Monday , September 9 2024

Cảnh Sát Dã Chiến Đỗ Sơn ngoài công việc là phục vụ đồng hương

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Cho dù có bận bịu nhiều thời gian trong công việc của mình, nhưng tôi cũng cố gắng dành thời gian để phục vụ đồng hương trong những sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại Little Saigon.”

Đó là tâm tình của ông Đỗ Sơn, cựu Cảnh Sát Dã Chiến, người đang làm việc cho hãng Thales đến nay gần 18 năm với cấp Senior Certification Engineer level 2.

Ông trải lòng: “Thật ra công việc làm của tôi rất là bận bịu thời gian, vì có thể một ngày tôi phải làm việc trên 10 tiếng. Nhưng vì ngày xưa gốc của mình cũng là quân nhân bảy năm trong ngành Cảnh Sát Dã Chiến, và cũng có lý tưởng là phục vụ cho quốc gia cùng đồng bào miền Nam được sống trong tự do, hạnh phúc. Nhưng vì vận nước điêu linh, nên mình không làm tròn được nhiệm vụ của mình.”

Ra hải ngoại, ông có may mắn được đi học rồi tốt nghiệp bằng kỹ sư điện, cũng như được làm trong nhiều hãng tại Hoa Kỳ. Tại California, nhờ có nhiều hội đoàn, đoàn thể trong cộng đồng người Việt tại Little Saigon, nhằm duy trì truyền thống và văn hóa của dân tộc Việt trên xứ người, nên trong những sinh hoạt của cộng đồng ông đều cố gắng sắp xếp góp chút công sức.

Vì vậy, trong những lễ hội của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Little Saigon, trong hàng ngũ Quốc, Quân Kỳ VNCH và Hoa Kỳ, thường có mặt của cựu Cảnh Sát Dã Chiến Đỗ Sơn.

Tại Little Saigon, ông Đỗ Sơn là thành viên trong Ban Điều Hành Đền Thờ Đức Thánh Trần Westminster; thành viên của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị; phó chủ tịch nội vụ của Hội Đồng Hương Bà Rịa, Phước Tuy; thành viên trong Hội Ái Hữu Cảnh Sát Quốc Gia Nam California.

Kể với phóng viên nhật báo Người Việt, ông cho biết sau khi ra trường, ông gia nhập ngành Cảnh Sát Quốc Gia ngày 20 Tháng Mười Hai, 1967, và phục vụ tại Chi Cảnh Sát Long Điền.

Đến năm 1972, ông được về phục vụ tại quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy, thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Long Lễ trong đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến. Tại đây, ông được biệt phái sang phục vụ cho Ban 2 của Chi Khu (được gọi là Trung Tâm Phối Hợp Tình Báo Hành Quân), có thể gọi tắt là Tình Báo Hành Quân. Ngoài ra, ông còn được bộ chỉ báo Người Việt vụ trung tâm trưởng Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực (vì thiếu sĩ quan).

Theo ông Đỗ Sơn, trong hai năm làm trong ngành Tình Báo Hành Quân, ông chịu trách nhiệm về lưu trữ những hồ sơ hạ tầng cơ sở của Cộng Sản đang nằm vùng ở khu vực này, cũng như trong những tụ điểm ở ngoại ô hoặc trong rừng sâu. Tất cả những hồ sơ này do phía tình báo của quân đội, từ chính quyền hay từ bên các cơ quan tình báo của những cơ sở khác, họ sẽ cung cấp cho ông. Những hồ sơ này sẽ được ông nghiên cứu, theo dõi sự hoạt động của từng cá nhân. Tùy cơ ứng biến để đối phó với địch.

Đầu năm 1973, ông Đỗ Sơn được thăng cấp trung sĩ nhất cảnh sát, vì trước kia ông từng học trường Hạ Sĩ Quan Căn Bản Cảnh Sát tại Vũng Tàu, và Khóa Hạ Sĩ Quan Quân Sự tại Đà Lạt.

Sau đó, Trung Sĩ Nhất Đỗ Sơn tiếp tục phục vụ tại quận Long Lễ, cũng tại Trung Tâm Phối Hợp Tình Báo Hành Quân, với nhiệm vụ lưu trữ những hồ sơ của Cộng Sản nằm vùng.
Đến rạng sáng 28 Tháng Tư, 1975, Cộng Sản nã nhiều đạn pháo vào quận Long Lễ, ông cùng mọi người tìm cách hỗ trợ cho nhau di tản.

