HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Zing (Tri Thức Trực Tuyến) vừa thông báo tạm dừng hoạt động trong ba tháng, kể từ ngày 14 Tháng Bảy.
Báo Zing, một trong những báo điện tử được đọc nhiều ở Việt Nam, trên danh nghĩa, là trang tin trực thuộc Hội Xuất Bản Việt Nam, nên chỉ được đưa tin về hoạt động xuất bản sách, tác giả, tác phẩm, văn hóa đọc…
Trong thông cáo về việc đình bản, báo Zing không nói rõ lý do mà chỉ viết rằng họ “thực hiện kết luận thanh tra của Thanh Tra Bộ Thông Tin Truyền Thông và quyết định của Hội Xuất Bản Việt Nam.”
“Tạp chí sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức bảo đảm thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép và chức năng, nhiệm vụ của tạp chí trực thuộc Hội Xuất Bản Việt Nam cũng như phát huy bản sắc ‘thông tin uy tín, hình ảnh ấn tượng,’ để khi trở lại sẽ phụng sự bạn đọc tốt hơn,” ban biên tập viết trong thông cáo về vụ đình bản.
Lời giải thích nêu trên được ngầm hiểu rằng báo Zing bị Bộ Thông Tin Truyền Thông quy chụp hành vi “hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích” khi trang tin này được ghi nhận cập nhật nhiều tin bài về thời sự chính trị, kinh tế, quốc tế, lối sống giới trẻ, thể thao, công nghệ…
Không rõ những tin bài cụ thể nào khiến báo Zing bị cho là “vi phạm,” cũng như số tiền phạt trong vụ này.
Facebooker Dzung Tran bình luận trên trang cá nhân: “Tờ báo online có số lượt truy cập lớn thứ nhì Việt Nam bị tạm dừng hoạt động. Ai cũng biết công ty VNG đứng sau Zing. Các bạn không bao giờ có thể ‘tư nhân hóa’ được tờ báo với chính sách hiện nay. Chia buồn với nhà sáng lập Zingnews, đây là lời cảnh báo cho những ‘trùm truyền thông’ muốn thao túng, tư nhân hóa báo chí.”
Vụ đình bản báo Zing khiến công luận nhớ lại vụ báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản ba tháng, phạt 220 triệu đồng ($9,296) hồi năm 2018, do hành vi “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết ‘Chủ tịch nước [Trần Đại Quang] đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình’.”
Hiện tại, tất cả các báo đài hoạt động ở Việt Nam đều phải chịu cảnh “một cổ hai tròng,” chịu sự quản lý, chi phối đồng thời của Bộ Thông Tin Truyền Thông và Ban Tuyên Giáo.
Do vậy mà các báo ở Việt Nam có thông lệ gỡ link bài và bị hai cơ quan nêu trên phạt vạ mỗi khi đưa tin bài có yếu tố “nhạy cảm,” liên quan đến quan chức hoặc các vụ bạo động, cưỡng chế đất đai, bị cho là có thể “gây hoang mang dư luận.” (N.H.K)