GENEVA, Thụy Sĩ (NV) – CSVN vẫn tiếp tục đàn áp nhân quyền cho thấy họ không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Ngày Thứ Sáu 27 Tháng Chín, đại diện Liên đoàn quốc tế Nhân quyền (FIDH) nhận định như vậy trong phiên họp cùng ngày của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại trụ sở Geneva, Thụy Sĩ. Đây là phiên họp định kỳ về báo cáo thành tích nhân quyền và trả lời của các nước thành viên trước những cáo buộc.
Trong bài phát biểu tại phiên họp kể trên, đại diện FIDH nói rằng tổ chức của họ cũng như Ủy ban Nhân quyền về Việt Nam vô cùng phẫn nộ trước hành vi của nhà cầm quyền Hà Nội trong giai đoạn kiểm định định kỳ về nhân quyền hiện tại. Hành sử như vậy không xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, chứng tỏ họ nhất định theo đuổi con đường đàn áp xã hội dân sự độc lập sang đến kỳ kiểm định sắp tới.
Tháng Mười 2022, Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ cho nhiệm kỳ 2 năm 2023-2025 nhờ sự vận động toa rập bỏ phiếu của rất nhiều nước cũng không tôn trọng nhân quyền như chế độ Hà Nội.
FIDH cáo buộc rằng việc CSVN chỉ chấp nhận toàn thể hoặc một phần của 85% các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền từ cuộc kiểm định trước, giống như lừa gạt người ta. Cái ma mãnh của CSVN nằm trong chi tiết mà họ bác bỏ tất cả các khuyến nghị liên quan đến quyền chính trị và dân sự là vô cùng đáng quan tâm.
CSVN đã được Hội đồng Nhân quyền LHQ thúc giục sửa đổi hoạc hủy bỏ các điều khoản Luật hình sự, gồm cả các Điều 117 (Tuyên truyền chống nhà nước…) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…). Những điều luật này thường xuyên dùng để bỏ tù các cá nhân dù người ta chỉ hành động theo đúng quyền công dân đã không được Hà Nội chấp nhận.
Chính những điều luật nhân danh “an ninh quốc gia” đó là nền tảng trong chính sách đàn áp nhân quyền của nhà nước CSVN. Chỉ kể từ đầu năm 2024 đến nay, theo FIDH, ít nhất đã có 26 cá nhân, trong đó có 4 phụ nữ, đã bị kết án tù mà có người bị tới 14 năm tù tại Việt Nam theo các động cơ chính trị của nhà cầm quyền và qua các phiên tòa xét xử bất công. Hầu hết đều bị kết án theo các điều 117 và 331.
“Trả thù những người bảo vệ nhân quyền, sự tồn tại các tù nhân chính trị cũng như các cuộc đàn áp các thành viên trong xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo không được nhà nước công nhận, là sự thật hiển nhiên. Đó không phải như nhà cầm quyền Hà Nội chống chế là “không chính xác và nhận định vô căn cứ” , FIDH trình bày trong phiên kiểm định nói trên.
Theo FIDH, sách nhiễu các người hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng như gia đình họ, tiếp diễn không giảm xuống. Nhà cầm quyền CSVN hiện đang giam giữ khoảng 200 tù chính trị mà ít ngày nữa, có thêm ông Y Quynh Bdap hiện đang tị nạn ở Thái Lan và có thể bị trục xuất về Việt Nam theo sự đòi hỏi của Hà Nội.
Các tù nhân chính trị như luật sư môi trường Đặng Đình Bách vẫn bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt. Theo đó, họ đã bị biệt giam kéo dài nhiều ngày và bị từ chối các chữa trị y tế cần thiết.
“Chúng tôi rất phiền muộn khi nhà nước CSVN từ chối sửa đổi theo tất cả những điều đã được khuyến nghị là trả tự do cho các cá nhân, gồm cả những ai lên tiếng bảo vệ nhân quyền, mà chỉ vì vậy, sự tự do của họ bị tước đoạt”, theo FIHD.
Thêm nữa, FIHD nói rằng CSVN bác bỏ gần hết các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền về chấm dứt án tử hình. FIHD thúc giục thành viên LHQ áp lực để chế độ Hà Nội trả tự do cho tất cả các tù chính trị, chấm dứt các vi phạm nhân quyền và cải cách thể chế, luật pháp theo hướng dân chủ hóa đất nước. Trước những lời kêu gọi như vậy, CSVN luôn luôn giả mù giả điếc.
Điều trơ trẽn là, khi phát biểu tại phiên họp khoáng đại LHQ ngày 24 Tháng Chín mới đây, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước CSVN Tô Lâm vẫn hô hào “đặt con người ở vị trí trung tâm chủ thể để hiện thực hóa các tầm nhìn. Lấy người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách và hành động ở tất cả các cấp độ”. Lời nói và hành động của các lãnh tụ CSVN luôn luôn trái ngược nhau.
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (tiếng Pháp: Fédération internationale pour les droits humains – FIDH) là một trong những tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế kỳ cựu nhất được thành lập từ năm 1922, hiện có 192 thành viên tại 112 nước trên thế giới. Đây là một tố chức không đảng phái, phi chính phủ, trụ sở ở Paris, Pháp.(NTB)