Trên đường di tản

Ông Đỗ Sơn kể: “Tôi còn nhớ, lúc Thiếu Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Xuân, chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quận Long Lễ, từ giã chúng tôi, ông còn khoảng mười mấy ngàn Việt Nam thời đó, ông mới đưa cho tôi năm ngàn, còn khoảng mười ngàn thì ông cất giữ, và ông nói: ‘Em cứ lấy năm ngàn để làm lộ phí, còn anh sẽ về Sài Gòn để tìm vợ con của anh.’ Lúc đó năm ngàn đối với tôi rất có giá trị, vì lương của tôi mỗi tháng chỉ có hai mươi ngàn. Tôi rất cảm động, vì cử chỉ biết thương mến thuộc cấp của Thiếu Tá Xuân. Nhưng từ khi chia tay với cấp chỉ huy của mình cho đến sau này, tôi không còn gặp được Thiếu Tá Xuân nữa.”

“Sau đó, nhóm di tản chúng tôi cũng đến Vũng Tàu được an toàn. Có một số anh em quân nhân và cảnh sát chia tay với chúng tôi về với gia đình, số còn lại trong đó có tôi vào trình diện Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Dã Chiến Vũng Tàu. Lúc đó, Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến Vũng Tàu cũng đã vắng mặt rất nhiều, chỉ còn một tiểu đội ở lại hậu cứ. Cuối cùng họ cũng giao quyền chỉ huy tiểu đội này lại cho tôi,” ông kể thêm.

Sau đó ông Đỗ Sơn mới biết, nhiệm vụ của tiểu đội này sẽ bảo vệ Trung Tá Nguyễn Văn Tư, cảnh sát trưởng Vũng Tàu, ra chiếc Giang Cảnh để ra khơi Vũng Tàu. Ông Sơn tuân theo lệnh, cùng với một số anh em Cảnh Sát Dã Chiến yểm trợ ông chỉ huy trưởng xuống chiếc Giang Cảnh để ra khơi.

Tại Vũng Tàu có hai chiếc tàu đánh cá của Đài Loan đã xâm nhập hải phận Việt Nam, rồi bị Hải Quân VNCH Đà Nẵng bắt. Cảnh Sát Đà Nẵng mới dùng hai chiếc tàu đó để di tản về Vũng Tàu. Sau đó, họ mới giao hai chiếc tàu đánh cá của Đài Loan cho Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Vũng Tàu. Nhờ đó, vị chỉ huy Cảnh Sát Vũng Tàu mới trưng dụng hai chiếc tàu đánh cá này để tìm đường vượt biển.

Ông Đỗ Sơn kể tiếp: “Chúng tôi và Trung Tá Tư đang đứng trên bờ tại Bãi Sau biển Vũng Tàu để chờ những chiếc Giang Cảnh vào đón chúng tôi đưa ra biển. Trong lúc này, tại Bãi Sau cũng có cả ngàn quân nhân và gia đình đang đứng chờ tàu từ biển khơi vào để giải cứu họ đi vượt biên.”

Đêm 30 Tháng Tư, 1975, tại Vũng Tàu

“Đêm 30 Tháng Tư, 1975, từ truyền tin cho biết là con cá nhỏ đang chạy (Giang Cảnh) vào bờ. Lúc đó tôi mới chớp đèn làm tín hiệu cho tàu biết chúng tôi ở đâu để họ vào rước vị chỉ huy trưởng cảnh sát và chúng tôi. Khi chiếc Giang Cảnh vào đến điểm rước chúng tôi, thì rất nhiều người cũng tràn xuống chiếc tàu này. Chiếc Giang Cảnh thì nhỏ, còn số người xuống quá đông, thì chiếc tàu này sẽ bị chìm không thể ra khơi được,” ông Đỗ Sơn nhớ lại.

Ông kể tiếp: “Lúc đó, tôi mới thuyết phục mọi người là không nên xuống tàu quá đông người, nặng quá tàu này sẽ bị chìm, xin bà con hãy lên bờ bớt, vì khi chiếc tàu này ra khơi được thì những chiếc khác sẽ vào chở thêm người ra khơi. Khi nghe tôi nói có lý, nên rất nhiều người cũng đồng ý lên bờ chờ đợi. Chỉ còn khoảng 25 người dưới tàu, trong đó có tôi được lên tàu Giang Cảnh đưa chúng tôi ra đến tàu đánh cá của Đài Loan. Còn Trung Tá Tư thì chờ chiếc Giang Cảnh thứ hai vào rước, vì chiếc thứ nhất người đã lên tàu quá nhiều.”

