút xây cất trường học, cũng như đào tạo cấp thời hàng ngũ giáo chức. Giáo chức lúc này phải là những cán bộ của đất nước, nghĩa là họ phải có ý thức sâu sắc về nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với tương lai đất nước, trong ngành chuyên môn “gõ đầu trẻ”của mình.
Do đó, các khóa Sư Phạm Cấp Tốc đã được mở ra trong những năm đầu để nhanh chóng trong vòng một vài năm có thể đáp ứng tạm thời cho nhu cầu giáo dục ở miền Nam đang được phát triển, và số học sinh gia tăng. Từ sau năm 1954 cho đến năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã đào tạo được 13 khóa Sư Phạm Sài Gòn.
Sơ lược về sự thành lập Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại, cựu Giáo Sư Dương Ngọc Sum, dạy ở trường từ năm 1971 đến năm 1975, cho hay: “Sau năm 1975, một số anh em chúng tôi được ra hải ngoại, nhưng cũng có rất nhiều giáo chức còn kẹt lại quê nhà. Tại hải ngoại, khởi đầu, chúng tôi mới họp nhau lại thành một nhóm nhỏ chung góp với nhau một ít ngân khoản để gửi về cứu giúp anh em còn ở lại Việt Nam. Việc làm của chúng tôi dần dần được anh chị em giáo sinh các khóa Sư Phạm biết đến và tham gia đông đảo. Thế là Gia Ðình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại được thành hình vào khoảng năm 1977.”
Ông Trần Quốc Dũng, giáo sinh Khóa 11, trưởng ban tổ chức, cho hay: “Kể từ năm 1977 thì hàng năm chúng tôi đều có tổ chức họp mặt của Gia Đình Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại, nhưng bị gián đoạn hết ba năm vì đại dịch COVID-19. Đến năm 2023 chúng tôi mới họp mặt lại. Cho đến bây giờ thì tổng số giáo sinh của 13 khóa Sư Phạm Sài Gòn tại Little Saigon và những vùng phụ cận chỉ còn khoảng 100 người, vì có nhiều người đã ra đi vĩnh viễn do định luật của thơi gian, số còn lại của chúng tôi thì nhỏ nhất cũng đã gần 70 tuổi rồi. Tuy những buổi họp mặt sau này số người tham dự không là bao nhiêu, nhưng vẫn ấm cúng trong tình đồng môn và tình thầy trò muôn thuở.”
Cựu Giáo Sư Nguyễn Duy Linh, dạy tại trường từ năm 1963 đến năm 1975, kể: “Ngày xưa, trường Sư Phạm Sài Gòn chuyên đào luyện các giáo chức Cấp 1, nhưng chương trình đào luyện rất bài bản. Từ ngày thành lập cho đến năm 1975 tổng cộng là 19 năm. Đầu tiên, trường tên là Quốc Gia Sư Phạm. Lúc đó các tuyển sinh phải có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp rồi mới được trường đào luyện ba năm. Sau đó, trường mới đổi tên là trường Sư Phạm Sài Gòn. Lúc bấy giờ, các tuyển sinh phải có Tú Tài Nhất và được đào luyện hai năm.”
Cũng theo cựu Giáo Sư Nguyễn Duy Linh, cho đến khi Bộ Giáo Dục VNCH bỏ đi Tú Tài Nhất, và chỉ cho các học sinh thi Tú Tài Hai mà thôi thì các giáo sinh muốn vào học trường Sư Phạm bắt buộc phải có Tú Tài Hai và được trường đào tạo hai năm để được trở thành giáo viên của bậc tiểu học. Vì thế các thầy cô giáo ngày xưa khi được tốt nghiệp nghề giáo chức thì trình độ của họ rất cao. Tuy thế, nhưng cũng có những giáo viên mới ra trường thì họ lại tiếp tục con đường học vấn của mình trong ngưỡng cửa đại học như Văn Khoa, Luật, Kỹ Thuật, Kiến Trúc…
Ông nói tiếp: “Nguyên lý về nền giáo dục của VNCH là dân tộc, nhân bản và khai phóng. Những sinh viên của trường Sư Phạm Sài Gòn được đào luyện với trình độ kiến thức như thế, thì tôi có thể khẳng định rằng, những giáo chức ngày xưa được đào tạo rất đầy đủ kiến thức để trở thành những thầy cô giáo của chính phủ VNCH.”
Cựu Giáo Sư Nguyễn Tử Quý cũng có mặt.
Ông nói: “Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học, vì thế khi sang đây, các con cháu của chúng ta cũng đã có nhiều người được thành danh trong học vấn. Xin chúc mọi người được khỏe mạnh và tiếp tục gìn giữ truyền thống hiếu học của dân tộc Việt trên xứ người.”
Bà Trần Ngọc Đào, giáo sinh Khóa 11, thành viên ban tổ chức, vui vẻ nhắc lại chuyện xưa.
Bà kể: “Đặc biệt trong Khóa 11 của chúng tôi là rơi vào năm Mùa Hè Đỏ Lửa, cho nên các bạn trai vào nhập học khóa này rất nhiều. Có nhiều anh bạn học tâm sự rằng, vào học ngành Sư Phạm để sau ngày ra trường được trở thành giáo chức, và sẽ không đi lính. Vì thế Khóa 11 Sư Phạm Sài Gòn chúng tôi các giáo sinh nam nhiều hơn nữ.”
Bà Huỳnh Thanh Loan, sinh viên Sư Phạm Cấp Tốc Khóa 1 đầu tiên, sau đó dạy học từ năm 1956 đến năm 1989, và được định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1991.
Bà nhớ lại: “Gia đình chúng tôi là gia đình giáo chức. Ngày xưa, ông nội tôi là thầy giáo, cha tôi cũng là thầy giáo, rồi sau đó ông được làm trưởng Ty Tiểu Học Mộc Hóa, và mấy đứa em của tôi sau này cũng là thầy cô giáo. Đồng thời, tôi có hai đứa con gái cũng là cựu giáo sinh của Khóa 7 Sư Phạm Sài Gòn. Còn nói về bên chồng của tôi, thì cha chồng, mẹ chồng cũng là thầy cô giáo. Hôm nay, tôi rất vui khi gặp lại những đồng môn của mình, đó là điều rất may mắn trong tuổi xế chiều.”
Các thành viên trong ban tổ chức gồm có ông Trần Quốc Dũng (Khóa 11), bà Lê Minh Phú (Khóa 5), bà Trần Ngọc Đào (Khóa 11), và nhiều người khác.
Điều hợp chương trình các MC Nguyễn Văn Khanh (Khóa 10), Kiều Nguyễn (Khóa 13) và Phan Bích Thủy (Khóa 5).
Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” do cựu giáo sinh của 13 khóa đóng góp. Đặc biệt với sự hiện diện của nghệ sĩ Trần Tường Nguyên (Hải Đệ), cựu giáo sinh Khóa 9, đóng góp chương trình văn nghệ qua trích đoạn Hát Bội “Cao Hoài Đức Đi Tuần.” [đ.d.]