Sunday , October 13 2024

Chùa Khánh Hỷ vừa tu bổ, đón đồng hương Phật tử về dự lễ Vu Lan

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Hòa chung nhịp đập con tim của những người con hiếu thảo, Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu tại chùa Khánh Hỷ, Garden Grove, còn đón niềm vui khi ngôi chùa vừa sửa chữa và tu bổ hoàn thành một phần, với ngôi Tam Bảo khang trang hơn, để có chỗ cho đồng hương Phật tử về tu tập đúng vào mùa Vu Lan 2023.

Trong không khí hân hoan đón ngôi chùa mới sau gần hai năm phải ngưng lại tất cả những Phật sự để sửa chữa, tu bổ lại ngôi chùa, lễ Vu Lan diễn ra hôm Chủ Nhật, 10 Tháng Chín, đón chư tôn đức tham dự gồm các chư tăng Thái Lan và chư tăng Tây Tạng, cùng chư tăng ni các chùa, tự viện quanh vùng.

Thượng Tọa Thích Pháp Tánh, viện chủ chùa Khánh Hỷ, hoan hỷ giới thiệu ba vị huynh đệ của ông, vốn cùng nhau tu học từ khi còn là chú điệu, đến nay duyên lành đã đủ, nên mời các huynh đệ cùng về đây, gồm có Thượng Tọa Thích Pháp Hạnh, trú trì chùa Ấn Tôn ở San Jose, California; Thượng Tọa Thích Pháp Trí, trú trì chùa Liên Hoa ở Sacramento, California; và Đại Đức Thích Pháp Thuận từ chùa Từ Đàm, Huế, Việt Nam.

Thượng Tọa Thích Pháp Hạnh, vị giảng sư nói về ý nghĩa Vu Lan, trong đời này nhờ có cha mẹ, có Phật, thầy giác ngộ cho chúng ta đi trên con đường an lạc giải thoát, cùng lắng lòng trong phút tưởng nhớ đến tứ trọng ân.

Vị giảng sư nói: “Mỗi năm đều có mùa Vu Lan và các chùa đều có cùng mục đích là nhắc nhở người Phật tử ngày Vu Lan là dịp ôn lại gương hiếu hạnh, bắt nguồn từ hạnh hiếu của Mục Kiền Liên Bồ Tát, nên có câu ‘Nam mô duyên khởi Mục Kiền Liên Bồ Tát’ nói lên tâm nguyện, hạnh nguyện của Đức Mục Kiền Liên.”

“Nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta, đó là một nét đẹp văn hóa và cao cả thiêng liêng. Đạo Khổng cũng có gương hiếu hạnh nhưng chỉ hướng dẫn con người lo cho cho cha mẹ khi còn tại thế, văn hóa Tây phương cũng thế trong ngày Mother’s Day hoặc Father’s Day,” thượng tọa nói.

“Còn nét đẹp đặc biệt của đạo Phật không những ở đời hiện tại, mà còn lo báo hiếu cho cha mẹ khi hai đấng sinh thành đã mất, chúng ta phải báo đáp thâm ân đó. Đây là nét đẹp của đạo Phật, không chỉ lo cho đời sống hiện tại mà còn cho người đã quá vãng,” thượng tọa nhấn mạnh.

“Pháp Vu Lan Bồn là pháp cứu tế ngay khi cha mẹ còn hiện tại, phải cung phụng và hướng dẫn cha mẹ mình biết thực tập ba pháp quy y Phật Pháp Tăng, và thực tập thân, miệng, ý, cho được an lạc. Pháp cứu tế chỉ như vậy nhưng có giá trị rất lớn về tinh thần và tâm linh. Vì vậy Đức Phật đã giới thiệu cho chúng ta pháp này để không những chỉ nghĩ tưởng đến cha mẹ qua những phẩm vật, mà phải hướng dẫn cha mẹ và người thân biết đến tinh thần của sự an lạc, hướng đến việc tu Phật, đó mới là tinh thần của sự rốt ráo người học Phật, của người đệ tử Phật,” vị giảng sư nói.