Những người cảnh sát còn lại mới đưa ông chỉ huy trưởng vào bãi khác để đón tàu vào rước, vì chỗ cũ quá đông người. Sau đó, chiếc Giang Cảnh thứ nhì vào thì mới rước được Trung Tá Nguyễn Văn Tư và gia đình được ra khơi để lên hai chiếc tàu đánh cá Đài Loan.

Được đến bến bờ tự do

Ông Đỗ Sơn kể: “Một ngày sau, vì gốc Trung Tá Nguyễn Văn Tư là Hải Quân Người Nhái, nên ông có quen với những vị hạm trưởng của Hải Quân VNCH. Nhờ vậy, tàu Hải Quân VNCH đến đón Trung Tá Tư cùng chúng tôi sang Côn Sơn. Ngày 1 Tháng Năm, 1975, chúng tôi với cả ngàn người đi tị nạn Cộng Sản được tàu đoàn tàu Hải Quân Hoa Kỳ hướng dẫn đoàn tàu Hải Quân VNCH đến Phi Luật Tân. Bốn ngày sau, tôi và cả ngàn người di tản được tàu Hải Quân Hoa Kỳ đưa đến đảo Guam.”

“Khoảng hai tháng sau, tôi được chính phủ Hoa Kỳ đưa tôi vào tập trung tại trại Pendleton, California. Ngày 15 Tháng Chín, 1975, tôi được ông bác sĩ Mỹ đã từng làm việc tại Việt Nam bảo trợ cho tôi được sang Seattle, tiểu bang Washington. Khi được định cư tại Seattle thì chúng tôi gồm nhiều cựu quân nhân VNCH khác được đi học những lớp Anh Ngữ. Trong thời gian đó có một người Mỹ bảo chúng tôi có muốn đi làm việc tại Alaska không? Thì lúc đó, anh em cựu quân nhân chúng tôi gồm 13 người tình nguyện đi làm việc tại Alaska,” ông cho biết thêm.

Khoảng Tháng Mười, 1975 anh em cựu quân nhân trong nhóm ông Đỗ Sơn được đưa đến Alaska. Lúc đó thời tiết cũng sắp vào mùa Đông nên khí hậu rất lạnh. Đến 12 giờ trưa mà mặt trời cũng chưa thấy ló dạng, bầu trời lúc nào cũng đều bị mây che mờ. Còn tuyết thì đầy đường phố.

Ông và những người bạn được làm việc trên chiếc tàu Vicevoy có thể chứa đến 50 người làm việc, và đậu tại Dutch Harbor, Alaska. Chiếc tàu này thuộc công ty Universal Seafood chuyên ra thịt cua (king crab). Nhân viên làm việc ở đây không phải đi bắt cua ngoài biển khơi, mà chỉ ra thịt cua rồi đóng hộp, hoặc cua đã luộc sẵn, rồi ra từng phần của thân cua, như mọi người đã thấy trong các chợ và Costco. Còn cua sống thì công ty mua lại những chiếc tàu chuyên đi bắt cua ngoài biển khơi.

Ông Đỗ Sơn cho biết: “Tôi làm việc cho công ty này từ Tháng Mười, 1975, một năm sau tôi được công ty cho lên chức là leadman. Hai năm sau đó tôi được lên chức foreman. Đến Tháng Mười Hai, 1979, chiếc tàu Vicevoy được đưa về Seattle để tân trang. Nên chúng tôi không còn làm việc dưới tàu này nữa. Chúng tôi được lãnh tiền thất nghiệp. Sau đó tôi bắt đầu đi học lại tại Seattle.”

Đến năm 1985, ông trở về California và ghi danh vào học trường đại học California State University, Los Angeles. Nhưng mỗi mùa Hè, ông Đỗ Sơn đi về Alaska để làm việc trên tàu đánh cá để có tiền chi tiêu khi trở vào trường học. Ông tốt nghiệp Cal State LA vào năm 1989.

Trải qua nhiều công ty, đến Tháng Sáu, 2006, ông làm việc cho hãng Thales, ở Irvine, đến bây giờ. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *