Saturday , September 23 2023

Ảnh đen trắng in bằng kỹ thuật cổ điển của Trí Trần hút hồn người xem

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nhiếp ảnh gia Trí Trần đang tổ chức triển lãm nhiếp ảnh “Nghệ Thuật và Tâm Hồn” (Art and Soul) tại SAC Arts Gallery, Santora Building, 207 N. Broadway, #Q, Santa Ana, CA 92701, cho đến ngày 2 Tháng Chín.

Cụ ông Danstage, 91 tuổi, từ thành phố Granada Hills, được con trai Mattstage chở đến xem triển lãm ảnh Trí Trần. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Những tác phẩm nhiếp ảnh đến với người xem bằng những kỹ thuật in ảnh cổ điển Platinum Print, Ambrotype Collodion, Salt Print, 3D Carbon Print, với 26 bức ảnh đen trắng khổ lớn được trưng bày từ khổ 8×10 đến 20×24, khiến người xem như lạc vào mê cung của nhiếp ảnh, đi ngược dòng thời gian để đắm chìm trong sự suy tưởng của riêng mình.

Người chụp ảnh luôn biết quy luật rõ mờ trên bức ảnh, vấn đề là điểm rõ nét nhất sẽ được đặt vào chỗ nào để bức ảnh độc đáo, nhìn bắt mắt thú vị hơn.

Nhiều người thích thú trước tác phẩm chân dung “Tiffany,” chụp ống kính Nicola Perscheid soft focus, cho ra nét dịu dàng của ảnh, sau đó được in kỹ thuật Salt Print, khiến bức ảnh càng mềm mại hơn, nổi bật những chi tiết trên toàn bức ảnh tuy mờ ảo nhưng nếu nhìn thật lâu, chăm chú quan sát sẽ thấy những điểm rõ nét nhất nằm ở đâu đó trên hình.

Khách xem thích thú nghe nhiếp ảnh gia Trí Trần (giữa) giải thích về máy ảnh bằng gỗ, và ống kính chụp ảnh khổ lớn, do ông tự thiết kế và ráp lấy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong tác phẩm “Tiffany,” hai điểm rõ nét nhất là ở mí mắt trái của cô gái, cùng chung điểm nét với hình bông hoa màu trắng trên vai áo trái. Đó là sự kín đáo tế nhị của tác giả để thu hút người xem, và khả năng thấu thị, nhìn thấy hình ảnh của mắt người xem rất tinh tế khi nhận ra điểm nét.

“Ống kính Nicola Perscheid là loại ống kính được giới chụp ảnh chân dung khổ lớn rất yêu thích, tạo ra những bức ảnh mềm mại nhưng không kém phần sắc bén. Đôi khi những loại ống kính ‘không hoàn hảo’ trong quang học lại cho ra những hình hình ảnh đẹp, với những cảnh bình thường nhưng tạo được ấn tượng mạnh cho người xem,” nhiếp ảnh gia Trí Trần giải thích thêm.

Loạt bốn bức ảnh với tựa đề “Dogwood” và “Cherry Blossom,” khổ 60×60 được chụp bằng ống kính Petzval 1860, bằng kỹ thuật in Platinum Print, mới thoạt nhìn rất rối mắt vì những nụ hoa trắng chi chít trên bức ảnh, nhưng nhìn một hồi lâu sẽ thấy thú vị khi khám phá ra vài bông hoa rõ nét nhất trên một tổng thể hài hòa, chủ thể vẫn rõ nét trong khi bối cảnh xoay tròn mờ ảo làm bức ảnh sống động hẳn lên như những bông hoa đang lung linh trước gió.

