Tuesday , September 10 2024

Đông y chữa lục dâm

Bác Sĩ Đặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm Cứu và Đông Dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Đông Dược và muốn góp ý cho kho tàng Đông Dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 714-0564 office và (714) 553-6183 cell.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Lục dâm có thể là lục tà, gồm sáu tà khí là phong, hàn, thử, thấp, táo, nhiệt. Tà khí ở ngoài cơ thể. Tà khí khác với chính khí. Chính khí là khí lực của cơ thể.

Với lục dâm: phong là gió, hàn là lạnh, thử là nắng, thấp là ẩm ướt, táo là khô, nhiệt là nóng.

Đối với Đông y chữ phong có nhiều nghĩa: phong là gió như trúng phong, phong là bệnh như phong thấp là bệnh thấp. Hai chữ phong này đều có nghĩa là gió: gió tạo bệnh như cảm mạo phong, trúng phong; gió mang bệnh tới như phong thấp, phong đòn gánh…

Phong là gió

Gió thuộc mộc, thuộc mùa Xuân, thuộc khí huyết âm. Đối với ngũ tạng thuộc gan và mật thuộc hai kinh Túc Quyết Âm và Túc Thiếu Dương. Bệnh do phong gồm mạo phong, thượng phong và trúng phong.

-Mạo phong: phong tà phạm vào kinh Túc Thiếu Dương, bệnh nhân ho hen, sổ mũi…

-Thượng phong: phong tà phạm vào kinh Túc Thiếu Dương gây ho hen, đau đầu, đắng miệng…

-Trúng phong: phong tà phạm vào kinh Túc Quyết Âm (gan), bệnh nhân co quắp, cứng đơ, cấm khẩu, kích ngất…

Mùa Xuân thuộc phong, nảy nở nhiều phấn hoa, côn trùng sinh sôi kể cả vi trùng và siêu vi… Hệ thống miễn nhiễm yếu đi dễ bị cảm nhiễm.

Hàn là lạnh

Lạnh thuộc hành thủy, thuộc mùa Đông, thuộc khí thái dương, với lục phủ ngũ tạng thuộc thận và bàng quang. Cảm nhiễm hàn tà gồm mạo hàn, thương hàn và trúng hàn.

-Mạo hàn: hàn tà phạm vào kinh Túc thái Dương (bàng quang).

-Thương hàn: hàn tà phạm vao kinh Túc Thái Dương.

-Trúng hàn: hàn tà phạm vào kinh Túc Thiếu Âm (thận).

Cảnh Nhạc nói phong tới trước rồi hàn tới sau. Phong nhẹ mà hàn nặng.

Thử là nắng

Nắng thuộc hỏa, thuộc khí thiếu âm, ngũ tạng lục phủ thuộc tâm tiểu trường.

-Mạo thử: thử tà phần gần kinh Thủ Thái Dương (tiểu trường).

-Thương thử: thử tà phạm vào kinh Thủ Thái Dương.

-Trúng thử: thử tà phạm vào kinh Thủ Thiếu Âm (tâm).

Thấp là ẩm ướt

Thuộc thổ: thuộc khí thái âm, ngũ tạng, lục phủ thuộc tỳ và vị.

-Mạo thấp: thấp tà phạm gần kinh Túc Dương Minh (vị).

-Thương thấp: thấp tà phạm vào kinh Túc Dương Minh.

-Trúng thấp: thấp tà phạm vào kinh Túc Thái Âm (tỳ).

Táo là khô ráo

Có thể do phong mà táo, do hàm mà táo, do nhiệt mà táo. Tất cả đều do huyết hư mà táo, do thủy hư đưa đến hư nhiệt mà táo. Huyết hư phải bổ huyết, hư nhiệt phải bổ thủy…

Hỏa là nhiệt

Nhiệt là do huyết hư hoặc thủy hư mà có hỏa, có nhiệt. Hỏa ở đây không thuộc về thử: thử là tà hỏa, tà nhiệt.

Trong vấn đề lục dâm, cổ nhân chia làm hai phần: thời tà và phục tà.

-Thời tà: Là bệnh theo từng mùa như mùa Xuân thì bệnh do phong, mùa Hạ thì bệnh do thử, mùa Thu thì bệnh do thấp táo, mùa Đông thì bệnh do hàn. Ngoài mạo, thương, trúng, Đông y còn nói đến vấn đề truyền kinh. Ví dụ bệnh thương hàn trúng, nếu không chữa sau vài ngày sẽ chuyển sang Túc Thái Âm vào kinh Túc Thái Dương rồi chuyển sang Túc Quyết Âm…

Truyền kinh: Nếu bệnh ở bàng quang không chữa thì nước tiểu sẽ theo đường dẫn tiểu đi ngược về thận là thận bị bệnh. Thận bị bệnh truyền sang Túc Thái Âm (tỳ) và Túc Quyết Âm (gan) vì rằng khi thận bệnh không đào thải chất cặn bã chẳng những Túc Tam Âm bị lây hoặc toàn thể 12 kinh bị ảnh hưởng.

Giải thích Túc Thiếu Dương (mật) bị bệnh không chữa sẽ lây sang Túc Quyết Âm (gan) cũng đều theo cái lý của cơ thể học và sinh lý học. Nếu mật bị ứ đọng ở túi mật đương nhiên gan bị căng trướng vì không thể thải được chất mật. Vị bị bệnh không chữa sẽ truyền sang tỳ. Bệnh tiểu trường truyền sang tâm, bệnh đại trường không chữa sẽ truyền sang phế… đều cùng một lý lẽ. Đại trường táo hơi độc bị tái hấp thụ đi vào máu tới phổi, phổi bị bệnh.

-Phục tà: Bảo rằng mùa này không chữa sẽ truyền đến mùa sau, điều đó có lý bệnh hôm nay không chữa sẽ kéo đến ngày mai.

Trong trị liệu mạo, thương, trúng của thời tà phần nhiều Đông y chữa được, kể cả ôn bệnh của mùa Xuân. Chẳng hạn như tiêu dao, tiểu sài hồ, ma hoàng thang, quê chi thang… có tác dụng với công năng của cơ thể, đặc biệt đối với cơ chế điều hòa thân nhiệt, cũng có thể diệt được vi trùng hay siêu vi trùng. Một điều nên nhớ là lúc gặp bệnh, ngoại cảm thầy thuốc chỉ nên dựa triệu chứng và mạch lý để chữa trị, không nên nghĩ đến phục tà hay truyền kinh, vì như vậy chỉ thêm rắc rối mà thôi.

Khi bàn về mạo, thương đối với phong, hàn, thử, thấp, táo, nhiệt chúng ta chỉ nói tới tâm, gan, tỳ và thận; riêng phế chúng ta không nói tới vì rằng lục dâm của bốn mùa đều ảnh hưởng tới phế (thuộc kinh Thủ Thái Âm) dẫn tới ho hen…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *