Thursday , October 5 2023

Bộ Công An muốn có Luật Dẫn Độ để ‘xử’ Thanh Nhàn, Kim Thoa

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bộ Công An Việt Nam muốn có Luật Dẫn Độ để “xử lý” những người đang bị truy nã như bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công Thương, và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch công ty AIC.

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm 9 Tháng Bảy, việc cần phải có thêm luật được Bộ Công An giải thích: “14 năm qua, các quy định về dẫn độ nằm trong Luật Tương Trợ Tư Pháp đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.”

Hiện chưa rõ bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng Công Thương, đang ở nước nào sau khi bị Bộ Công An Việt Nam phát lệnh truy nã. (Hình: Quang Định/Tuổi Trẻ)

Bên cạnh đó, Bộ Công An cho rằng một số “tội” theo Bộ Luật Hình Sự CSVN hiện “bị các quốc gia từ chối dẫn độ.”

Cụ thể, theo quy định của các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, các quốc gia thường từ chối dẫn độ trong trường hợp nghi can được xác định là “tội phạm chính trị” hoặc “tội phạm quân sự.”

Bên cạnh đó, một số nước cũng từ chối yêu cầu dẫn độ của Việt Nam trong trường hợp có đủ căn cứ để tin rằng, nghi can có nguy cơ phải chịu sự tra tấn sau khi bị dẫn độ về nước.

Ngoài ra, Luật Tương Trợ Tư Pháp được ghi nhận không tương thích với luật pháp quốc tế về hình phạt tử hình đối với một số tội danh.

Theo tờ Tuổi Trẻ, khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia, nhất là ở Châu Âu đều đề nghị Việt Nam “cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.”

Trong khi đó, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự “là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương Trợ Tư Pháp.”

Đến nay, ngoài hai bà Hồ Thị Kim Thoa và Nguyễn Thị Thanh Nhàn, danh sách bị Bộ Công An Việt Nam truy nã quốc tế còn bao gồm các quan chức, doanh nhân như các ông Phạm Văn Sáng, cựu giám đốc Sở Khoa Học-Công Nghệ tỉnh Đồng Nai; Vũ Đình Duy, cựu tổng giám đốc công ty PVTex; Bùi Quang Huy, tổng giám đốc công ty Nhật Cường, dính vụ Nguyễn Đức Chung…

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch công ty AIC, bị truy nã và kết án khiếm diện 30 năm tù. (Hình: VietNamNet)

Trong số này, ông Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng công ty AIC, thuộc cấp của bà Nhàn, được Bộ Công An tuyên bố là “về Việt Nam đầu thú để được xem xét hưởng khoan hồng.”

Tuy vậy, không rõ là ông Sơn về Việt Nam từ nước nào và vụ đầu thú của ông này có khác gì vụ Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch tổng công ty PVC, người bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin, Đức, nhưng sau đó truyền thông Việt Nam công bố là “về đầu thú” hồi năm 2017. (N.H.K)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *