HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Điều nghịch lý là ngành du lịch Việt Nam mỗi năm nhận được nhiều giải thưởng uy tín thế giới, áp đảo các quốc gia trong khu vực nhưng lượng khách quốc tế lại không bằng.
Báo VNExpress hôm 2 Tháng Mười ghi nhận, trong số gần 150 giải được công bố tại Giải Thưởng Du Lịch Thế Giới (WTA), hạng mục hàng đầu Châu Á 2024, Việt Nam đạt hơn 50 giải, chiếm hơn 30%.
Trong khi đó, số lượng giải thưởng của Singapore và Malaysia là bảy, Thái Lan năm, chỉ bằng 1/7-1/10 của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, cục trưởng Du Lịch Việt Nam, khẳng định WTA là giải thưởng uy tín của ngành du lịch toàn cầu. Các giải thưởng cho thấy “sự yêu mến của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.”
Ngoài giải thưởng WTA, Việt Nam cũng được nhiều tổ chức quốc tế, hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch nổi tiếng như CNN, Travel&Leisure, The Travel, Wanderlust, Tripadvisor nhiều lần vinh danh về ẩm thực, điểm đến, cảnh quan.
Thế nhưng, trong tám tháng đầu năm 2024, Việt Nam chỉ đón hơn 11.4 triệu lượt khách quốc tế. Trong khi cùng giai đoạn, lượng khách quốc tế đến Thái Lan gần 22 triệu lượt, Singapore hơn 11.3 triệu lượt.
Hồi năm 2023, Việt Nam cũng đạt số lượng giải tương tự, nhưng quán quân về lượng khách lại là Malaysia với 29 triệu lượt. Thái Lan đứng thứ hai với hơn 28 triệu lượt, tiếp đến là Singapore với 13.6 triệu lượt.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, giám đốc điều hành AZA Travel, cho rằng Việt Nam càng nhận nhiều giải thưởng mang lại danh tiếng cho đất nước trên bản đồ thế giới, thì nó cũng đem về những thách thức, nhiều áp lực.
“Nó giống như tính hai mặt của tấm huy chương,” ông Đạt nhận định.
Theo ông Đạt, khi khách quốc tế muốn đến Việt Nam, họ sẽ tìm kiếm thông tin trên mạng Internet. Thông tin ban đầu hiện ra là địa danh của Việt Nam gắn liền với giải thưởng, những cái nhất hay các khách sạn được vinh danh. Nhưng khi khách nghiên cứu sâu hơn về các điểm đến để tìm kiếm trải nghiệm, những gì họ tìm thấy có thể là “mặt tối” như ô nhiễm môi trường, chèo kéo khách du lịch, chặt chém, giải trí đêm nghèo nàn. Khi đó, các giải thưởng Việt Nam đạt được lại trở thành điểm yếu vì danh tiếng khác xa hiện thực.
Ông Đạt cũng cho rằng không nên “há miệng chờ sung” mà cần có các kế hoạch, chiến lược quảng bá cụ thể để tận dụng các giải thưởng này nhằm truyền thông cho du khách toàn thế giới.
“Không bàn đến giải thưởng nữa, điều chúng ta cần bàn là nên làm gì tiếp theo sau khi nhận giải,” ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch Lửa Việt Tour, nói và nhấn mạnh thêm rằng nên “bớt hô hào, bớt tham gia giải thưởng lại,” vì khách đến Việt Nam không phải vì giải thưởng. Họ đến Việt Nam phần lớn vì bạn bè đi về giới thiệu lại, hoặc trên các phương tiện truyền thông.
Trước hết, muốn khách đến Việt Nam đông, đặc biệt là khách Nhật, Châu Âu, cần phải dọn dẹp rác thải, giải quyết ô nhiễm tiếng ồn, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
“Không ai muốn đến nơi dễ bị ngộ độc thực phẩm, rác đầy đường,” ông Mỹ khẳng định.
Tiếp đến, Việt Nam cần định vị là điểm đến an toàn, thân thiện. Vấn đề thân thiện cần cải thiện ở khu vực cửa khẩu biên giới – nơi đầu tiên khách sẽ tiếp xúc với người Việt.
“Hải quan, an ninh phi trường, công an cửa khẩu cần tươi cười niềm nở chào đón khách, giúp Việt Nam ghi điểm trong mắt khách quốc tế,” ông Mỹ gợi ý.
Ông Đạt ví các giải thưởng giống như “nước sơn,” nếu gỗ không tốt thì nước sơn đẹp đến mấy cũng vô dụng. Ngoài “cái tiếng” được vinh danh trên trường quốc tế, ngành du lịch và cả người dân Việt Nam cần tạo ra các trải nghiệm tốt đẹp cho du khách. (Tr.N)