Bác Sĩ Đặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm Cứu và Đông Dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Đông Dược và muốn góp ý cho kho tàng Đông Dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 714-0564 office và (714) 553-6183 cell.
Bác Sĩ Đặng Trần Hào
Hiện tượng đau vùng xung quanh vai thường xảy ra, nhưng không nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, mà chỉ gây khó chịu khi cử động bị đau và giới hạn.
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau vùng vai:
-Nguyên nhân bên ngoài do phong, thấp, hàn, nhiệt.
-Nguyên nhân bên trong do tạng phủ suy yếu.
-Viêm bao hoạt dịch.
-Viêm gân chóp xoay khớp xương.
-Sự thoái hóa các khớp xương, thường xảy ra với những người nhiều tuổi.
Đau do phong
Phong có đặc tính di động, và làm giới hạn sự cử động, phong là dương tà hay đi lên và ra ngoài, nên hay gây đau ở phần trên của cơ thể và phần ngoài da, như ra mồ hôi, sợ gió.
Bệnh do phong hay di chuyển như đau các khớp xương, đau chỗ này, đau chỗ khác, ngứa nhiều chỗ nên gọi là “phong động,” biến hóa, nặng nhẹ bất thường và mau lẹ.
Còn nội phong, do gan phong gây ra kích động tới gân cơ, hay gan huyết hư, không đủ để nuôi gân.
Thường do giận hờn, bực bội, lo lắng từ ngày nọ qua ngày kia làm gan bị uất kết, cản trở đường đi của gan, gây ra đau ở chỗ tay với không tới, ngang với T7 (đốt xương sống số 7) rất khó chịu, đôi khi đau khủng khiếp, vì đường đi của gan bị nghẹt, không lưu thông được mà gây ra đau. Trường hợp này là sở trường của châm cứu. Chỉ cần châm cứu một lần, khơi sự bế tắc là bệnh giảm ngay lập tức sau khi châm và thường khỏi hẳn.
Ngoài ra thường hay đau vùng cổ từ C1 tới C7, vì phong hay đi lên, nên ảnh hưởng vùng này và vùng từ T1 tới T7 của cột xương sống nhiều hơn.
Chủ trị: Giải phong và bình nội phong.
-Đau do ngoại phong, những vị thuốc sau đây thường dùng để giải phong: Khương hoạt, độc hoạt, phòng phong, quế chi, uy linh tiên, tần giao, bạch chỉ.
Độc hoạt, khương hoạt là hai vị chính giải phong thấp gây ra đau vùng vai và toàn thân; nếu chỉ đau vùng trên thì chỉ dùng khương hoạt là đủ. Quế chi không những giải phong còn phối hợp các vị thuốc và giải thông kinh mạch, nhất là vùng vai và cổ. Phòng phong giải phong, chủ trị cho đau nhức di động. Tần giao vừa giải phong vừa bổ, chuyên trị mọi loại đau và khai thông kinh mạch.
-Đau do nội phong, những vị thuốc sau đây thường dùng để giải phong: Thiên ma, câu đằng, thạch quyết minh, cương tàm, ngô công, địa long.
Thiên ma, câu đằng giải phong và đau nhức. Cương tàm chủ trị phong đàm và phong nhiệt gây nhức đầu, đau vai và vùng bả vai. Địa long thông kinh mạch, chủ trị tê bả vai, vai và có thể trị nhức đầu do cao áp huyết gây ra.
Đau do hàn
Ngoại hàn do lạnh, chủ về mùa Đông. Nội hàn là do dương khí của cơ thể suy mà gây ra.
Đặc tính của hàn là âm tà, làm tổn thương dương khí, phạm vào da, cơ, gây ra co rút, làm bế tắc kinh mạch, gây ra co cứng cơ: Đau cổ, vai lưng, chuột rút các cơ.
Nhóm thuốc dùng cho ngoại hàn:
-Dùng quế chi, bạch chỉ giải phong hàn và nhất là bạch chỉ giải phong hàn xâm nhập vào kinh thái dương thường gây ra đau vai, nhức trước đầu.
-Phụ tử, tế tân: Giải phong, hàn, thấp, gây ra đau, tê tới bất thình lình do bên ngoài tấn công vào bì da. Tế tân giải ngoại hàn làm bế kinh mạch, gây ra nhức đầu, đau vai, đau lưng
Nội hàn do dương hư: Người già sợ lạnh, tay chân lạnh, đau thắt lưng, nhất là vào mùa Đông khí trời lạnh, ảnh hưởng từ ngoài vào trong, thêm với dương suy làm gia tăng lạnh, đau nhức nhiều hơn.
