LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Cơn mưa đá diễn ra vào chiều 12 Tháng Bảy khiến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, bị ngập nặng lần thứ ba liên tiếp trong vòng nửa tháng.
Theo ghi nhận của báo VNExpress, cơn mưa giông kéo dài gần hai giờ khiến nhiều con đường ở Đà Lạt ngập gần nửa mét, nhiều xe hơi bì bõm trong biển nước, thậm chí ngay tại khu trung tâm.
Thậm chí tại đường Hải Thượng, công an phải túc trực hai đầu đường để phân luồng giao thông không cho xe đi vào để tránh nguy hiểm.
Tại các khu vực cạnh gần suối Cam Ly và suối Phan Đình Phùng, nước mưa không thoát kịp xuống cống tràn lên mặt đường gây ngập xe hơi, trong lúc nhiều xe gắn máy phải dẫn bộ.
Nước mưa và nước cống cũng được ghi nhận tràn vào nhà dân gây hư hỏng nhiều đồ đạc.
Cũng trong hôm 12 Tháng Bảy, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời giới chức Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Lạt cho biết các điểm ngập đều “nằm ở khu vực hạ lưu suối, nơi ít có hoạt động du lịch và lưu trú.”
Không thấy bất kỳ lời hứa hẹn nào của giới chức về giải pháp cho chuyện Đà Lạt càng lúc càng ngập lụt, làm xáo trộn cuộc sống của người dân cũng như lịch trình của du khách tại thành phố này.
Đây là lần thứ ba liên tiếp Đà Lạt ngập nặng sau khi mưa lớn trong vòng nửa tháng.
Hôm 23 Tháng Sáu, theo báo VNExpress, cơn mưa lớn kèm giông lốc kéo dài chỉ nửa giờ cũng khiến nhiều đường phố ở Đà Lạt ngập sâu, cây đổ, xe chết máy, nước tràn vào nhà dân.
Tiếp đó, báo Dân Trí cho hay mưa lớn kèm sạt lở taluy hôm 29 Tháng Sáu ở đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, Đà Lạt, khiến hai vợ chồng người thợ xây thiệt mạng.
Đáng nói, thay vì nhận trách nhiệm và giải trình về quy hoạch kém, ông Phạm S, phó chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, được báo Dân Trí hôm 11 Tháng Bảy dẫn lời rằng nguyên nhân vụ sạt lở là do… chủ đất khu vực xảy ra sạt lở “quá tham.” Từ hai thửa đất ban đầu, người này đã đổ bờ taluy để chia ra làm bốn lô.
“Với khối lượng đào đắp đất lớn và thực tế mưa liên tục vào thời điểm trước khi xảy ra sự cố (khoảng 106 mm), nếu không sạt lở trong Tháng Sáu thì đến Tháng Tám cũng sẽ bị sạt lở,” ông Phạm S nói thêm.
Đến nay, trong vụ này chỉ có ông Nguyễn Dương Trung Hữu, trưởng phòng Quản Lý Đô Thị Đà Lạt, bị cho ngưng việc, còn các giới chức cấp cao hơn đều “vô can.” (N.H.K)