Sunday , October 13 2024

Biểu tình ở Washington DC, chống độc tài tham dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

WASHINGTON, DC (NV) – Hàng trăm người tham gia hai cuộc biểu tình ở thủ đô Washington DC chống các nhà độc tài tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm Thứ Năm, 13 Tháng Năm.

Hội nghị bao gồm lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.

“Chúng ta muốn gì?” “Tự do!” “Chúng ta muốn khi nào?” “Bây giờ!” (Hình minh họa: RFA)

Tại đài tưởng niệm Washington Monument, hàng trăm người gốc Việt, Khmer, Lào, và Miến Điện, biểu tình phản đối đại diện các quốc gia Đông Nam Á này tham dự thượng đỉnh vì cho rằng đây là các chế độ độc tài, không tôn trọng tự do của người dân.

Người biểu tình vừa đi trên bãi cỏ vừa la lớn các khẩu hiệu: “Chúng ta muốn gì?” “Tự do!” “Chúng ta muốn khi nào?” “Bây giờ!”

Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Việt Nam, thay mặt chính quyền tham dự hội nghị kéo dài trong hai ngày 12 và 13 Tháng Năm.

Trong khi đó, tại công viên Lafayett, trước Tòa Bạch Ốc, lúc 10 giờ sáng Thứ Năm, khoảng 100 người gốc Việt biểu tình yêu cầu Việt Nam thay đổi chính trị, cải thiện nhân quyền, theo đài Á Châu Tự Do (RFA) cho biết.

Hôm 12 Tháng Năm, khi phát biểu trước các doanh nghiệp Mỹ trong buổi làm việc do Hội Đồng Kinh Doanh Mỹ – ASEAN (USABC) và Phòng Thương Mại Mỹ (USCC) tổ chức, người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng: “Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta cởi mở, chân thành để làm việc. Khi hợp tác với nhau thì lợi ích hài hoà mà rủi ro phải cùng nhau chia sẻ”

Đáp lại tuyên bố này, tại cuộc biểu tình, Bác Sĩ Võ Minh Hữu nói với RFA rằng: “Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, những thống kê cho thấy Việt Nam luôn tồi tệ nhất về nhân quyền, hạng 174/180. Việt Nam đã bắt giữ 41 nhà báo và hiện giờ có trên 100 người đang bị giam cầm vì đối kháng với nhà nước. Với những bằng chứng như vậy từ những cơ quan quốc tế thì ông Chính trả lời như thế nào?”

“Ông không thể nào chối cãi về những hành động đó và chúng tôi sẵn sàng đối chất bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào về những hành vi vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam,” Bác Sĩ Hữu nói tiếp.

Trong thời gian Thủ Tướng Phạm Minh Chính làm việc ở Mỹ, chính quyền Việt Nam thả hai người đấu tranh cho nhân quyền là ông Hồ Đức Hòa, bị tuyên án 13 năm tù giam vào năm 2013, và bà Trần Thị Thúy, từng thụ án tám năm tù giam và mãn án hồi năm 2018, cùng được sang Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của đảng Việt Tân, vẫn theo RFA.

Chị Bùi Duyên, cư dân Hawaii, được RFA trích lời nói rằng việc Hà Nội thả hai người vừa nêu cùng thời điểm chuyến đi của ông Chính là kết quả của sự vận động, lên tiếng của tất cả những người Việt Nam hải ngoại.

“Đó là do vận động quốc tế, hải ngoại làm việc chung với Mỹ biết bao lâu nay. Nó nói lên những đóng góp của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, chung với nhau, góp sức nhau để lên tiếng, lên án cho mọi người biết. Vì vậy đã có những người được thả. Nếu thực sự quan tâm về nhân quyền thì Cộng Sản hãy trả tự do cho các tù nhân lương tâm hiện nay, trước khi nói chuyện về nhân quyền, đó là bước đầu,” chị Duyên nói.

Tại cuộc biểu tình, nhiều người mang Cờ Vàng, mang biểu ngữ, và mang những tấm bảng có tên ông Chính và những khẩu hiệu đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam bằng tiếng Anh như “Vietnamese Communist Party does not represent the people,” “Pham Minh Chinh doesn’t represent Vietnamese people,” “Human rights for Vietnam,” “We stand for our brothers & sister in Vietnam…”

Ngoài ra, một số người còn cầm bảng có hình một số tù nhân lương tâm và kêu gọi trả tự do cho họ, như Phạm Chí Dũng, Trần Hoàng Phúc, Lê Đình Lượng…

Người gốc Việt biểu tình trước Tòa Bạch Ốc, chống chế độ CSVN. (Hình: RFA)

Trước khi đến Bộ Ngoại Giao dự thượng đỉnh với các lãnh đạo ASEAN và Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris, ông Chính có gặp và nói chuyện với bà Samantha Power, giám đốc USAID; ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ; và ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, về các vấn đề song phương.

Trong ngày 12 Tháng Năm, trong cuộc gặp gỡ giữa bà Wendy Sherman, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, và ông Hà Kim Ngọc, thứ trưởng ngoại giao và là cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ, phía Mỹ nêu lên vấn đề nhân quyền trong quan hệ ngoại giao hai bên, theo ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, cho biết. (Đ.D.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *