Tuesday , September 10 2024

CSVN sửa luật nhằm siết ‘vòng kim cô’ lên đầu giới luật sư

*Chuyện Vỉa Hè

*Đặng Đình Mạnh

Bộ Tư pháp CSVN vừa đưa ra bản dự thảo “Luật Luật sư” sửa đổi để thảo luận, lấy ý kiến trong các đoàn luật sư, trong đó, có vài vấn đề được cho là bổ sung mới vào luật gây xôn xao trong giới luật sư đang hành nghề trong nước.

Hai trong số các vấn đề bổ sung gồm: [1] Yêu cầu đưa khái niệm “bản lĩnh chính trị” vào luật để trở thành tiêu chuẩn xét duyệt đối với ứng viên muốn gia nhập vào đoàn luật sư và [2] sửa đổi chứng chỉ hành nghề luật sư từ vô thời hạn trở thành loại có thời hạn 5 hoặc 10 năm.

Đánh giá tổng quát, không quá khó để hiểu ý đồ của chế độ Cộng sản trong nước khi đưa bổ sung vào Luật Luật sư hai vấn đề mới này cho dù sự phi lý có thể thấy rõ mồn một.

1. Về “bản lĩnh chính trị”:

“Bản lĩnh chính trị” là sự hiểu biết về chính trị của một người và chính kiến của người ấy. Thực tế trong xã hội, không phải ai cũng có sự quan tâm để có thể hiểu biết về chính trị, và dù có sự hiểu biết, thì cũng chưa hẳn có chính kiến. Điều này cho thấy, “bản lĩnh chính trị” còn tùy thuộc vào tâm ý của từng cá nhân. Theo nghĩa đó, đối với luật sư, “bản lĩnh chính trị” là điều có thể khuyến khích và mang tính cách nhiệm ý chứ không thể áp đặt.

Tuy vậy, với chế độ Cộng sản trong nước, “bản lĩnh chính trị” có nghĩa hẹp hơn, đó là sự hiểu biết và chấp nhận sự độc tài về chính trị của Đảng Cộng sản. Với nghĩa này, thì “bản lĩnh chính trị” được đề cập trong dự thảo Luật Luật sư đã thể hiện ý chí của chế độ áp đặt về chính trị đối với giới luật sư.

Tuy là áp đặt, nhưng một khi đưa yếu tố “bản lĩnh chính trị” trở thành một tiêu chuẩn để xét duyệt, vấn đề đặt ra là đánh giá bằng thể thức nào? Vì lẽ, chúng là giá trị thuộc về tinh thần, có tích cách định tính, chỉ có thể cảm nhận mà thôi. Chúng không phải là các giá trị vật chất để có thể đánh giá trên cơ sở định lượng được. Thế nên, sẽ rất phi lý nếu đưa yếu tố định tính trở thành tiêu chuẩn để xét duyệt khi mà không có thể thức nào để đánh giá cả.

Hơn nữa, vấn đề sẽ trở nên trớ trêu như “Đặt cái cày đi trước con trâu”, vì lẽ, khi một ứng viên chưa gia nhập đoàn luật sư, thì lấy đâu ra thời gian để tìm hiểu, đánh giá về “bản lĩnh chính trị” của họ? Chưa kể rằng, bản thân điều 4 Hiến pháp quy định về quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội đã có giá trị như một vòng kim cô đối với giới luật sư, thêm một yếu tố “bản lĩnh chính trị” thật sự không cần thiết.

Ngoài ra, luật sư vốn là một nghề tự do và truyền thống nghề luật sư trên thế giới cũng không hề quan tâm đến yếu tố “bản lĩnh chính trị” của giới luật sư, vì đó là quyền tự do về chính trị của họ. Cho nên, bổ sung yếu tố “bản lĩnh chính trị” vào Luật Luật sư để trở thành một tiêu chuẩn để xét duyệt gia nhập đoàn luật sư vừa phi lý, vừa không cần thiết mà còn trái với truyền thống nghề nghiệp luật sư.

