Tuesday , September 10 2024

Chùa của Thích Chân Quang ngang nhiên lấn chiếm đất rừng, xây 35 công trình trái phép

BÀ RỊA-VŨNG TÀU, Việt Nam (NV) – Chính quyền tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu từng chỉ ra việc chùa Phật Quang do ông Thích Chân Quang làm trụ trì xây dựng 36 công trình, nhưng chỉ có một công trình có phép, theo báo Công Thương hôm 27 Tháng Tám.

Chùa Phật Quang hay còn gọi là Thiền Tôn Phật Quang nằm trên núi Dinh thuộc xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.

Năm 1992, sư Thích Chân Quang (tục danh Vương Tấn Việt) về chùa Phật Quang và trở thành trụ trì ngôi chùa này cho tới nay.

Năm 2007, sư Thích Chân Quang được tấn phong lên làm thượng tọa.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng nhiều công trình trong khuôn viên chùa Phật Quang xây dựng trên đất rừng phòng hộ do nhà nước quản lý và không có giấy phép rộng đến 19 hécta, nằm trong tổng diện tích 17,928 hécta đã được tỉnh Đồng Nai giao lâm trường Châu Thành quản lý từ năm 1978.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra việc “Chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng tại chùa Phật Quang” của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, trong tổng số 36 công trình chùa xây dựng trên đất, thì chỉ mỗi công trình chánh điện được Sở Xây Dựng Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 23/GPXD hôm 20 Tháng Chín, 2001, với diện tích 228 mét, nhưng trên thực tế lên đến hơn 445 mét.

Đối với 35 công trình còn lại, kết luận thanh tra chỉ rõ các công trình này “không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép xây dựng,” trong đó có nhiều công trình lớn, kiên cố như là đường giao thông trải nhựa, diện tích khoảng 3,500 mét vuông.

“Chùa Phật Quang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích khoảng 19 hécta tại khu vực núi Dinh mà chùa cho rằng nhận chuyển nhượng từ các hộ dân là không có cơ sở giải quyết, không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với các hồ sơ tài liệu do ông Vương Tấn Việt cung cấp, thì ‘Đơn xin khai phá’ của bốn hộ dân năm 1991, và các đơn xin sang nhượng đất rẫy của các hộ dân vào năm 1992 là trái với quy định pháp luật và không có giá trị pháp lý,” thông báo kết luận thanh tra chỉ rõ.

Điều đáng nói, thời gian chùa chiếm đất rừng để xây dựng các công trình trên được xác định diễn ra vào đầu Tháng Sáu, 2021, và việc cưỡng chế này là để khắc phục hậu quả cho việc tái lấn chiếm đất rừng phòng hộ vào năm 2021 nhưng đến nay vẫn y nguyên.

Trả lời báo Công Thương, ông Nguyễn Duy Bắc, giám đốc Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: “Vừa rồi địa phương đã ra quyết định cưỡng chế rồi, hiện tại đang lập dự toán để ra phương án cưỡng chế.”

Trong khi đó, cùng ngày, đại diện Ủy Ban Thị Xã Phú Mỹ cho biết hồi Tháng Ba vừa qua ủy ban đã ra văn bản cưỡng chế đối với công trình vi phạm tại chùa Phật Quang.

“Do Tháng Tư vướng vào ngày Đại Lễ Phật Đản, tiếp đến là lễ Vu Lan, do đó các ban ngành hiện đang làm thủ tục để cưỡng chế khắc phục hậu quả,” đại diện Ủy Ban Thị Xã Phú Mỹ giải thích.

Ông Thích Chân Quang hiện đang bị Giáo Hội Phật Giáo CSVN áp lệnh cấm thuyết giảng hai năm do có các phát ngôn và bài giảng gây tranh cãi trên mạng xã hội.

Ông này cũng từng gây sự phẫn nộ trên mạng xã hội, vì trong một bài giảng trước các Phật tử đã ám chỉ và xách mé gọi sư Thích Minh Tuệ, người tu theo hạnh đầu đà, là “thằng ba trợn.”

Ngoài ra, lên quan đến vụ xài bằng giả để lấy bằng tiến sĩ Luật, hôm 14 Tháng Tám, Sở Giáo Dục ở Sài Gòn cho biết xác minh bằng tú tài “bổ túc văn hóa” của ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) thì không có tên ông ta trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm hồi năm 1989.

Tại Việt Nam, bằng tú tài (tốt nghiệp cấp ba, hay trung học) là điều kiện cần để có thể học tiếp lên đại học (bằng cử nhân) hay cao học, tiến sĩ. Nếu bằng này là giả, thì các bằng cấp tiếp theo sẽ trở nên vô giá trị, không được công nhận.

Như vậy, ngoài nguy cơ trước mắt là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Chân Quang có thể còn sắp mất ghế trụ trì. (Tr.N)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *