TIỀN GIANG, Việt Nam (NV) – Chi Cục Chăn Nuôi và Thú Y thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Tỉnh Tiền Giang cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, 12 xã của 8/11 huyện, thị trong tỉnh bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi.
Theo báo Tuổi Trẻ hôm 21 Tháng Mười Một, hiện chỉ còn các huyện Tân Phú Đông, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy chưa bị nhiễm dịch.
Tại “điểm nóng” xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, đã có 40 hộ nuôi heo bị dịch tả Châu Phi ở 6/6 ấp, với 843 con heo bị bệnh, chết đã được tiêu hủy, chiếm hơn 50% tổng đàn có heo bị bệnh.
Để hạn chế dịch bệnh, giới chức xã Xuân Đông đã lập bốn chốt kiểm dịch tại các giao lộ vào xã, ngã ba, ngã tư giáp ranh với các xã khác. Đồng thời, buộc chủ hai bến đò ngang kênh Chợ Gạo cam kết “không chở heo qua lại.”
Toàn tỉnh Tiền Giang có gần 300,000 con heo. Trước bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, giới hữu trách chỉ biết kêu gọi các hộ chăn nuôi “cần chủ động các biện pháp phòng chống hiệu quả để bảo vệ thành quả của người chăn nuôi và cung cấp lượng thịt cho nhu cầu của người dân, nhất là cao điểm dịp Tết cổ truyền sắp tới.”
Dịch tả heo Châu Phi xuất hiện lần đầu tại Việt Nam hồi Tháng Hai, 2019, ở tỉnh Hưng Yên. Sau bảy tháng, dịch bệnh lan ra 63 tỉnh, thành. Nhiều địa phương phải chi hàng ngàn tỷ đồng để ngăn chặn dịch.
Kể từ đó, cứ cách một năm thì dịch lại bùng phát, lan rộng ra, trong khi virus tả heo Châu Phi chưa có vaccine để xử lý triệt để, do vậy cứ tồn tại âm ỉ tại những ổ dịch cũ. Ngoài ra, thời tiết thay đổi đặc biệt là khi xảy ra lũ lụt, virus đi theo dòng nước cũng là nguyên nhân khiến dịch phát sinh.
Nói với báo Tiền Phong hồi Tháng Mười, 2021, ông Nguyễn Văn Đông, cựu cục trưởng Cục Thú Y thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết: “Ở một số tỉnh, chính quyền còn chưa thực sự quan tâm xử lý những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch nên nguy cơ dịch tả heo Châu Phi tái phát trong thời gian tới rất cao.”
Trong khi đó, ông Đoàn Xuân Trúc, phó chủ tịch Hiệp Hội Chăn Nuôi Việt Nam, thừa nhận: “Rất nhiều nông hộ và trang trại bỏ nghề chăn nuôi heo từ năm 2019 do cạn vốn. Nếu lần này dịch tiếp tục lan rộng, người chăn nuôi sẽ kiệt quệ và số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước.” (Tr.N)