Bức ảnh “Hoa Cymbidium” khổ 20×24 contact print 3D Canon process được nhiều người yêu thích. (Hình: Trí Trần cung cấp)

Ở một góc khác, loạt ảnh hoa Dallmeyer, với kỹ thuật in Collodion Ambrotype cho ra những bức ảnh được người xem thích thú. Phổ biến vào giữa thế kỷ 19, Ambrotype là một kỹ thuật chụp ảnh lịch sử nổi tiếng với vẻ đẹp đặc biệt của nó, thể hiện tính thẩm mỹ cổ điển quyến rũ, đặc trưng từ độ chi tiết, độ sắc nét và bề mặt giống như thủy tinh đáng chú ý. Sự không hoàn hảo vốn có trong quy trình Ambrotype tạo thêm nét quyến rũ độc đáo, kết hợp kỹ thuật thủ công với sức hấp dẫn vượt thời gian, Ambrotype vẫn là một chương nổi tiếng trong lịch sử nhiếp ảnh.

Một cách trình bày khác, trong hai tác phẩm đối chiếu được đặt liền nhau, khổ 7×17 với tựa đề “Neillie Gali,” với một hình mô tả con đường đi uốn vòng quanh một hàng cây, và một gái đang đi về phía cuối đường, tất cả chi tiết trên bức hình đều mờ ảo, bức ảnh được chụp bằng ống kính do nhiếp ảnh gia Trí Trần tự vẽ kiểu và thiết kế trên máy ảnh để cho ra ảnh với độ nét như ý mình, theo trường phái Pictorial do ông Clarence White chủ xướng vào năm 1912.

Ảnh kế bên cho thấy một hàng cây Redwood cổ thụ với độ sắc nét tuyệt vời, từ vỏ thân cây xù xì đến những ngọn cỏ dưới đất cho đến những chiếc lá trên cành. Tác giả muốn cho thấy từ cái nhìn của người xem, hình thành sự suy nghĩ riêng của người thưởng lãm.

Bức ảnh “The Monk” khổ 20×24 với phương pháp in Salt Print (In Muối). (Hình: Trí Trần cung cấp)

Một bức ảnh khổ lớn khác cho thấy một nhà sư Tây Tạng, với thần thái an nhiên như đang thiền định, với cặp mắt hé mở quán sát thế gian, được in bằng kỹ thuật Salt Print với một tông màu xám khiến người xem cũng thấy như đang hòa nhập vào thế giới thiền định.

Giáo Sư Phillip Marquez, giảng dạy nghệ thuật nhiếp ảnh, giám đốc Phòng Triển Lãm Nghệ Thuật của đại học Santa Ana College, cho hay: “Chúng tôi chọn đề tài triển lãm ảnh đen trắng từ những kỹ thuật thuở ban đầu của nhiếp ảnh, được chụp và in ấn như thế nào bằng những phương pháp thủ công. Đó là những cách để sinh viên tìm về nguồn gốc của nhiếp ảnh, từ hơn một thế kỷ trước.”

“Triển lãm này để các sinh viên của đại học Santa Ana College biết lịch sử nhiếp ảnh có từ đâu, và những nghệ thuật ảnh in đen trắng thủ công vẫn là những đề tài được công chúng yêu thích. Từ khởi thủy hơn 100 năm trước cho tới thập niên 1960, ảnh trắng đen vẫn là thông dụng. Sau đó ảnh màu và ảnh trắng đen đều có mức quan trọng ở nhiều lãnh vực khác nhau, nhưng giữa thập niên 1950 và 1960, dựa vào công nghệ nên ảnh màu lúc đó rất thịnh hành, và làn sóng ảnh màu nghệ thuật tiếp tục phát triển,” ông nói.

Chân dung thiếu nữ “Tiffany” qua kỹ thuật in Salt Print giúp bức ảnh trở nên dịu dàng đằm thắm. (Hình: Trí Trần cung cấp)

“Mỗi thể loại ảnh màu và đen trắng đều có tầm mức quan trọng ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng với ảnh đen trắng vì ra đời sớm hơn nên sự tôn trọng thể loại ảnh đen trắng vẫn ở một vị trí lâu đời hơn so với ảnh màu,” ông tiếp.