Thậm chí, nếu vẫn hiểu “bản lĩnh chính trị” theo nghĩa hẹp như phân tích trên, thì quả thật, không chỉ với giới luật sư mà với tất cả các chức danh tư pháp như thẩm phán, công tố và cảnh sát điều tra cũng đều không nên quy định về “bản lĩnh chính trị” như là một tiêu chuẩn bó buộc. Vì nếu có, tiêu chuẩn này sẽ khiến cho họ không còn tư duy độc lập và hành xử một cách khách quan, vô tư khi xét xử hoặc buộc tội một người được nữa.

Ví dụ, thẩm phán, công tố và cảnh sát điều tra là đảng viên Đảng Cộng sản, họ sẽ không còn giữ được tính khách quan, vô tư khi xét xử, cáo buộc, điều tra nghi can nếu cho rằng nghi can ấy xúc phạm đến Đảng Cộng sản hoặc lãnh đạo của Đảng này theo điều 331 về “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, hoặc điều 117 Bộ luật Hình sự về “Tuyên truyền chống Nhà nước…”. Trong trường hợp này, thuật ngữ pháp lý còn được gọi là xung đột lợi ích.

2. Về chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn:

Trước nay, chứng chỉ hành nghề luật sư vốn vô thời hạn. Trong dự thảo sửa đổi Luật Luật sư, Bộ Tư pháp đã đưa vào sự thay đổi trở thành chứng chỉ có thời hạn 5 hoặc 10 năm.

Rất dễ nhận thấy ý đồ của chế độ trong việc khống chế giới luật sư bằng cách đưa ra quy định thời hạn cho chứng chỉ hành nghề luật sư trong dự thảo. Điều này tựa như “lưỡi gươm Damocles” để giới luật sư phải “ngoan ngoãn” hơn khi hành nghề. Vì nếu trái ý chế độ, thì luật sư sẽ không được gia hạn chứng chỉ hành nghề nữa sau khi hết hạn.

Với ý nghĩa như vậy, rõ ràng, việc đưa ra dự thảo quy định thời hạn cho chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ gây hậu quả rất tiêu cực. Vì lẽ, giới luật sư sẽ e ngại, kém quyết đoán, mạnh mẽ trong khi hành nghề bảo vệ pháp lý cho thân chủ của mình.

Trong án hình sự, giới luật sư không dám mạnh mẽ tranh đấu đi đến tận cùng công lý, vì điều đó sẽ dễ làm “phật ý” các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong án dân sự, hành chính, thương mại… cũng vậy, nếu quyền lợi của thân chủ đối lập với quyền lợi của cơ quan, tổ chức thuộc chế độ.

Ngoài ra, phải nói rằng quy định này của bản dự thảo luật còn đi ngược lại với thông lệ hành nghề luật sư trên thế giới từ trước cho đến nay. Vì luật sư vốn là một nghề tự do, không hạn chế thời hạn hành nghề hoặc tuổi hưu.

Hơn nữa, bên cạnh việc bãi bỏ nhiệm kỳ của thẩm phán xét xử là một bước tiến bộ rất lớn của ngành tư pháp, phù hợp với thông lệ quốc tế, thì việc đưa ra vấn đề hạn chế thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư lại là một bước lùi không đáng có.

Từ hai vấn đề mà Bộ Tư pháp trong nước bổ sung, đưa vào bản dự thảo Luật Luật sư sửa đổi thể hiện rõ ý đồ của chế độ muốn quản lý chặt chẽ hơn đối với giới luật sư, buộc họ phải “ngoan ngoãn”, biết điều hơn… khi mà tính cách hành nghề tự do của giới luật sư luôn luôn làm chế độ e ngại, rằng họ sẽ hành xử đi trật khỏi lề mà chế độ đặt định sẵn.

Chúng ta hẳn chưa quên câu nói của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu:“Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Thế thì, trước ý đồ của chế độ, giới luật sư trong nước đã chuẩn bị chọn tư thế nào để hành nghề cho đúng với phẩm chất nghề nghiệp?

DC, ngày 30 Tháng Tám 2024
Đặng Đình Mạnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *