HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các khu “tái định cư” xây dựng cho dân nhường đất để làm các đập thủy điện ở Việt Nam hầu như đều bị dân chúng bỏ hoang vì không thể ở được.
Báo VNExpress, hôm 13 Tháng Mười Một, viết về hiện trạng của khu tái định cư với 46 căn nhà ở Khe Ò, xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, mà chủ đầu tư xây dựng cho dân địa phương bị buộc di dời, nhường đất xây dựng đập thủy điện Bản Vẽ.
Lúc ban đầu thì khu vực này cũng có các “hạng mục phụ trợ như đường bêtông, điện lưới, trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng…” Tuy nhiên “chỉ sau 5 năm tái định cư, 43 gia đình lần lượt rời Khe Ò đến làm nhà tại các khu đất dọc sông Nậm Nơn hoặc mặt bằng công trường trước đây là lán trại của nhà thầu thi công thủy điện để sinh sống. Hiện chỉ có 3 hộ bám trụ lại bản vì không có kinh phí di dời.”
Nguyên nhân đầu tiên là năm 2010, trận mưa lớn “làm xuất hiện vết nứt dài hơn 100 m phía sau núi, một tảng đá lớn lăn xuống đè sập nhà bếp của hộ dân, đẩy một phần xuống vực. Lo sợ nguy hiểm, người dân rủ nhau đi nơi khác. Thời điểm đó chính quyền xác định 7 căn nhà có nguy cơ sạt lở, hỗ trợ mỗi hộ 7 triệu đồng để tự di dời.”
Sau đó, ngoài lo sợ sạt lở, “đất Khe Ò toàn đá sỏi, không thể cải tạo trồng hoa màu” nên người ta phải đi nơi khác, tìm cách sống. Ba gia đình còn sót lại chỉ vì họ không thể đi đâu. Từ khi phần lớn dân bỏ đi, “khu tái định cư Khe Ò xuống cấp, đường bêtông rộng 4 m, dài hơn 50 m dẫn vào bản hai bên cỏ dại mọc um tùm, những ngả đường phụ đất đá xói mòn. Các căn nhà trước đây sơn màu vàng, xây kiên cố nay hoen ố, rêu mốc, tường bong tróc, bên trong nhiều vật dụng sinh hoạt vứt ngổn ngang. Trường mầm non, nhà văn hóa cộng đồng… đã bung hết mái, cây bụi cao hơn một mét phủ kín.”
Cũng giống như tất cả những khu tái định cư nhường đất làm thủy điện khác trên cả nước, chúng đều ở toàn những vị trí không ở được, đất cằn cỗi, sỏi đá, rất xa những nơi có thể canh tác để có thể tồn tại. VNExpress thuật lời một viên chức xã Yên Na cho hay “toàn xã có 3 khu tái định cư di dân thủy điện Bản Vẽ. Trước đây vì lý do cấp bách trong giải phóng mặt bằng nên quá trình khảo sát địa hình, địa chất để lập khu tái định cư tại Khe Ò chưa thấu đáo. Người dân ở một thời gian thấy sạt trượt, hẻo lánh, con cái đi học xa nên rời đi”.
Tháng trước, ngày 26 Tháng Mười, VNExpress cho hay “64 căn nhà tái định cư ở huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) hoàn thiện 11 năm trước, song chỉ có một hộ dân đến sinh sống”. Đây là khu tái định cư cho dân làng Đăk Đoát bị trận lũ năm 2009 cuốn trôi hết nhà cửa, tài sản.
Nhà cầm quyền huyện làm chủ đầu tư với kinh phí 16 tỉ đồng cho 64 căn được làm bêtông, diện tích thấp nhất 24 m2 một căn. Mỗi hộ được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, nhưng cách làng cũ tới 7km. Khu tái định cư này được mô tả là xây dựng trên khu đất “bằng phẳng, rộng khoảng 2 ha, gồm đường bêtông, điện, nước sạch và gần UBND xã, trường học, trung tâm y tế…”
Nhưng chỉ vài tháng sau, tất cả đều chạy về khu vực làng cũ sinh sống vì quá xa với nơi có thể canh tác để sinh sống. Họ tháo dỡ tất cả những gì có thể lấy, mang về làng cũ làm nhà. Khu tái định cư này bây giờ chỉ là những nền nhà và 4 vách tường và cây dại, cỏ dại um tùm.
Tháng Tư năm ngoái, VNExpress nêu tình trạng hơn 80 căn nhà tái định cư dự án thuỷ điện Đăk Đrinh, huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum cũng bỏ hoang suốt chục năm vì người dân “thấy khu tái định cư không phù hợp đã quay về làng cũ”. Lý do chính là “đất sản xuất được cấp cằn cỗi, bạc màu và ở xa khu dân cư”.
Nhà cầm quyền CSVN qua nhiều đời thủ tướng từng tuyên bố di dời dân đến các khu tái định cư thì phải tốt bằng nếu không tốt hơn chỗ ở cũ. Tuy nhiên, lời cam kết một đàng, khi thực hiện thì làm ngược lại.
Ngày 9 Tháng Sáu, 2023, khi họp ở quốc hội, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, tuyên bố nhân thảo luận về sửa đổi Luật Đất Đai là “Bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, nhà đầu tư.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Chính: “Quan điểm của đảng rất rõ, khi thu hồi đất, thực hiện tái định cư phải làm sao để người dân nhường đất chuyển đi nơi khác được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ.”
Những gì diễn ra trong thực tế hoàn toàn trái với những gì ông Phạm Minh Chính cam kết. Những khu tái định cư bị bỏ hoang ở Nghệ An hay Kon Tum chỉ là hai trong hàng trăm khu tái định cư có số phận giống nhau trên cả nước.(TN) [kn]