Bài thuốc “Bát Vị Địa Hoàng Thang:”
-Phục linh 9 gram
-Sơn thù du 9 gram
-Mẫu đơn bì 9 gram
-Phụ tử 3 gram
-Quế bì 3 gram
-Trạch tả 9 gram
-Thục địa 15 gram
-Hoài sơn 9 gram
Bài thuốc này mục đích chính là tái tạo lại sự suy của thận dương, nang thượng thận và sản xuất lại tinh. Thường cho bệnh nhân quá mệt mỏi và suy nhược, ăn uống chậm tiêu, táo bón, tiểu khó, tiểu nhiều, khát nước kèm khô lưỡi, đau vai, lưng, yếu vùng rốn.
-Thục địa: Gia tăng sức lực, bổ dưỡng và nuôi dưỡng.
-Sơn thù du: Gia tăng sức lực, tăng cường thận, làm ấm bụng và chân, gia tăng sinh lực cho nam giới.
-Hoài sơn: Nuôi thận, giảm sự lạnh của thân thể và giúp da trở lại mượt mà.
-Mẫu đơn bì: Làm tan máu cục và giảm đau.
-Phục linh: Làm thoát nước.
-Trạch tả: Gia tăng đường tiểu tiện và giảm khát.
-Quế bì: Giúp cho thục địa trong sự lưu thông máu và phục linh còn gia tăng sự tiểu tiện ở vùng hạ tiêu.
-Phụ tử: Gia tăng thân nhiệt, tái tạo lại trách nhiện của tạng phủ bị suy yếu và ăn khó tiêu sẽ nhờ phục linh và quế khai thông.
Ghi chú: Bệnh nhân yếu bao tử mãn tính, hay đi đại tiện chảy, mặt bị phừng nóng không uống toa thuốc này.
Đau vai do viêm bao hoạt dịch
Đây là trường hợp bao hoạt dịch bị viêm, thoạt đầu thấy khó chịu ở vai, và dần dần trở lên đau trong vòng nửa ngày. Phần bả vai có thể bị sưng. Hiện tượng này thường gặp ở những người làm viện lao động, khuân vác nặng, sơn sửa nhà cửa, hoặc chơi thể thao quá sức.
Đau vai do viêm gân chóp xoay khớp tay
Những môn thể thao sử dụng vợt ảnh hưởng vùng gân và cơ vai bị đau nhức khó chịu, rất khó phát hiện chỗ sưng dù nhỏ nhất và hiện tượng đau thường ở một số vị trí cố định.
Đau vai do thoái hóa cột xương cổ và xương sống
Đây là nguyên nhân do thận suy, không sinh đủ tủy sống để nuôi khớp xương và đĩa sụn ảnh hưởng tới bảy đốt xương cổ bị thoái hóa thường những người cao niên bị bệnh này.
Ngoài ra cũng do sự không tiết dục lúc còn trẻ, làm thận suy sớm gây ra. Bệnh nhân không đứng thẳng lên được. Giới hạn cử động của vai, lưng do đau và nhức những bắp thịt liên hệ tới dây thần kinh từ đốt xương cổ và sống ra các tạng phủ. Thường trường hợp này có thế thấy rõ ràng khi chụp phim.
Chủ trị: Bổ âm và dương, bài “Thập Toàn Đại Bổ.”
Trị liệu cấp thời
Trong trường hợp bị đau vai cấp tính xuất hiện, chúng ta có thể chườm nước lạnh khoảng 10 phút, sau đó dùng thuốc cứu hơ nóng vùng bắp thịt đau, xoa bóp khoảng 10 phút, tiếp tục lặp đi lặp lại ba lần, chúng ta sẽ cảm thấy đau nhức thuyên giảm.
Cho vai được nghỉ ngơi hoàn toàn trong vòng 24 tới 48 tiếng đầu tiên. Nếu cần chúng ta có thể đeo băng tay. Sau thời gian đó, cử động nhẹ nhàng tay vài lần trong một ngày.
Sau ba tới sáu tuần mới quay lại làm viêc hoạt động đã từng gây ra đau nhức tùy vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương.
Chúng có thể dùng thuốc giảm đau và giảm sưng bán tự do trên thị trường cả Đông, lẫn Tây y.
Cần gặp bác sĩ nếu tình trạng kéo dài hơn sáu tuần lễ trong trường hợp cấp tính.