SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhà đầu tư ngoại quốc than phiền kết cấu hạ tầng logistics ở Sài Gòn chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng xếp hàng dài khi nhập cảnh ở phi trường Tân Sơn Nhất, ngõ vào cảng biển, cao tốc…
Đó là những “điểm tối” khiến các nhà đầu tư ngoại quốc ngao ngán nêu ra tại “Chương trình đối thoại chính sách năm 2024 – Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng” do Ủy Ban Thành Phố và Liên Minh Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức hôm 18 Tháng Chín.
Báo Người Lao Động dẫn phát biểu từ đại diện Tiểu Ban Du Lịch, Nhà Hàng và Khách Sạn thuộc Eurocham, thành viên VBF, nêu tình trạng xếp hàng dài chờ đợi tại quầy xuất nhập cảnh ở phi trường Tân Sơn Nhất “tác động tiêu cực” đến ấn tượng đầu tiên và cuối cùng của du khách, cũng như hình ảnh của Sài Gòn.
“Nhiều nhà đầu tư ngoại quốc băn khoăn vì sao phải mất thời gian quá lâu mới có thể qua cửa an ninh ở phi trường? Nếu xếp hàng thông thường, mất từ 30-45 phút thậm chí cả tiếng đồng, khi vào cũng như khi ra khỏi Việt Nam. Như vậy tạo nên ấn tượng đầu tiên không tốt, đây là vấn đề chúng ta cân nhắc cần giải quyết,” ông Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm Đầu Tư và Thương Mại của VBF, nêu.
Phản hồi ý kiến trên, ông Nguyễn Công Hoàn, phó giám đốc Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất, cho rằng tình trạng quá sức chứa do phi trường đang phục vụ 41.6 triệu khách năm mỗi năm, trong khi công suất thiết kế chỉ 28-30 triệu khách mỗi năm.
“Với hạ tầng quá sức chứa, đôi khi không tránh khỏi hạn chế về phẩm chất dịch vụ, đông đúc lúc cao điểm,” ông Hoàn biện minh.
“Liên quan việc xuất nhập cảnh, những năm qua, ủy ban thành phố đã có nhiều chỉ đạo, làm việc với công an cửa khẩu – lực lượng đầu tiên tiếp xúc với hành khách, trong đó gồm cả doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến Tân Sơn Nhất. Nhiều giải pháp đã được triển khai, như lắp đặt thử nghiệm nhập cảnh tự động, nhưng việc chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi cập nhật hệ thống dữ liệu,” ông Hoàn nói và xoa dịu: “Cảng sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp, làm việc với công an cửa khẩu và các đơn vị liên quan để cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng được mong đợi của du khách khi tới Sài Gòn.”
Ngoài việc phi trường Tân Sơn Nhất gây khó khăn, nhà đầu tư ngoại quốc còn cho rằng kết cấu hạ tầng logistics của Sài Gòn chưa đáp ứng nhu cầu.
“Đường vào cảng Cát Lái, cao tốc Sài Gòn-Long Thành-Dầu Giây thường xuyên bị kẹt. Sài Gòn cũng chưa có trung tâm logistics quy mô lớn,” ông Đức nêu.
Cụ thể, hạ tầng đường bộ xung quanh thành phố chưa đạt tiêu chuẩn như khu vực phía Bắc. Hạ tầng logistics của khu vực lân cận cũng chưa mạnh. Ví dụ, khu vực Nam Bình Dương thiếu kho bãi mới phẩm chất cao. Các kho cũ có thời hạn thuê đất dưới 20 năm và chưa có kế hoạch gia hạn rõ ràng nên không hấp dẫn đầu tư. Do vậy, cần làm rõ kế hoạch cải thiện kết nối vào Sài Gòn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment – doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc) nói họ muốn tập trung nhiều vào lĩnh vực logistics xanh, ưu tiên xe điện và nhiên liệu thay thế, nhưng chưa rõ có thể nhập cảng và sử dụng xe vận tải điện ở Việt Nam như thế nào.
Đánh giá chung, VBF cho rằng cơ sở hạ tầng cảng biển, kho bãi hạn chế và chi phí cao. Chi phí logistics ở Việt Nam khoảng 25% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) chiếm 30%-35% giá thành sản phẩm, cao hơn nhiều mức trung bình của thế giới khoảng 10%-12%.
Báo VNExpress dẫn lời ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch thành phố, xác nhận một trong những khó khăn hàng đầu của giao thương tại khu vực Sài Gòn là hạ tầng giao thông. Hệ thống kết nối vùng thiếu các trục đường vòng, ngang và nhánh rẽ trong khi hệ thống sông ngòi chằng chịt.
“Hạ tầng là khâu yếu nhưng đang được chính phủ quan tâm và sắp tới sẽ mở rộng. Theo kế hoạch ban hành mới đây của Ủy Ban Thành Phố, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và có khả năng cạnh tranh quốc tế vào 2045,” ông Hoan cho biết. (Tr.N)