Sunday , October 6 2024

Cưỡng đoạt tài sản, tổng biên tập một tạp chí cùng nhiều thuộc cấp bị bắt giữ

THÁI BÌNH, Việt Nam (NV) – Ông Đồng Xuân Thụ, 52 tuổi, tổng biên tập tạp chí Môi Trường và Đô Thị Việt Nam, bị “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” để điều tra về tội “cưỡng đoạt tài sản.”

Loan tin với báo đài trong nước hôm 24 Tháng Chín, Công An Tỉnh Thái Bình cho hay một ngày trước, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra đã ra lệnh giữ người, khám xét khẩn cấp nơi ở, làm việc, phương tiện cá nhân của ông Thụ.

Ngoài ra, các thuộc cấp dưới quyền của ông Thụ gồm: Bùi Văn Toàn, 44 tuổi, trưởng Ban Kinh Tế Môi Trường; Cao Thị Thu Hường, 35 tuổi, kế toán; Nguyễn Ngọc Tuyên, 44 tuổi, và Nguyễn Tất Triển, 46 tuổi, phóng viên tạp chí Môi Trường và Đô Thị Việt Nam, cũng bị “giữ người trong trường hợp khẩn cấp.”

Báo VNExpress dẫn tin từ giới hữu trách cho hay năm người trên bị điều tra do có dấu hiệu phạm tội “cưỡng đoạt tài sản.”

Tuy nhiên, sai phạm cụ thể ra sao chưa được giới hữu trách công bố.

Hiện Công An Tỉnh Thái Bình đang củng cố hồ sơ để khởi tố, điều tra mở rộng.

Tạp chí Môi Trường và Đô Thị Việt Nam là diễn đàn của ngành Môi Trường-Đô Thị và Khu Công Nghiệp Việt Nam (VUREIA), thành lập năm 1998 trên cơ sở đặc san Môi Trường và Đô Thị, có trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội và năm văn phòng đại diện ở Sài Gòn, khu vực miền Trung, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc.

Ban đầu, tạp chí xuất bản hai tháng một kỳ, hiện mỗi tháng một kỳ với hàng ngàn bản. Ngoài bản in, tạp chí này còn có bản điện tử.

Trước vụ này, các vụ nhà báo, phóng viên bị bắt quả tang tống tiền doanh nghiệp cũng thường xảy ra ở Việt Nam.

Theo báo Pháp Luật TP.HCM hôm 27 Tháng Mười Một, 2023, Công An Tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố, bắt giam ba bị can Lê Danh Tạo, 57 tuổi, ở thành phố Hà Tĩnh; Hồ Thị Hải, 41 tuổi, vợ ông Tạo; và Hồ Kim Cường 35 tuổi, em trai bà Hải, về tội “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.”

Ông Tạo được xác định là người cầm đầu, từng công tác tại một số tờ báo, tạp chí, đài truyền hình không được nêu tên, trong khi ông Cường là cộng tác viên của một tạp chí. Còn bà Hải là giám đốc Công Ty Truyền Thông Sống Khỏe và Pháp Luật.

Theo cơ quan điều tra, trong lúc hành nghề báo chí, ông Tạo phát hiện nhiều lái xe vận tải đường dài thường vi phạm các lỗi quá khổ, quá tải, vượt đèn đỏ… nên tiếp cận yêu cầu chủ xe chung chi 6-8 triệu đồng ($247 tới $330) mỗi tháng để được bảo kê.

Ông Tạo cam kết chỉ cần là “xe của Tạo” thì cơ quan hữu trách sẽ bỏ qua lỗi, nếu xe bị dừng hoặc kiểm tra thì ông ta sẽ gọi điện can thiệp.

Tiếp đó, ông Tạo cùng đồng phạm đặt vấn đề với cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông một số tỉnh, thành xin “được tạo điều kiện, bỏ qua các lỗi hoặc xử lý nhẹ tay.” Nếu cán bộ nào không đồng ý, ông Tạo khống chế bằng cách tìm các lỗi sai phạm trong lúc công tác của họ rồi đe dọa sẽ viết bài, yêu cầu tuân theo.

Nhằm hợp thức việc phạm tội, nhóm ông Tạo thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, hợp thức hóa số tiền “luật” mà các tài xế phải đóng hằng tháng là tiền “phí” vào hợp tác xã, thành lập các nhóm mạng xã hội kín để trao đổi thông tin liên quan.

Để tránh nhầm lẫn với các xe không phải do mình bảo kê, vợ chồng ông Tạo cho in biển số các xe đã đóng tiền bảo kê vào logo riêng, phát cho tài xế dán vào xe để lực lượng hữu trách dễ nhận biết.

Trong khi đó, bà Hải có vai trò quản lý các tài khoản ngân hàng, nhắc nhở lái xe đóng tiền “luật” hàng tháng, gửi logo cho đối tác. Còn ông Cường hỗ trợ ông Tạo trong việc “đặt vấn đề” với lực lượng hữu trách.

Với thủ đoạn trên, mỗi tháng nhóm ông Tạo thu hơn 1 tỷ đồng ($41,255) từ các chủ xe. (Tr.N)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *