Wednesday , December 6 2023

Cải cách các thủ tục ‘hành là chính’ vẫn lề mề tại Việt Nam

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công chức, cán bộ nhà nước vẫn lề mề thi hành công vụ dù nhà cầm quyền trung ương CSVN thường xuyên thúc hối.

Bản tin trên trang mạng chinhphu.vn ngày Thứ Hai, 20 Tháng Mười Một, thuật lời ông Phó Thủ Tướng Trần Lưu Quang, “tổ trưởng tổ cải cách thủ tục hành chính” của chế độ phàn nàn rằng “việc triển khai (cải cách hành chính) còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.”

Hàng chục năm trước, các định chế tài trợ quốc tế và giới đầu tư ngoại quốc thúc giục nhà cầm quyền CSVN cải cách một rừng thủ tục hành chính vừa rườm rà vừa tròng tréo, tạo cơ hội cho tham nhũng. Từ năm 2001 và những năm tiếp theo, Hà Nội đưa ra các kế hoạch rồi giao cho các ban bệ tiến hành cải cách hành chính với lời tuyên truyền “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả… xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước…”

Hàng năm các phiên họp về cải cách hành chính và loại bỏ đám cán bộ đảng viên ăn bám từ trên xuống dưới vẫn diễn ra mãi cho đến ngày nay mà vẫn thấy còn phải kêu ca. Điệp khúc kêu gọi hủy bỏ các thủ tục “hành dân là chính” được nhắc nhở trong các phiên họp nhưng còn mãi, không biết khi nào có thể hết.

Mới tuần trước, ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính họp thuộc cấp thừa hành đôn đốc “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chú trọng cải cách hành chính từ cơ sở và cắt bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp.” Bây giờ, cấp phó của ông, Trần Lưu Quang, lại vẫn phải càm ràm cải cách hành chính “còn rất chậm.”

Ông Quang thấy nêu ra những hậu quả của cải cách hành chính rất chậm ấy như “việc chậm công bố thủ tục hành chính của các bộ làm ảnh hưởng đến việc công bố, công khai của địa phương; thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công chưa thực chất; quy trình xử lý hồ sơ chưa được thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy hiệu quả, tỉ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa thấp; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế; chưa bảo đảm việc đồng bộ đầy đủ 100% trạng thái hồ sơ trên Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia.”

Ông này chỉ trích chức sắc nhà nước từ trên xuống dưới “người đứng đầu một số bộ, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt chỉ đạo đối với công tác này; các quy định về thiết lập, quản lý, sử dụng dữ liệu giữa các ngành lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả dẫn tới kéo dài thời gian xử lý công việc.”

Theo báo Thanh Niên ngày 30 Tháng Ba, 2022, cho đến cuối tháng này, “cả nước có 6,704 thủ tục hành chính đang có hiệu lực thi hành. Trong đó, có 3,996 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành trung ương; 1,450 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương đóng tại địa phương; 1,642 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền địa phương. Đến nay đã có 66.20% thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.”

Theo số thống kê của Cổng Dịch Vụ Công Quốc Gia trên mạng thì hiện nay chế độ Hà Nội còn tổng cộng 6,347 thủ tục hành chính. Trong đó có 3,824 thủ tục hành chính thi hành tại các bộ và cơ quan trung ương, 1,355 thi hành tại các địa phương và 1,708 thi hành “ngành dọc tại các địa phương.”

Ngày 7 Tháng Mười Một, hãng tin Reuters thuật lại lời một nhà đầu tư ngoại quốc cho hay ngoài lý do nguồn cung cấp điện không ổn định, công ty điện tử Intel đã bỏ kế hoạch đầu tư thêm $1 tỷ mở rộng hoạt động tại Việt Nam vì “thủ tục hành chính phiền hà rắc rối.”

Trước đó, ngày 16 Tháng Mười, John Rockhold, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), nói thẳng với chế độ Hà Nội là thủ tục hành chính vẫn là trở ngại để tiến hành các dự án đầu tư tại Việt Nam. Chuyện này gần như được họp lập lại mỗi khi có các cuộc họp giữa nhà cầm quyền trung ương với giới đầu tư ngoại quốc, bên cạnh tệ nạn vòi vĩnh hối lộ. (TN)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *