HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Khoản lỗ sau thuế năm 2022 của tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) vừa được xác nhận ở mức “kỷ lục”: 20,700 tỷ đồng ($874.3 triệu).
Báo Zing hôm 12 Tháng Bảy trích dẫn con số trên từ báo cáo tài chính sau kiểm toán của EVN.
Đáng nói, doanh thu hợp nhất của tập đoàn EVN hồi năm ngoái được ghi nhận “tăng 8.7%” so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, do “giá vốn hàng bán tăng cao” nên lợi nhuận gộp của EVN “giảm hơn 72% so với năm 2021.”
Trước đó, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc Hội hồi Tháng Năm, EVN cũng giải trình lý do khiến tập đoàn này làm ăn thua lỗ năm ngoái. Theo đó, doanh nghiệp này cho rằng giá nhiên liệu than, dầu, khí “tăng đột biến so với các năm trước đây” nên làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh.
Cũng theo báo Zing, lãnh đạo tập đoàn EVN cho biết “đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện.”
Tập đoàn này cũng dự báo “tiếp tục lỗ trong các năm tiếp theo dù đã rất nỗ lực và quyết liệt triển khai các giải pháp nội tại để tiết giảm chi phí.”
Trên mạng xã hội hôm 12 Tháng Bảy, nhiều ý kiến bàn tán sôi nổi chuyện EVN được độc quyền bán điện, tăng giá điện nhưng lại báo lỗ.
Nhiều ý kiến cùng chung đề nghị: “Tình hình này có khi phải thay hết giàn lãnh đạo EVN thì mới có lãi được!”
Một ngày trước, báo VietNamNet dẫn kết quả kiểm toán cho hay, sở dĩ EVN lỗ nặng vì “giá bán điện thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện.”
Bản tin cũng bao biện cho EVN: “Ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, tập đoàn còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà chính phủ giao trong đầu tư lưới truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị…”
Liên quan vụ lỗ nặng nhưng các công ty con của EVN được ghi nhận gửi ngân hàng 100,000 tỷ đồng ($4.2 tỷ), báo VNExpress hôm 12 Tháng Bảy dẫn lời giải thích của đại diện EVN: “Việc duy trì số dư tiền gửi ngân hàng của các đơn vị thành viên là do nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao, đòi hỏi các đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn, nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay thời gian tới.”
Ngoài ra, khoản tiền nêu trên còn được dùng để trả nợ cho các nhà cung cấp, trả tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà, thủy điện nhỏ theo các hợp đồng đã ký. (N.H.K)