Thượng Tọa Thích Pháp Hạnh giảng: “Qua hình ảnh Đức Mục Kiền Liên, nhắc nhở chúng ta biết đến phương pháp cứu tế người thân đã ra đi bằng cách nương nhờ vào năng lực của thập phương tăng cầu nguyện.”

Vị giảng sư cũng nhắc đến ngài Xá Lợi Phất, bằng sự chứng ngộ đã cứu mẹ mình thoát khổ khi bà còn tại thế.

Sau khi khởi xướng danh hiệu Đức Bổn Sư ba lần, chư tôn đức tăng ni cùng niệm hương và đọc thời Kinh Vu Lan, cầu cho ông bà cha mẹ cửu huyền thất tổ được vãng sanh cõi an lành.

Tiếp theo là nghi thức bông hồng cài áo với hoa hồng vàng cho chư tôn đức xuất gia, hoa hồng đỏ cho những ai có diễm phúc còn mẹ, và hoa hồng trắng dành cho những ai đã không còn mẹ bên mình, trong bài nhạc “Bông Hồng Cài Áo” do Phật tử đạo tràng chùa Khánh Hỷ trình bày.

Tiếp đến, nghi thức Cổ Phật Khất Thực bắt đầu, chư tôn đức trì bình khất thực, học theo hạnh khất thực du hóa thập phương của cổ Phật, đi một vòng quanh chùa khi hai hàng Phật tử trang nghiêm thành kính dâng phẩm vật cúng dường.

Đến chùa Khánh Hỷ trong lễ Vu Lan, ai cũng khen ngôi chánh điện rất khang trang sau khi được tu sửa lại, nhất là bức tranh vẽ trên tường thật lớn, nơi Đức Phật giác ngộ dưới cội bồ đề bên bờ sông Ni Liên Thiền sau 49 ngày đêm thiền định, đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu.

Họa sĩ Hải Trịnh, người vẽ cúng dường bức tranh tường cội bồ đề thật lớn trên chánh điện chùa Khánh Hỷ, cho hay ông vẽ xong bức tranh khổ lớn này trong vòng một tuần trước lễ Vu Lan.

“Tôi thường vẽ tranh cho các nhà hàng, các tiệm nail, các chùa, khi một Phật tử của chùa mời tới vẽ cúng dường, và khi thầy trú trì ngỏ ý tôi nhận lời ngay. Đây là bức tranh vẽ lớn nhất ở các chùa tôi đã vẽ, rất thoải mái với tâm hoan hỷ của mình, thả hồn để vẽ tất cả với cái tâm của mình,” họa sĩ Hải, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật, Sài Gòn, chia sẻ.

Ông Đức Nguyễn, chủ nhân nhà hàng Sài Gòn Xưa, cho hay: “Thầy trú trì có nhìn thấy bức tranh tường ở nhà hàng và hỏi thăm người vẽ. Sau khi anh Hải họa sĩ cho tôi biết chùa có nhờ anh vẽ bức tranh lớn trên chánh điện và hỏi giá cả. Là Phật tử của chùa, cũng là nơi thờ ba mẹ, tôi bảo Hải cứ vẽ đi tất cả chi phí để tôi lo.”

“Bức tranh hôm nay coi như là kỷ niệm ngày khánh thành chùa sau gần hai năm tu sửa, tạo cảnh quan tươi sáng nơi chánh điện, khi Phật tử đến lễ bái chiêm ngưỡng Phật trên tòa sen. Ngày Vu Lan là ngày tưởng nhớ đến ông bà cha mẹ, lại được chư tôn đức làm lễ nơi chánh điện, phía sau là bức tranh tuyệt đẹp, tôi thật vui khi thấy mọi người cùng vui trong khung cảnh mới, hòa chung cùng niềm vui của Phật tử về dự lễ,” ông Đức nói.