Trong nghệ thuật nhiếp ảnh, người sáng tác tự do bay bổng những ý tưởng trên tác phẩm của mình để đưa đến một cái nhìn hoàn hảo cho người xem, nhất là trường phái nhiếp ảnh cổ điển với kỹ thuật chụp ảnh khổ lớn bằng những ống kính xưa, được in bằng những kỹ thuật thủ công của thời kỳ đầu nhiếp ảnh từ thế kỷ 19, đến nay vẫn còn được yêu thích.

Tại sao như vậy? Những tác phẩm trong triển lãm “Nghệ Thuật và Tâm Hồn” được tác giả giải thích tường tận.

Giáo Sư Phillip Marquez (trái), giám đốc Phòng Triển Lãm Nghệ Thuật của đại học Santa Ana College, và nhiếp ảnh gia Trí Trần. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ở một góc phòng, nhiều người xem máy ảnh khổ lớn được nhà nhiếp ảnh Trí Trần làm bằng gỗ thủ công rất đẹp và chính xác, chụp phim trắng đen khổ 5×7 và khổ 5×12 Panorama, có cả những cụ già đến xem triển lãm, trầm trồ thích thú khi được trở về với những đam mê nhiếp ảnh thời trai trẻ của mình.

Sau khi xem một lượt buổi triển lãm, anh Hiển Đỗ nhận xét: “Đề tài của nhiếp ảnh gia Trí Trần thật đơn giản, nhưng mỗi tác phẩm đều có một sắc thái táo bạo, khi thì độ nét mờ ảo nhưng sắc sảo trong sắc độ, khi thì lung linh huyền ảo nhẹ nhàng. Đó chính là ngụ ý của tác giả với sự in ấn tài hoa bằng những kỹ thuật cổ điển trong nhiếp ảnh đen trắng, khiến người thưởng lãm phải dừng chân rất lâu trước một bức ảnh mới khám phá ra vẻ đẹp của bức ảnh.”

Nhiếp ảnh gia Trí Trần trong lần chụp ảnh khổ lớn tại Thomas Riley Wilderness. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Theo tôi, với những tác phẩm này, người xem phải có sự tĩnh lặng trong tâm hồn, phải nhìn thấy những gì tác giả muốn diễn tả mới thật sự thấy được cái ẩn tàng trong đó. Nếu chỉ nhìn lướt qua thì cũng khó thấy gì,” anh nhấn mạnh.

Cô Kiều Lưu, một người chơi ảnh đen trắng, chia sẻ: “Trí Trần thật sự là người biết rất nhiều các thể loại nhiếp ảnh đen trắng, nhất là những loại ảnh khổ lớn được chụp và in ấn theo các phương thức cổ điển có từ hàng trăm năm trước. Em chưa thấy ai ở Nam California theo khuynh hướng chụp ảnh như anh Trí.”

“Khi mới tập chụp ảnh, em cứ tưởng hình ảnh phải sắc nét mới đẹp, nhưng từ khi được xem những triển lãm của anh Trí, mới biết được cái đẹp nhiếp ảnh là ở chỗ nào. Từ đó suy nghĩ của em được chuyển hóa, làm thay đổi góc nhìn của mình. Bây giờ những tấm hình nhìn phải có chiều sâu trong đó khi muốn nói lên điều gì, có thể lay động được tâm hồn mình, đó mới là sự thành công của người chụp ảnh,” cô chia sẻ.

Quang cảnh buổi triển lãm nhiếp ảnh trắng đen khổ lớn của nhiếp ảnh gia Trí Trần. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhiếp ảnh gia Trí Trần là người Sài Gòn, định cư tại Montreal, Canada, năm 1979. Học nhiếp tại ảnh tại trường Pierre Laporte, sau đó học về ngành kiến trúc. Hiện định cư tại Nam California, từng chụp ảnh cưới và hiện tập trung vào thể loại ảnh nghệ thuật đen trắng khổ lớn và kỹ thuật in ấn thời kỳ đầu nhiếp ảnh.

Cuộc triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 2 Tháng Chín, từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối mỗi Thứ Bảy trong tuần. Những ngày khác xin lấy hẹn qua số điện thoại của SAC Arts Gallery (714) 564-5615; hoặc gọi Trí Trần (949) 433-5323. [qd]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *