SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều căn nhà trên đường Dương Văn Cam ở thành phố Thủ Đức, Sài Gòn, buộc phải nâng nền cao hơn mặt đường lộ cả mét để chống ngập, khiến bên trong nhà trở thành hầm tăm tối, ngột ngạt.
Theo báo VNExpress hôm 12 Tháng Bảy, hàng loạt căn nhà mặt tiền trên đường Dương Văn Cam, hiện đều có nền cao hơn mặt đường từ 0.5 đến 1.2 mét để chống ngập.
Anh Thái Vân Sang, 40 tuổi, nhà có nền nâng cao so với mặt đường 1.2 mét, cho biết con đường này bị ngập từ những năm 90, đến khoảng năm 2000 được nâng lên để chống ngập. Cùng cảnh với nhiều hộ khác, nhà anh thấp hơn mặt đường nên mưa xuống nước tràn vào.
“Đến nay tôi nâng nền ba lần rồi, gần nhất cách đây 10 năm, tốn gần trăm triệu đồng để sửa cả trần nhà cho cao hơn,” anh Sang cho biết.
Để tiện vào nhà, anh Sang làm lối lên bằng sắt có độ dốc khoảng 45 độ, dài hơn 2 mét. Nhiều hôm trời mưa, anh bị té ngã khi dắt xe.
Cạnh đó, nhà bà Phạm Hồng Đào, 66 tuổi, sau ba lần nâng nền nay cũng cao hơn mặt đường 80 cm. Để ra vào nhà, bà Đào thiết kế bậc tam cấp bằng sắt có thể gấp, để không chiếm diện tích vỉa hè.
“Giờ mưa, tôi vẫn phải đóng cửa để ngăn xe lớn đi qua tạo thành sóng, đánh vào trong nhà. Mọi người thường gọi đây là con đường cam chịu,” bà Đào ngao ngán nói.
Tương tự, để chống ngập quán ăn của chị Nguyễn Thị Thu Thanh cũng đã năng cao hơn đường 1 mét khiến mỗi lần giao đồ ăn, dọn hàng rất bất tiện.
Trong khi đó, một số gia đình ở trong hẻm trên con đường ở “rốn ngập” Thủ Đức này do khó khăn chưa thể nâng nền, phải chịu cảnh nhà thấp hơn mặt đường.
Lối ra vào nhà bị thấp hơn đường nhưng chưa thể nâng nền, bà Lợi Liên, 66 tuổi, phải xây tường xi măng trước cửa để chống ngập. Mỗi khi ra vào bà Liên phải cúi đầu, bước qua. Bên trong nhà tối om với cánh cửa cao 1.5 mét.
“Chỗ nào có khoảng trống tôi cũng bít tạm nhưng mưa nước vẫn rỉ vào. Nơi ở ngột ngạt, ẩm thấp lắm vì thiếu ánh sáng,” bà Liên cho biết.
Một căn nhà khác chỉ nâng phần hiên, tạo thành bậc thang ở trong nhà khiến phòng khách như căn hầm.
“Chi phí nâng nền, sửa nhà quá cao nên tôi phải làm vậy. Căn nhà trở nên kỳ dị, đi lại bất tiện,” chủ nhà giấu tên cho biết.
Chưa hết, những gia đình ở nhà thuê còn khốn khổ hơn. Chẳng hạn, ngôi nhà thuê của ông Phạm Quốc Tuấn được chống ngập bằng cách xây vách ngăn trước cửa, cao khoảng nửa mét. Gia đình ông Tuấn phải dắt xe, vận chuyển đồ đạc qua cửa sau.
Hồi năm 2017, nhằm giải quyết tình trạng ngập úng triền miên, quận Thủ Đức cũ (nay là thành phố Thủ Đức) đã cho xây hồ điều tiết ngầm tại Nhà Thiếu Nhi Quận trên đường Võ Văn Ngân.
Đến năm 2020, quận tiếp tục cho xây hệ thống thoát nước với kinh phí 129 tỷ đồng ($5.4 triệu) kéo dài 2.5 km từ xa lộ Hà Nội đến rạch cầu Ngang. Trong đó, toàn bộ hệ thống cống cũ trên đường Võ Văn Ngân được thay thế bằng hệ thống cống hộp kích cỡ lớn hơn, nhưng tình trạng ngập úng vẫn khá hơn. (Tr.N)