Bà Diệu Hiền, cư dân thành phố Tustin, đi cùng con gái, con rể và hai cháu ngoại đi chùa Khánh Hỷ gần 20 năm nay.

“Chúng tôi cũng muốn các con cháu mình biết về lễ Vu Lan, đi chùa để biết về sự hiếu kính ông bà cha mẹ. Dù các cháu chưa hiểu nhiều về Phật pháp nhưng cũng biết hỏi về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan, chúng tôi cũng giải thích cho các cháu hiểu, và tin rằng nhờ vậy mà con người biết sống đạo đức và trở nên con người tốt trong xã hội,” bà nói.

Ông Tạ Văn Him, cư dân Garden Grove, đi cùng gia đình con trai và cháu nội dự lễ Vu Lan, cho hay ông rất cám ơn chư Phật gia hộ được bình an sống trên nước Mỹ, được ở gần chùa và con trai thường đến làm công quả ở chùa.

“Tôi có 10 cháu ngoại và một cháu nội, thấy thế hệ trẻ đi chùa hôm nay nhiều tôi rất mừng. Nếu quý thầy trẻ sau này giảng pháp bằng tiếng Anh, có thể giới trẻ ở Mỹ sẽ hiểu được và đến với đạo Phật nhiều nữa, thật là đáng quý vô cùng,” ông nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tính, pháp danh Hạnh Tâm, đi cùng mẹ và con gái, cho hay chùa Khánh Hỷ tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng, và bà gieo duyên cho mẹ đến chùa này.

“Trong lễ Vu Lan tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình đã lớn tuổi vẫn còn mẹ nay đã 94 tuổi, chị em chúng tôi có tám người, cảm thấy rất vô cùng hạnh phúc. Lễ Vu Lan rất thiêng liêng khi tôn vinh sự hiếu thảo của Đức Mục Kiền Liên, cũng như tôn vinh lòng hiếu thảo của tất cả các thế hệ sau này, những người còn mẹ cha,” bà chia sẻ.

“Tôi mong rằng lễ Vu Lan sẽ tạo cho những thế hệ sau này biết theo con đường đạo, biết hiếu kính ông bà cha mẹ, đó là niềm hạnh phúc vô biên của chúng tôi, khi mẹ tôi còn con cháu quây quần cạnh bên. Tôi mong những ai còn cha mẹ, hãy nên hiếu kính hai đấng sinh thành, đó chính là Phật sống trong gia đình. Có thể con cháu chúng tôi đã nhìn thấy những gì chúng tôi đã làm với ông bà, hy vọng các cháu sẽ tiếp nối truyền thống hiếu hạnh tốt đẹp ấy,” bà tiếp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, pháp danh Nguyên Hà, đi cùng con cháu rất đông, từ Los Angeles về chùa rất sớm để dự lễ, cho hay bà rất cảm động khi mỗi năm chùa có thư mời là đi ngay.

“Tôi nay tuổi đã gần đất xa trời vẫn không bao giờ quên mình là người Việt Nam, luôn nhớ phong tục của mình, với những truyền thống tốt đẹp hiếu kính mẹ cha. Tôi mong con cháu mình biết nghe theo lời giảng của quý thầy, để tiếp nối truyền thống biết kính yêu ông bà cha mẹ, đó là cội nguồn của mình, đó là văn hóa của người Việt,” bà nói.

“Lễ Vu Lan này tôi dẫn con cháu tới chùa nghe kinh, giống như ngày xưa bố mẹ tôi dẫn tôi đi chùa vậy, để các cháu nghe hiểu những đạo lý làm người, nhất là ở xứ người luôn bận rộn, nhưng phải biết nguồn gốc xuất xứ của mình, tôi thường khuyên con cháu như vậy,” bà Tuyết chia sẻ.

Sau thời kinh và nghi thức Cổ Phật Khất Thực, Phật tử được thưởng thức những bài đạo ca và thức món chay do chùa Khánh Hỷ khoản đãi. [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *